Bệnh nhân nằm xếp lớp... thở máy
Chỉ tiêu giường bệnh ở khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & chống độc người lớn ở Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM là 20 giường, nhưng số ca uốn ván thở máy chiếm đến 25. Tất cả bệnh nhân ở đây phải nằm xếp lớp... thở máy.
|
Hàng loạt bệnh nhân bị uốn ván đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM |
Nằm thở máy bất động trên giường bệnh gần 2 tháng nay, vùng lưng của chị N.T.M. (36 tuổi, nhà ở tỉnh Tây Ninh) đã hình thành vết loét lớn 4x6cm.
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng do độc tố tetanospasmin của vi trùng (hay còn gọi là nha bào) uốn ván tiết ra.
Vi trùng uốn ván sống ở đâu? Nha bào uốn ván có trong đất, nước, đất, đặc biệt là đất canh tác, bụi, không khí, phân súc vật…
Chúng có chất đề kháng cao với chất tẩy rửa nhà cửa, chất kháng khuẩn, có thể tồn tại vài giờ trong nước sôi, chịu đựng được 15-20 phút trong lò hấp tiệt trùng 1200C.
|
Người nhà chị kể, trong một lần lái xe đi làm mướn cho người ta, chị bị té trầy xước đầu gối. Sau khi trạm y tế gần nhà xử lý và may kín vết thương cho chị, vài ngày sau vết thương kín mưng mủ, sưng đỏ. Chị bắt đầu có dấu hiệu cứng miệng, khó khăn ăn uống và gồng cứng người.
Chị M. được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới khi trong người không có giấy tờ tùy thân, không thẻ bảo hiểm y tế. Để duy trì sự sống cho chị, các bác sĩ phải mổ một lỗ nhỏ ở cổ (mở khí quản), hỗ trợ thở máy.
Gia đình nghèo khó, chị chưa hồi tỉnh nhưng chi phí điều trị đã lên tới 120 triệu đồng. Bệnh viện đã kêu gọi quyên góp hỗ trợ chị được 50 triệu đồng.
Nằm giường gần đó, anh S.V.L. (43 tuổi, nhà ở tỉnh Bạc Liêu) cũng rơi vào tình trạng hôn mê, co giật, đang được các bác sĩ tích cực hỗ trợ thở máy, dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc an thần...
Trong một lần cuốc đất ngoài vườn, anh L. bị cây dầu quẹt vào chân trái gây mưng mủ. Sau 3-4 ngày, anh bắt đầu gồng co giật nhiều hơn và được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị.
|
Nam giới bị uốn ván nhiều hơn phụ nữ do không tiêm phòng uốn ván |
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận 100 ca bị uốn ván, tính ra trung bình mỗi ngày bệnh viện này có 1 ca nhập viện do uốn ván. Riêng trong tháng 2 và tháng 3, số ca nhập viện lên 49 ca/tháng, tăng hơn 100% so với các tháng trước.
Do bệnh uốn ván điều trị kéo dài từ 2 tuần đến vài tháng nên hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có khoảng 49 ca uốn ván nằm điều trị nội trú rải rác ở các khoa. Trong đó 23 – 25 ca nằm ở khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực & chống độc người lớn vì đây là những ca nặng cần theo dõi tích cực để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chủ nhiệm Bộ môn Nhiễm – Đại học Y Dược TP.HCM cảnh báo, nguyên nhân bệnh uốn ván tăng là do người dân không chủ động tiêm vắc xin ngừa uốn ván, đến khi để xảy ra chấn thương mới tiêm ngừa là hoàn toàn bị động.
|
Bé trai bị uốn ván sau khi rắn cắn |
Mặt khác, một phần do cách xử trí của các trạm y tế ban đầu, nhất là vùng sâu vùng xa. Thay vì khi xử trí vết thương cho người bệnh, nhân viên y tế phải tư vấn, giải thích cho người bị thương nên chích huyết thanh kháng độc tố uốn ván (hạn chế nguy cơ uốn ván đã xâm nhập vào cơ thể gây bệnh), đồng thời chích thêm vắc xin uốn ván để phòng bệnh chủ động.
Nguồn thuốc “xịn” đang nhỏ giọt
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, cơ chế của uốn ván là gây co thắt cơ, co giật, suy hô hấp, suy tim... dẫn đến ngưng thở và tử vong. Để cứu người bệnh, bác sĩ phải mở khí quản, hỗ trợ hô hấp, thở máy, kháng sinh, thuốc an thần, giãn cơ... Thời gian trung bình thở máy từ 10 – 14 ngày, sau đó khi sức khỏe tương đối ổn sẽ chuyển sang các khoa khác theo dõi thêm 1 tháng.
Đặc biệt với bệnh nhân uốn ván, bắt buộc phải có thuốc kiểm soát chuyên biệt là thuốc hướng tâm thần giúp an thần, giãn cơ, chống co giật để bảo vệ tính mạng.
Hiện có 2 loại thuốc gồm hoạt chất diazepam và midazolam, dùng để tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch bệnh nhân. Mỗi ngày, bệnh nhân sẽ được tiêm 12 ống vào cơ thể. Từ trước đến nay, các bác sĩ vẫn chọn thuốc midazolam vì không có tác dụng phụ gây viêm tĩnh mạch như thuốc diazepam.
Thế nhưng, thuốc midazolam chỉ còn nhỏ giọt, không cung ứng đủ nên các bác sĩ phải “choàng” cho người bệnh bằng diazepam. Tuy nhiên các bác sĩ lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh viêm hết tĩnh mạch, đau đớn.
Các bệnh viện cho rằng, nguồn thuốc bị thiếu do đây là loại thuốc hướng tâm thần, được xếp vào nhóm thuốc kiểm soát chặt chẽ nên ít công ty được phép nhập về Việt Nam.
Bệnh viện chúng tôi không điều trị uốn ván cũng rất cần thuốc midazolam cho quá trình gây mê để phẫu thuật cho bệnh nhân. Những ngày qua, số ca mổ tăng cao so với dự trù, bệnh viện hết thuốc nên phải mượn khắp nơi" - giám đốc một bệnh viện cho hay.
|
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Ngiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết: "Trong tuần này, các bệnh viện sẽ có thuốc midazolam để điều trị cho người bệnh. Ngay sau khi thiếu hụt nguồn thuốc, Sở đã làm việc trực tiếp với Công ty Codupha và Sapharco để nhập hàng về. Hiện hàng đã đến cảng và đang chờ xuất về phân phối cho bệnh viện".
Giải thích về nguyên nhân thiếu thuốc, dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết, Nghị định 54/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Dược mới được sửa đổi bổ sung. Cụ thể, tất cả những nhà nhập khẩu và phân phối phải đổi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc thành kinh doanh dược; vì trong phạm vi kinh doanh có ràng buộc, kiểm soát các thuốc đặc biệt, trong đó có thuốc hướng thần, gây nghiện, tiền chất gây nghiện...
Do đó, Bộ Y tế thành lập hội đồng để thẩm định, tách bổ sung chức năng này vô nên nguồn thuốc bị đứt hàng tạm thời; trong khi số lượng hàng tồn kho không đảm bảo.
|
Trẻ em chích ngừa đầy đủ mới không bị uốn ván |
Sai lầm khi chờ có vết thương mới đi chích ngừa uốn ván
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, cách đây 20 năm, nguy cơ tử vong của uốn ván là 30 - 50% nhưng gần đây tỷ lệ này còn dưới 5%.
Thế nhưng, ở các nước trên thế giới, người bị uốn ván ngày càng ít, ở Việt Nam lại nhiều. Sai lầm nhất là nhiều người chờ bị trầy xước, có vết thương do đứt tay, đạp đinh... mới đi tiêm phòng uốn ván. Trong khi có 12 - 15% ca uốn ván hoàn toàn không có vết thương, 85% ca còn lại bị uốn ván hết khi 50% trường hợp trong số đó đã lành vết thương.
Chi phí chích ngừa hiện nay chỉ từ 200 - 300 ngàn đồng/3 mũi tiêm, trong khi chi phí điều trị lên cả hàng triệu đồng nhưng chưa chắc giữ được tính mạng. Nên chích ngừa, nhất là trẻ em trên 15 tuổi và người lớn cần chích nhắc vì kháng thể uốn ván qua lứa tuổi này sẽ không còn khả năng ngừa được bệnh.
|
Văn Thanh