Ươm mầm hy vọng bằng sự cảm thông

15/12/2024 - 16:44

PNO - Khi những trang cuối cùng của tiểu thuyết Dự án cháy chợ (Nhà xuất bản Văn học) khép lại, tôi tự hỏi tại sao mình không biết đến quyển sách này sớm hơn.

Đem câu hỏi đó “chất vấn” Trần Đạt Bạch Dương - tác giả cuốn tiểu thuyết - anh cười đầy ẩn ý: “Có lẽ đây mới là thời điểm chín muồi để chúng ta gặp nhau trên trang viết”. Phải, đây có lẽ đúng là thời điểm chín muồi của anh, khi bản thảo cuốn sách thứ hai, được cho rằng nặng ký hơn cả cuốn này, chuẩn bị in.

Cháy chợ không phải là một sự vụ xa lạ với mọi người. Thiệt hại sau những đám cháy chợ bao giờ cũng để lại nhiều tàn tích đau đớn cho những kẻ chợ. Cháy chợ có lẽ là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời kẻ chợ - những con người bám chợ mà sống, hít thở mùi chợ hằng ngày như mùi thịt da mình, ăn ngủ trong cái không khí đó mà chưa lúc nào dám nghĩ đến cái cảnh phải rời bỏ, dù cuộc đời có tàn mạt như một manh chiếu rách.


Song, vụ cháy chợ trong cuốn tiểu thuyết buộc phải xảy ra, tại ngôi chợ cũ kỹ tự phát và có phần nhớp nhúa ở Sài Gòn. Vụ cháy chợ, nói như tác giả, là “nút thắt nhỏ phản ánh được số phận của những con người nhỏ bé nhất. Ở đó có những phường thu thuế bất chính, những con người tội lỗi và những cô gái điếm đàng”.

Dự án cháy chợ đó thật ra là một bản thảo trên giấy. Nhưng phút chốc nó đã bắt lửa và đưa người đọc đi đến phút cuối cùng, khi tất cả còn lại chỉ là tro tàn cùng một cái xác bí ẩn. Một cuộc thanh trừng của giới “thượng tầng” ở khu chợ nắm giữ cuộc cờ với những con tốt thí là những gã giang hồ mồ côi như Vũ, như Huấn, như anh em Kiên, Định. Vũ, Kiên, Định, Huấn như một trò đùa của số phận khi ông trời nhất quyết tước đoạt đi những người cha, người mẹ của họ. Cuộc đời bắt họ phải chứng kiến những thứ chết chóc đau đớn, ám ảnh. Họ như những cái cây hoang dại, gió chiều nào ngả nghiêng theo chiều đó mà sống.

Rồi Đạt đến, nhúng chân vào “sa mạc cát lún” cùng Vũ và anh em Kiên. Một nhân viên văn phòng đang thất nghiệp lại ôm mộng văn chương bỗng một ngày sa vào chốn giang hồ. Vậy nhưng trong giấc mơ của anh vẫn lừng lững một con thuyền Noah chở tâm hồn anh đi đến một nơi không có những tính toan được mất.

Dự án cháy chợ buộc phải diễn ra. Ai là người châm lửa đốt chợ? Kẻ nào đứng đằng sau giật dây? Kịch bản phải được sửa chữa theo hướng nào để mọi thứ không bị lật ngược? Sau đám cháy, kẻ nào được hưởng lợi nhiều nhất? Cuộc đời của Vũ, Kiên, Định và cô gái tên Giang có thay đổi như ý đồ? Và Huấn, một kẻ “không có đường lui nào, không có gia đình để trở về, không có ai để liên lụy sau này”, có vì lẽ đó mà chấp nhận biến mất?

Dự án cháy chợ bùng lên cùng sắc màu của một thước phim điện ảnh - có mất mát, đớn đau, có những số phận mãi ghim mình trong bóng tối tù mù của một khu ổ chuột.

Trần Đạt Bạch Dương với nước đi đầu tiên đã định hình được cá tính mạnh mẽ của một cây bút trẻ: vừa chắc tay, vừa uyển chuyển, vừa khôn khéo giấu mọi ý đồ sau thủ thuật sắp đặt lắt léo, có phần ma mãnh của mình. Sau cùng, nói như tác giả: “Khi con người ai cũng xấu xí, điều tốt đẹp còn sót lại cuối cùng để ươm mầm hy vọng có lẽ là sự cảm thông”.

Tôi nghĩ về Vũ và Kiên: “2 đứa nhóc năm ấy dặn lòng sẽ không bao giờ trở thành những kẻ đàn ông khốn nạn” và tin. Dự phần vào Dự án cháy chợ, biết đâu bạn đã được tác giả phân vai sẵn, một vai mà dù có muốn rút lui cũng khó lòng thoát ra.

Và khi dự án cháy chợ khép lại, mọi chuyện mới thực sự bắt đầu, như lời Vũ nói.

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI