Mới đây, ở Chile, gần 10.000 phụ nữ đã đồng loạt xuống đường biểu tình, với khăn quàng cổ đỏ và tô son đỏ để lên án những vụ cưỡng bức, bạo lực tình dục tăng cao tại quốc gia này.
Phủ lên môi sắc son đỏ thắm, những người đang tranh đấu vì nhân quyền trên thế giới cùng chia sẻ một thông điệp truyền cảm hứng mạnh mẽ, hệt như dấu ấn “rực rỡ” từng xuất hiện một thế kỷ trước, trong phong trào diễu hành đòi quyền bầu cử khi xưa tại Mỹ. Gửi gắm theo lời tuyên ngôn đanh thép, dũng cảm về sắc đẹp, “huyền thoại” của những thỏi son đỏ sẽ sống mãi.
|
Chân dung nữ doanh nhân ngành mỹ phẩm và chủ hiệu làm đẹp Elizabeth Arden (1947) |
Năm 1912, tại New York - Mỹ, dòng người đông đúc diễu hành trong sự kiện đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, tiến bước qua hiệu làm đẹp của Elizabeth Arden. Arden, chủ cửa hàng và nhà sáng lập một thương hiệu mỹ phẩm non trẻ, cũng là người nhiệt tình ủng hộ quyền lợi phụ nữ. Mong muốn đóng góp vì tinh thần cuộc diễu hành, Arden gửi tặng nhóm phụ nữ tham gia những thỏi son môi mang sắc đỏ tươi tắn. Quay ngược dòng thời gian để thấy rằng, đằng sau những thỏi son môi nhỏ bé với tông đỏ rực rỡ là một chặng đường lịch sử kéo dài hàng ngàn năm, biểu trưng cho không chỉ sắc đẹp, mà cả ước vọng bứt phá - đấu tranh vì quyền lợi và chỗ đứng của phụ nữ khắp nơi trên thế giới.
Người dẫn đầu đoàn diễu hành khi ấy, Elizabeth Cady Stanton và Charlotte Perkins Gilman yêu thích sử dụng son môi đỏ như một “tuyên ngôn” đáp trả những ai phản đối phong trào đấu tranh vì nữ quyền. Họ tiếp nhận sắc son đỏ như biểu trưng cho hành trình đấu tranh và giải phóng.
“Không có biểu tượng nào minh chứng cho công cuộc đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ hoàn hảo hơn những thỏi son đỏ, bởi nó không chỉ phản ánh sức mạnh nội tâm mà còn rất nữ tính”, Rachel Felder, tác giả tựa sách ảnh đặc sắc Red Lipstick: An Ode to a Beauty Icon (Son môi đỏ: Áng thơ về một biểu tượng thời trang), chia sẻ trên CNN. “Đấu tranh đòi quyền bầu cử biểu trưng cho không chỉ sức mạnh, mà còn là sức mạnh nữ quyền”.
|
Nữ thợ máy Rosie, bức poster nổi tiếng mang dấu ấn cổ vũ tinh thần nữ quyền, do họa sĩ tranh minh họa người Mỹ J. Howard Miller thực hiện năm 1942 |
Suốt hàng thế kỷ, son đỏ đã lưu giữ dấu ấn riêng lên rất nhiều thứ, từ những ngày đầu món đồ trang điểm này được giới quý tộc sành điệu ở Ai Cập cổ sử dụng đến khi chúng giúp điểm xuyết cho đôi môi những kỹ nữ Hy Lạp. Về sau, son môi đỏ lại là điểm nhấn làm hoàn thiện vẻ ngoài lộng lẫy của vô số mỹ nhân Hollywood.
Có tông màu gợi cảm với đa dạng “biến tấu” đậm nhạt, những thỏi son đỏ giờ đây trở thành một “vũ khí” văn hóa với sức ảnh hưởng rộng khắp, chứa đựng không ít thông điệp lịch sử lý thú.
“Son môi đỏ ẩn chứa trong nó một “hành trình” văn hóa lịch sử và mang cả dấu ấn tư tưởng thời đại”, Felder nhận định.
Trước khi son môi bắt đầu được phổ biến vào đầu thế kỷ XX, hình ảnh một đôi môi đỏ thường bị gán ghép cho những phụ nữ vướng phải điều tiếng về đạo đức: những người cư xử thô lỗ, không tuân thủ luân lý giới tính, thậm chí đi cùng chỉ trích “ngoại đạo” hay “dị giáo”. Trong Thời kỳ tăm tối (The Dark Ages) ám chỉ giai đoạn suy thoái văn hóa, kinh tế trầm trọng ở châu Âu sau khi đế quốc La Mã suy tàn, kéo dài từ thế kỷ thứ V-VI, việc thoa son đỏ có thể khiến một phụ nữ bị xem như có mối liên hệ với quỷ dữ. “Sắc son đỏ từng bị nhìn nhận là biểu trưng cho những phụ nữ bí ẩn, tàn ác”, Felder lý giải.
Về sau, dựa trên những gì Felder diễn giải qua tác phẩm, như cách nhóm phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử tại Hoa Kỳ tiếp nhận dấn ấn son môi đỏ, không ít đồng minh của họ trên khắp năm châu đã làm điều tương tự.
Khi phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng phụ nữ lan tỏa khắp châu Âu, New Zealand và Úc, bên cạnh hàng loạt hội nhóm xã hội hoạt động theo cùng cách thức tại Anh và Mỹ, tinh thần “vì nữ quyền” được kết nối bởi một sản phẩm trang điểm độc nhất - son môi đỏ.
Mặc dù những thỏi son đỏ trở nên nổi tiếng hơn thông qua hình ảnh nhóm phụ nữ diễu hành năm nào, Felder ghi nhận rằng, đã luôn tồn tại một động lực thúc đẩy việc phổ biến son môi trong đa dạng tầng lớp phụ nữ, giai đoạn phái đẹp dần rũ bỏ những chiếc áo nịt ngực bó eo khó chịu sang phong cách áo lót hiện đại, tiện lợi hơn.
Nói cách khác, Felder chỉ ra, chính phong trào đấu tranh vì quyền bầu cử đầu thế kỷ XX đã giúp phản ánh khái niệm “phụ nữ hiện đại” tại nhiều quốc gia Âu Mỹ.
|
Một Elizabeth Taylor kiều diễm đang chăm chú tô son trước gương (ảnh chụp năm 1948) |
Trong thế chiến thứ hai, thỏi son đỏ rực lại minh chứng cho tinh thần phản kháng. Lúc bấy giờ, tại những quốc gia Đồng minh, dùng son đỏ trở thành biểu trưng của lòng ái quốc lẫn một “lời tuyên bố” chống chủ nghĩa phát xít.
Khi những người đàn ông ra trận, phụ nữ nỗ lực hoàn thành trách nhiệm gánh vác gia đình nơi quê nhà. Phái đẹp điểm tô đôi môi bằng sắc son đỏ khi đến chỗ làm. Hành động này biểu thị thái độ kiên cường, bản lĩnh dẫu phải đối diện biết bao khó khăn thời cuộc.
“Màu son đỏ còn khiến người phụ nữ gợi nhớ đến một thời kỳ tiền chiến, những tháng năm bình yên hơn trước khi chiến tranh nổ ra”. Felder nhận xét.
“Tô điểm đôi môi với sắc đỏ tươi tắn đối với nhiều phụ nữ giai đoạn này, như để gợi lên cảm nhận về cả sự tự tôn phụ nữ, một cảm nhận tự tôn mạnh mẽ, nhiệt thành”, Felder nói.
Sau chiến tranh, vô số người đẹp Hollywood, nổi bật như Elizabeth Taylor, tiếp tục sử dụng màu son đỏ để tăng thêm nét tự tin và quyến rũ.
Ngày nay, những phong trào đấu tranh với thông điệp nữ quyền đã tìm thấy không ít “biểu tượng” đại diện mới, duy sắc son đỏ lôi cuốn một thời vẫn giữ sức ảnh hưởng không thể chối cãi.
Như Ý (Theo CNN)