Ước sao con được đến trường

07/04/2014 - 11:26

PNO - PNCN - “Thằng nhỏ ngày nào cũng níu vạt áo tui hỏi, vì răng không cho con đi học giống em? Nhìn nó, tôi đành nuốt nước mắt, tìm cách vỗ về con cho khuây khỏa. Có người mẹ nào không muốn con mình được đến trường như bạn bè trang...

edf40wrjww2tblPage:Content

Uoc sao con duoc den truong

Nguyễn Thúc Nguyên nhờ bạn hướng dẫn học

Ngôi nhà đại đoàn kết của ba mẹ con chị Liễu nằm ở khóm 5, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Xung quanh nhà cỏ dại mọc um tùm, xen lẫn vài ba nấm mộ bằng đất cũ. Chiều tà, chị Liễu ngồi ở hiên nhà, ánh mắt buồn rười rượi. Cạnh đó, đứa con trai có thân hình nhỏ thó nhảy loi choi, giằng lấy áo chị hỏi: “Vì răng mẹ không cho con đi học giống em?”. Chị nhìn con, bối rối chỉ cho nó con bướm vờn trên đám bông cải rồi lén lau nước mắt. Chị Liễu bị nhiễm HIV, con trai đầu của chị - cháu Nguyễn Thúc Nguyên cùng cảnh như mẹ...

 Hạnh phúc tày gang

Ráng chiều đổ hắt vào đôi mắt, chị ngồi bó gối kể lại chuyện đời mình. Có lúc chị ngã lòng, tuyệt vọng, muốn buông xuôi. Hai đứa con và mẹ già - từng ấy sợi dây níu chị lại với cõi trần đầy sóng gió. Chị từng đi qua thời con gái đầy mộng mơ. Nhưng cuộc sống nghèo khó, tuổi xuân trôi qua lúc nào không hay; ngoảnh lại, đã ở tuổi 30. Ngày đó, con gái 30 chưa chồng được xem là ế. Bởi vậy, khi chị gặp rồi yêu anh, nhiều người bảo chị hạnh phúc, “chẳng khác nào nhặt được vàng mười!”. Ai ngờ, hạnh phúc ấy chỉ như ngọn đèn cạn dầu, sáng lên chốc lát rồi tắt ngấm.

Chị nhớ lại, năm 2001, anh Phú (SN 1967) - chồng chị - từ Thái Nguyên vào quê chị lập nghiệp. Nói lập nghiệp cũng được mà đi cai nghiện cũng đúng. Ở Thái Nguyên, Phú cai ma túy nhiều lần, nhưng cứ được vài tháng là tái nghiện. Bà con anh ở Gio Linh, Quảng Trị hiến kế rằng vào trong này “môi trường còn sạch”, may ra mới đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu”. Nỗ lực cố gắng, chỉ một năm sau, Phú cắt đứt cơn nghiện, chăm chỉ làm ăn. Anh Phú và chị Liễu gặp gỡ rồi yêu thương nhau. Năm 2002, họ tổ chức đám cưới. Một năm sau, cháu Nguyên chào đời trong niềm hạnh phúc. “Hai năm sau, trong một chiều mưa ảm đạm, anh ấy đột nhiên ngã bệnh, sốt li bì. Sau bao thuốc men không khỏi, tui đưa chồng vào bệnh viện. Tin dữ đến với tui đang lúc mang thai đứa con thứ hai chưa đầy năm tháng: Phú bị nhiễm HIV! Tui gặng hỏi, anh ấy mới thú nhận: "Anh là thằng nghiện, đã ích kỷ không cho em biết khi chúng mình yêu nhau. Nhưng nếu anh biết mình bị nhiễm HIV, anh sẽ không lấy vợ và không làm khổ mẹ con em như thế này” - chị Liễu vừa khóc vừa kể lại. “Lúc biết mình không qua khỏi, anh nhờ họ hàng đưa về quê để thăm mẹ già lần cuối. Tui đang mang bầu nên không đi cùng anh được. Rồi anh vĩnh viễn ra đi khi chưa kịp quay về nhìn mặt bé Tường Vy - cháu thứ hai của vợ chồng tui” - chị khóc.

Chồng mất, bản thân mình và đứa con trai mang căn bệnh lây nhiễm từ chồng, chị Liễu như cây chuối non ngã gục sau cơn bão dữ. Không lâu sau, mảnh đất gia đình chị ở nhờ bị chủ đòi lại, bán cho người khác. Bụng mang dạ chửa, chị dắt đứa con trai lủi thủi đi thuê nhà. Vẫn không yên, một thời gian ngắn sau, chủ nhà biết chuyện chị và con trai có bệnh đã tìm cách đuổi khéo hai mẹ con. Không còn nơi bám víu, chị đành ra mảnh đất hoang phía sau làng, dựng túp lều lợp lá, trú tạm. Rồi chị Liễu sinh hạ bé Nguyễn Tường Vy - một mình vượt cạn. Những ngày tháng ấy, ba mẹ con chị Liễu sống nhờ vào đồng tiền và chút quà thơm thảo của người đi đường.

Uoc sao con duoc den truong

"Sao không cho con tới trường giống em”- câu nói của cu Nguyên như nhát dao cứa vào lòng người mẹ. May sao, con gái Tường Vy của chị không bị nhiễm bệnh

Mong ước cho con

Thương con gái chịu nhiều bất hạnh, bà Nguyễn Thị Em, mẹ chị Liễu bỏ ngoài tai những lời dè bỉu của thiên hạ, đến an ủi và chăm sóc con, cháu. Chị cũng luôn tìm cách thuyết phục để người khác biết: HIV nếu biết phòng tránh sẽ không lây; căn bệnh này không đáng bị xa lánh, nếu am tường về nó và có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ. Dần dần người thân và bà con lối xóm cũng hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của chị. Chị ra chợ Cầu gần nhà mua bán rau, khoai... Biết hoàn cảnh của chị, nhiều người đã mua ủng hộ. Chị được Trung tâm Y tế dự phòng huyện Gio Linh quan tâm, hướng dẫn cách phòng tránh cho người khác và cấp thuốc đều đặn cho hai mẹ con. Năm 2007, các đoàn thể và cá nhân hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ chị Liễu 20 triệu đồng xây nhà ở. UBND huyện Gio Linh cũng cấp cho chị mấy chục mét vuông đất tại thị trấn Gio Linh. Được sự quan tâm của chính quyền, bà con chòm xóm, cuộc sống của mấy mẹ con chị có phần dễ thở hơn trước.

Chị Liễu nói, đời chị còn may khi kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị năm 2008 cho thấy cháu Vy âm tính với HIV. “Năm nay cháu vào lớp 3 rồi đấy. Hồi cháu mới đi mẫu giáo, phụ huynh các cháu khác phản đối ghê lắm, họ gây áp lực với nhà trường để không cho cháu học. Nhiều lần ban giám hiệu mời tui lên khuyên nên để cho cháu ở nhà. Nhưng cứ nhìn ánh mắt tha thiết không muốn rời trường của con, tui lại đi khắp nơi nhờ can thiệp. Cũng may, Trung tâm y tế huyện đã đứng ra bảo đảm trước phụ huynh có các con em đến học, đưa bằng chứng nên họ mới thôi, không phản đối nữa”, chị Liễu kể, “nhưng thằng Nguyên thì không được như em”.

Với đồng tiền trợ cấp dành cho hộ nghèo, neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cùng với gánh rau khoai ra chợ, chị chắt bòn, ky cóp để cầm cự qua ngày cho cả nhà bốn miệng ăn. Cơ thể chị gầy gò, đôi mắt mang niềm u uẩn lẫn hy vọng. Chị bảo, chị không ngại tham gia các buổi giao lưu, chia sẻ với người đồng cảnh ngộ. Chị chỉ mong mỏi làm sao cho thằng cu Nguyên được tới trường thì dù khổ mấy chị cũng chịu được. “Tôi mong Nguyên được đi học như người ta” - chị nói.

Uyên Ngọc

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI