Ước mơ về nấm, làm giàu bằng khối óc đôi tay

05/07/2019 - 06:48

PNO - Tôi ra về mang theo nụ cười ấm áp của đôi vợ chồng trẻ cùng ước mơ của họ là làm thêm một trại nấm rơm để kinh tế không chỉ ổn định mà còn khấm khá hơn từ đôi bàn tay và khối óc của chính mình.

Con đường nhỏ quanh co ngang qua Trường tiểu học Võ Trường Toản thuộc P.Ninh Thạnh - TP.Tây Ninh dẫn tôi vào trại nấm Giác Nguyễn của ông bà Nguyễn Chánh Giác - Đỗ Thị Thanh Thảo.

Nếp nhà nhỏ nhưng khang trang hiện ra cùng tiếng cười nói của hai con gái nhỏ. Vợ chồng trẻ đang lúi húi trong trại nấm bào ngư. Họ hái nấm, tưới nước, kiểm tra meo… Những giàn sắt hình chữ A giúp tiết kiệm diện tích đồng thời có thể để những bịch meo lên đến tầng cuối cùng. Với diện tích 80m2, đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng, nhưng mỗi tháng thu từ 8-10 triệu đồng tiền nấm thì để có một cuộc sống dư dả là không khó.

Uoc mo ve nam, lam giau bang khoi oc doi tay
Anh Giác, chị Thảo trong trại nấm

Chị Thảo “bật mí”: “Nhà em ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, quen nhau qua mạng rồi em về Tây Ninh làm dâu. Chồng em từng học Trường Nông - Lâm - Súc Tây Ninh (nay là Trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật). Ở đó dạy nhiều ngành nghề nhưng anh ấy yêu nấm nên sau khi ra trường thì tìm học thêm về nấm. Năm 2016 tụi em vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm ở Hội Phụ nữ phường được 20 triệu đồng, cha mẹ hai bên cho mượn thêm, thành ra cái trại nấm này”.

Hơn 30 tuổi nhưng anh Giác trông còn khá trẻ. Anh nói: “Trước khi làm nấm, em làm mãng cầu, lặt lá, bón phân đều biết hết… Nhưng làm thuê hoài cũng ngán, tới mùa là bỏ vợ con đi suốt ngày đêm, nên khi nghe anh em, bạn bè nói làm nấm rơm, nấm bào ngư rất dễ, còn được làm chủ, có thể ở nhà phụ vợ chăm sóc gia đình… nên em tìm cách học”. 

Thế nhưng, để có kết quả ngày hôm nay quả thật không dễ dàng. Vì ai cũng giữ lại “bí quyết” cho mình nên anh Giác phải đi hết trại nấm này đến trại nấm khác để học thực tiễn, trong khi chị Thảo thì theo học lý thuyết về nấm ở các lớp do Hội Phụ nữ phường tổ chức. 

“Tây Ninh là vùng đất có nhiều người theo đạo Cao đài, mỗi tháng ăn chay 10 ngày và nấm là loại thực phẩm không thể thiếu, nên mình cần phải biết và có kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch. Ví dụ, gác nấm thứ nhất hái ngày mùng Một thì phải tính toán chăm sóc sao cho tới Rằm hái nữa. Gác thứ hai và thứ ba hái mùng Tám, mùng Chín thì chăm sóc sao cho tới ngày 23-24 hái tiếp. Nếu ra nấm vào các ngày “mặn” thì giá rất rẻ, tiền bán không bù được tiền công. Hái nấm rất cực, phải hái lúc 1-2 giờ khuya để đến 5-6 giờ sáng, nấm ra chợ còn màu tươi nguyên” - anh Giác không ngại “bật mí” bí quyết.

Chị Thảo vui vẻ cho biết, giá nấm bào ngư hiện dao động từ 35.000-50.000 đồng/kg, mỗi ngày “chay” trại nấm Giác Nguyễn hái khoảng 40-50kg, đầu ra ổn định, có khi cung không đủ cầu. Vì vậy, anh chị đang ấp ủ làm thêm trại nấm rơm có diện tích lớn hơn.

“Làm việc gì không quan trọng, quan trọng là mình được làm việc mình thích. Em từng học đại học, nhưng rồi việc không hợp với mình nên ở nhà phụ chồng làm nấm. Mê nhất là đợt nấm bông đầu tiên, nó như hoa nở trắng trời, hái đến quên mệt” - chị Thảo nói.

Ngoài chăm sóc trại nấm, chăm lo công việc gia đình, chị Thảo còn tham gia công tác Hội Phụ nữ P.Ninh Thạnh. Chị cũng nhận cung cấp meo giống và chuyển giao kỹ thuật cho những chị em muốn làm nấm, giúp chị em vượt khó vươn lên từ mô hình kinh tế hộ gia đình. Những đóng góp của chị Thảo đã được địa phương ghi nhận, tháng 10/2018 vừa qua chị được Chủ tịch UBND TP.Tây Ninh tặng giấy khen vì thành tích “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. 

Tôi ra về mang theo nụ cười ấm áp của đôi vợ chồng trẻ cùng những ước mơ họ ấp ủ là làm thêm một trại nấm rơm để kinh tế không chỉ ổn định mà còn khấm khá hơn từ đôi bàn tay và khối óc của chính mình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhu - Chủ tịch Hội Phụ nữ P.Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh - đã dành những lời thiện cảm cho vợ chồng trẻ Giác - Thảo: “Hai bạn ấy rất nhiệt tình với công tác Hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người yêu nấm một cách vô tư. Đó cũng là tấm gương lập nghiệp cho các bạn trẻ địa phương”. 

TRANG PHẠM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI