Ước sao cho đúng!

14/06/2014 - 06:55

PNO - PN - Hôm ấy là ngày Quốc tế thiếu nhi, tôi mang đến một chiếc lọ thủy tinh, đặt giữa lớp học tình nguyện dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tôi bảo: “Các con viết điều ước dành cho mùa hè này rồi bỏ vào lọ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cô sẽ cố gắng giúp các con thực hiện”, rồi vui sướng nhìn một đám trẻ da xanh xao, tay chân đầy những vết sẹo ngồi túm tụm quanh chiếc lọ. Mỗi em lấy một tờ giấy để ngay ngắn trên bàn, ra chiều đăm chiêu suy nghĩ. Được một lát, trò chơi điều ước của tôi khiến cả lớp nhốn nháo. “Ước gì bây giờ”, “tui không biết ước gì hết trơn”, “cô ơi ước sao cho đúng...”. Giải đáp câu hỏi trước những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác đang hướng về mình, tôi biến buổi học hôm ấy thành những giờ học về ước mơ. Tôi gợi ý bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu món quà ngày hè, rồi động viên, “cứ ước đi các con, những gì gần gũi nhất ấy”.

Bọn trẻ bắt đầu thì thầm bàn bạc với nhau. Đăm chiêu một hồi, Mỹ Dung tách ra khỏi nhóm bạn, nhanh nhảu ghi vào giấy: “con ước một bộ đồ công chúa, và con mau hết bệnh”. Biết tôi đã nhìn thấy dòng chữ nguệch ngoạc ấy, Dung bẽn lẽn cười, rồi cuộn tròn mảnh giấy, buộc kỹ, bỏ vào lọ. Xong, Dung lui về cuối lớp, im lặng ngồi chờ các bạn.

Uoc sao cho dúng!

Bé Mỹ Dung nhận phần thưởng của lớp học Bé khỏe bé ngoan

Ánh mắt tôi bị cuốn theo vẻ khiêm nhường của đứa trẻ ấy. Mỹ Dung là bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối, suốt sáu năm ở bệnh viện, em phải thường xuyên nằm ở phòng hồi sức cấp cứu. Khỏe được một tí, được thoát khỏi mớ dây nhợ nặng nề, em lại cố gắng đến với lớp học của chúng tôi, cố gắng theo dõi bài học, siêng năng phát biểu. Các bạn em trong lớp học này đều đang phải sống những ngày như thế.

Đến cuối giờ, Mỹ Dung chạy đến nói nhỏ vào tai tôi: “Cô ơi, con không ước bộ đồ công chúa nữa, con ước đôi giày thôi”. “Bộ đồ công chúa cũng được mà con”, tôi nói. “Dạ thôi, con muốn đôi giày là được rồi, cho con sửa lại”. Dung nhón chân nhìn vào lọ thủy tinh, tìm “điều ước” của mình. Cô bé nắn nót sửa bộ đồ công chúa thành “đôi giày công chúa thôi”. Thì ra, cô bé quyết định như vậy vì vừa mới dò hỏi điều ước của mọi người. Bé Minh Thư bảy tuổi, bị xương thủy tinh, đã ghi: “Con ước làm siêu nhân vì con muốn cứu người”. Còn “Con ước gặp bé Xuân Mai” là điều ước ngọt ngào của Hoài Thương cũng mắc căn bệnh xương thủy tinh. Trong khi ấy, Tuấn, cậu nhóc chín tuổi hay bị bà nội “méc” cô là “hỗn với nội lắm” lại chắt chiu giấc mơ quý giá “con ước cho nội con xấp vải”. Giữa những điều ước này, “một bộ đồ công chúa thì khác các bạn quá” - Mỹ Dung nói nhỏ vào tai tôi.

Uoc sao cho dúng!

Lọ ước của các em học trò - bệnh nhi ở lớp học tình thương trong Bệnh viện Nhi Đồng 2

Có lẽ, những lúc cùng nhau ngồi thu rút ngoài hành lang, trên chiếc chiếu, chia nhau từng khoảng không gian nơi giếng trời của bệnh viện, và cả những đớn đau của những căn bệnh nan y, mạn tính đã dạy các em nhìn nhau mà sống, mà ước mơ. Đó không chỉ là những hư hao thể xác, mà còn là một khoảng mênh mông vô định buộc các em phải đương đầu, không hẳn là để may mắn được lớn lên, mà chỉ là để được tiếp tục sống từng ngày. Trong hành trình vất vả ấy, một cơ hội để ước mơ cũng trở thành một sự kiện, để đắn đo “ước sao cho đúng”.

Minh Trâm - Phương Linh
(CLB Bé khỏe Bé ngoan, Đại học Y Dược TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI