Ước mơ về một sàn đấu giá

17/05/2018 - 06:00

PNO - Sự xuất hiện của các sàn đấu giá tranh tại Việt Nam đã giúp thị trường phát triển lên tầm vóc mới. Tuy nhiên, ngay ở các sàn hiện tại vẫn còn nhiều điểm chưa chuyên nghiệp, dẫn tới phản cảm.

Vấn nạn tranh giả

Bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ (họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, sáng tác khoảng năm 1935) được đưa đến cuộc đấu giá Các họa sĩ châu Á của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) với mức giá khởi điểm từ 35.000 - 50.000 euro (985 triệu - 1,4 tỷ đồng) đã dấy nên nghi án tranh giả.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhận xét: “Tranh đưa ra đấu giá có nhiều điểm quá khác biệt so với ảnh chụp tranh gốc năm 1936. Sai số kích thước rất đáng kể”. Họa sĩ Phạm An Hải cho rằng, hai phiên bản của bức Thôn nữ Bắc Kỳ có: “độ đậm nhạt khác nhau quá trên gương mặt nhân vật, các chi tiết hoa lá gần quần đen cũng khác nhau, dải yếm lụa cũng khác đậm nhạt, chứng tỏ khác màu so với bản gốc cũ”.

Uoc mo ve mot san dau gia

Các phiên đấu giá “ồn ào” của Chọn Auction

Bức của danh họa Lê Phổ, từng bán đấu giá ở Sotheby’s Hồng Kông, có tới... hai bàn tay trái. Bức của Bùi Xuân Phái cũng từng bị nghi là tranh giả khi bán tại sàn đấu giá Chọn Auction. “Tất cả những lộn xộn này khiến nhà sưu tập và các gallery quốc tế hụt hẫng, không mua tranh Việt nữa” - bà Lý Bích Ngọc, giám đốc công ty Lý Thị Auction, khẳng định.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng cho rằng đã bắt đầu xuất hiện hình thức “rửa tranh” - biến giả thành thật, thông qua sàn đấu giá.

“Sàn đấu” mơ ước

“Vì sao tôi tham gia các hoạt động mỹ thuật mang tính thương mại như hội chợ nghệ thuật, sàn đấu giá tranh? Vì chúng ta đang ở giai đoạn quá độ để bước vào thị trường mỹ thuật hoàn chỉnh. Cùng dòng tranh châu Á, mang triển lãm và bán ở các nước phát triển, giá tranh của họa sĩ nước khác lên đến vài triệu đô la Mỹ, trong khi tranh Việt mất uy tín nên giá vẫn nguyên như cũ” - họa sĩ Lê Kinh Tài bày tỏ.

Chọn Auction được xây dựng theo tiêu chuẩn của các nhà đấu giá giới như Sotheby’s, Christie’s… Ông Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Viet Art Space Gallery) cho biết: “Tất cả các tác phẩm được gõ búa tại Chọn đều được một tổ chức bảo lãnh thanh khoản nghệ thuật, với nguồn vốn bảo trợ ban đầu lên tới 2 triệu USD (hơn 44 tỷ đồng), đảm bảo tính thanh khoản. Bất kỳ tác phẩm nào đã qua đấu giá tại Chọn (sau thời gian quy định) sẽ được đảm bảo tính thanh khoản ít nhất 70% giá gõ búa tại sàn”. 

Uoc mo ve mot san dau gia

Bức La Famille, từng được bán ở Sotheby’s Hồng Kông, có đến hai bàn tay trái

Tại Việt Nam, TP.HCM mới chỉ có sàn đấu giá Lý Thị Auction, Hà Nội có Chọn Auction. Cả hai sàn đều ra mắt vào năm 2016, thể hiện được một số điểm tích cực hỗ trợ thị trường mỹ thuật. Tuy nhiên, hoạt động của cả hai sàn đều gặp những vấn đề khó lý giải.

Giám tuyển, nghệ sĩ Như Huy:

Khi họa sĩ đưa tranh ra bán, được giá càng cao thì giá trị của họa sĩ càng tăng. Giá trị nghệ thuật được tạo nên từ rất nhiều thứ: cái tôi nghệ thuật của nghệ sĩ, giám tuyển, người bán (sàn đấu giá) và cuối cùng là giá tiền.

Ông Vũ Tuấn Anh khẳng định, vai trò của Chọn không phải điều phối số tiền trên mà chỉ là trung gian, kết nối các bên, từ khâu thẩm định đầu vào, các nhà đầu tư, quỹ bảo lãnh thanh khoản... nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm, đầu tư nghệ thuật... cho khách hàng.

Chọn Auction đã tổ chức hàng chục phiên đấu giá định kỳ vào 18g, Chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng, với hàng trăm người tham gia. Giao dịch bình quân gần 40.000 USD/phiên. Cá biệt, có những bức tranh đã bán với giá  rất cao, như tác phẩm Cô gái Thỏ của Nguyễn Phan Bách, giá 25.000 USD; bức Phố cũ, được cho là tranh của cố danh họa Bùi Xuân Phái, giá 12.500 USD.

Trước phản ứng của họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai Bùi Xuân Phái - khẳng định bức Phố cũ được bán không phải là tác phẩm của cha mình, Chọn Auction lại không công bố danh tính chuyên gia giám định với lý do họ không muốn ra mặt; chỉ cam đoan bức tranh là thật, trong thời gian 30 ngày kể từ sau phiên đấu giá, nếu người mua có thông tin hay chứng cứ chứng minh bức tranh là giả sẽ được hoàn lại 100% số tiền và bồi thường thiệt hại về tinh thần. Cách lý giải này khiến người nghe cảm thấy khá mù mờ, thiếu cơ sở để tin cậy.

Uoc mo ve mot san dau gia

Lý Thị Auction, bên cạnh những điều làm được là những lùm xùm hậu trường về việc khách đặt cọc rồi “chạy làng”, tác phẩm đã được chọn mua nhưng không thể thanh toán. “Lẽ ra chúng tôi không nên làm việc trực tiếp với nghệ sĩ mà phải qua đại diện cấp 1. Làm trực tiếp là sai nguyên tắc, vì họa sĩ nhiều lúc không rành luật, bị phụ thuộc vào cảm xúc quá nhiều” - bà Lý Bích Ngọc nói.

Các sàn đấu giá tranh và hội chợ nghệ thuật lẽ ra là công cụ tuyệt vời để thúc đẩy thị trường mỹ thuật, nhưng với Việt Nam, thật đáng tiếc, các sàn vẫn chưa đủ uy tín, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí còn bị nghi là nơi “rửa tiền”. 

Hoà Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI