Ươm mầm yêu thương để trẻ trân quý cuộc sống

01/06/2024 - 06:08

PNO - Người lớn phải là bạn của trẻ để trẻ tin cậy thổ lộ buồn vui, để những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực sớm được giải tỏa, thay bằng năng lượng tích cực.

Giữa tháng 5/2024, xảy ra vụ 2 nữ sinh lớp Chín ở tỉnh Bắc Ninh rủ nhau nhảy cầu tự sát. Trước đó vài ngày, nam sinh lớp Sáu ở TP Đà Nẵng cũng nhảy lầu tìm cái chết. Những vụ việc như trên một lần nữa khiến người lớn phải giật mình nhìn lại…

1.001 lý do khiến trẻ tự tìm cái chết

Trong vụ việc ở tỉnh Bắc Ninh, 2 nữ sinh rủ nhau quyên sinh khi đang ở giai đoạn ôn tập, chuẩn bị thi vào lớp Mười. Đại diện nhà trường lẫn phụ huynh đều không thấy biểu hiện bất thường nào ở 2 nữ sinh này trước khi xảy ra vụ việc đau lòng. Còn trong vụ việc ở TP Đà Nẵng, nam sinh lớp Sáu tên N. nhảy từ lầu 5 chung cư sau khi nhắn tin cho mẹ biết mình sẽ tự tử.

Một bé trai 8 tuổi đang điều trị tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An
Một bé trai 8 tuổi đang điều trị tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Trước đó, khi rời lớp học thêm buổi chiều, N. về nhà với tâm trạng buồn bã và khóc, người chị học lớp Tám thấy nhưng không hỏi han. Đại diện chính quyền địa phương cho hay, nhà N. thuộc diện cận nghèo, chị em N. ở với bà ngoại, còn mẹ N. mưu sinh ở TPHCM. Gần đây, bà ngoại N. thường nghe thầy cô phàn nàn về học lực của N.

Cách đây 2 tháng, một nam sinh lớp Tám đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) cấp cứu sau khi uống 42 viên thuốc các loại. Mẹ bé kể, bé làm bài kiểm tra bị điểm kém, bị cha mẹ la rầy nên lén lấy thuốc điều trị của bà ngoại uống, bị ói, mệt và báo với mẹ đã “uống thuốc tự tử”. Gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu và may mắn cậu được cứu sống.

Trước đó, bệnh viện này cũng cứu sống một nam sinh lớp Chín tên Nguyễn Văn T. Khi T. không chịu đi học, nói với mẹ rằng mình bị bạn dọa đánh thì cha mẹ cậu chẳng những không tin mà còn la mắng, cho rằng T. lười học nên bịa chuyện. Uất ức, T. lấy 3 vỉ thuốc hạ sốt trong tủ thuốc gia đình ra nốc sạch, may được bà ngoại phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời.

3 năm trước, một nữ sinh lớp Tám ở tỉnh Bình Định tự tử sau khi bị hàng xóm nghi ngờ trộm tiền. Người này đã báo công an xã và công an đã mời nữ sinh làm việc. Nữ sinh này khẳng định không trộm tiền nhưng hàng xóm dọa sẽ báo cho nhà trường. Qua hôm sau, người dân phát hiện thi thể của nữ sinh dưới mương nước. Em đã dùng cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình.

Cách đây chưa lâu, bị mẹ la rầy chuyện sớm có bạn trai, nữ sinh L.N.N. - 14 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM - liền nghỉ học để phản ứng; bị cha đánh và cấm ra khỏi nhà, N. liền uống 30 viên thuốc ngủ để tự tử.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ ở tuổi chớm lớn luôn muốn khẳng định mình, thường có những suy nghĩ, hành động nông nổi, bộc phát. Do đó, việc người lớn hành xử kiểu áp đặt, thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực của trẻ.

Cần yêu thương, lắng nghe và tôn trọng trẻ

Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, tự sát đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em và người từ 10-34 tuổi ở Mỹ; tự sát cũng đứng thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong cho lứa tuổi 15-29 trên thế giới. Năm 2022, WHO và Bộ Y tế đã tổ chức công bố kết quả “Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019” ở 7.796 học sinh từ 13-17 tuổi.

Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của phụ huynh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch của nhiều đứa trẻ - Ảnh minh họa: shutterstock
Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của phụ huynh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch của nhiều đứa trẻ - Ảnh minh họa: shutterstock

Theo đó, cứ 6 học sinh từ lớp Tám đến lớp Mười hai thì có 1 em nghiêm túc nghĩ đến việc tự sát trong 12 tháng qua. Điều đáng nói, chỉ có 28,5% cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con, có nghĩa là có tới 71,5% không hiểu những lo lắng và vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Sài Gòn), trầm cảm và cảm giác tuyệt vọng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát nói chung và tự sát ở trẻ nói riêng, tiếp đến là các nguyên nhân đau đớn dai dẳng do bệnh ác tính, mối quan hệ tan vỡ, khủng hoảng tài chính, nghiện ngập, bị xâm hại tình dục, bị bạo hành từ nhỏ.

Theo bà Thúy Trinh, trước khi có hành vi tự sát, các bé gái thường than thở, buồn phiền, còn các bé trai lại có các hành động mang tính chống đối như chạy xe máy tốc độ cao, sa đà vào thuốc lá hay bia rượu, gây sự hoặc tự hành hạ bản thân.

Người lớn cần lưu ý những câu nói ở trẻ như “thà chết còn hơn”, “chết còn sướng hơn”, “sẽ chẳng còn làm phiền tới ai nữa”, “chẳng còn gặp nữa đâu mà nói”, “chẳng còn gì quan trọng cả” hay những hành động như dọn dẹp phòng sạch sẽ một cách bất thường, sắp xếp đồ dùng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký rằng sẽ tặng những món đồ mà mình yêu quý cho gia đình, người thân và bạn bè, có hành động như để trả ơn cha mẹ…

Bà Thúy Trinh cho hay, để phòng ngừa hành vi tự tử của trẻ, gia đình, các nhà tư vấn tâm lý học đường, giáo viên cần quan tâm, hỏi han về cảm xúc của trẻ; đảm bảo môi trường an toàn, cách ly trẻ với các đồ vật có thể dùng để tự sát; luôn ở bên và lắng nghe trẻ; giúp trẻ kết nối với thế giới và không bị cô lập. Đối với những trẻ có bệnh lý về tâm thần, các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý có thể hỗ trợ bằng những liệu pháp can thiệp chuyên biệt.

Nhưng theo bà, trước khi dùng đến các giải pháp có tính “chữa cháy” như trên, người lớn cần xây dựng môi trường sống an toàn, thân ái cả ở trong gia đình, học đường lẫn ngoài xã hội để trẻ có niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp, cảm thấy mình được yêu thương, lắng nghe, tôn trọng. Người lớn phải là bạn của trẻ để trẻ tin cậy thổ lộ buồn vui, để những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực sớm được giải tỏa, thay bằng năng lượng tích cực.

Dấu hiệu cảnh báo hành vi tự tử của thanh thiếu niên

Theo tổ chức Mayo Clinic (Mỹ), nói hoặc viết về cái chết là dấu hiệu cho thấy thanh thiếu niên có thể đang nghĩ đến việc tự tử, chẳng hạn, tuyên bố với bạn bè hoặc đăng trên mạng xã hội rằng “Tôi sẽ tự sát” hoặc “Tôi sẽ không còn là mối bận tâm của cha mẹ nữa”. Bên cạnh đó, trẻ có thể lén sử dụng chất kích thích, bày tỏ cảm giác bị mắc kẹt, tuyệt vọng hoặc bất lực trước một tình huống nào đó. Trẻ cũng có thể làm những việc nguy hiểm hoặc tự hủy hoại bản thân, cho đi các vật dụng cá nhân mà không có lý do rõ ràng, hợp lý.

Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu cảnh báo khác như thay đổi thói quen bình thường, bao gồm cả thói quen ăn hoặc ngủ; trở nên ít giao tiếp xã hội hơn và muốn ở một mình; có tâm trạng thất thường. Thanh thiếu niên có ý nghĩ tự tử cũng thường thay đổi về tính cách hoặc trở nên rất lo lắng, kích động khi gặp những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Nếu phụ huynh nghi ngờ rằng con có thể đang nghĩ đến việc tự tử, hãy nói chuyện với con ngay, đừng ngại nhắc đến từ “tự sát”, “tự tử” trong cuộc trò chuyện. Hãy hỏi xem con đang cảm thấy thế nào và lắng nghe con nói.

Đừng bỏ qua những vấn đề của con mà hãy trấn an con rằng, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc giúp con vượt qua mọi khó khăn. Ngoài ra, hãy nhớ bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe học đường trợ giúp y tế cho con. Ngọc Hạ (theo Mayo Clinic)

Thùy Dương - Khiết Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI