Ước mơ trong ngôi nhà mục

27/07/2015 - 06:35

PNO - PN - Cha mẹ chia tay, mỗi người đều có cuộc sống riêng, chị em Nguyễn Quỳnh Yến Nhi (lớp 10 trường THPT Tam Phú, Q.Thủ Đức) trở thành ba đứa trẻ bơ vơ, sống nương nhờ bà nội.

Bốn bà cháu cư ngụ trong ngôi nhà rệu rã, những đường mối ăn đen xì chạy chằng chịt, chồng chéo trên từng bức tường nứt nẻ. Bà Nguyễn Thị Lụa, 77 tuổi, nói: “Ở mà cứ lo nơm nớp. Bữa nào đi làm, tui cũng dặn sắp nhỏ hạn chế ở trong nhà. Mấy đứa con tui làm thợ hồ, nhưng muốn sửa nhà thì phải có tiền, mà đứa nào cũng khổ!”. Con trai út của bà, anh Nguyễn Sinh Thái Hưng sau khi cưới vợ vẫn ở với mẹ vì không có điều kiện ra riêng. Ba chị em Nhi lần lượt ra đời, cuộc sống khó khăn khiến tình cảm vợ chồng anh rạn nứt. Mẹ bỏ đi, ba cũng có gia đình mới, chị em Nhi thi thoảng mới được ba về thăm.

Uoc mo trong ngoi nha muc

Nhi và bà nội xếp quần áo bên mảng tường nứt toác

Bà Lụa buôn bán ve chai, ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng chi tiêu cho cả bốn miệng ăn: “Có gì ăn nấy, thường là cơm chan nước tương. Vậy mới có tiền cho tụi nhỏ ăn học”. Tiền học phí và những chi phí khác cho các cháu, bà Lụa đi vay, trả góp. Nhiều lần trên nẻo mưu sinh, nhặt được cây bút còn mực, thước kẻ còn gạch được hay cuốn tập sót lại dăm ba trang giấy trắng, bà mang về cho các cháu. Đêm đêm bà lén nhìn đám cháu học bài, nhiều lần ứa nước mắt nghe ba chị em nhắc nhau ráng học, nghe Nhi thường dặn em, chỗ nào khó thì hỏi chị.

Nhi chỉ chiếc cặp đựng laptop bạc màu nhưng lành lặn, được bà nội nhặt cho Nhi làm cặp đi học, mừng cháu lên lớp 10. Nhi rưng rưng: “Khuya nào nghe tiếng nội lục tục dậy soạn đồ để đi làm, em cũng thức dậy nhìn theo chờ nội đi hết con ngõ. Em thương nội nhiều lắm. Tuổi già nhiều bệnh tật. Tối nào về nội cũng nhức mỏi, không ngủ được”. Đấm bóp cho nội mỗi đêm, không làm nội buồn, chăm các em thật tốt và cố gắng giải quyết hết công việc nhà, song Nhi chưa bao giờ thấy đủ để bày tỏ lòng biết ơn với nội. Cô trò nhỏ luôn dặn lòng phải học thật giỏi để tương lai có công việc tốt, kiếm tiền phụng dưỡng nội. “Rồi còn sửa lại nhà. Nhưng, đích đến của em còn xa quá mà tuổi nội đã cao…”, Nhi chùng giọng.

Hai cậu em trai của Nhi học lớp 4 và lớp 6 cũng không còn buồn chuyện chia tay của cha mẹ, mà biết lấy hoàn cảnh túng khó làm động lực. Nhưng mấy chị em cũng có lúc chạnh lòng khi chứng kiến cảnh hạnh phúc của gia đình người khác. Nhi kể, có bữa đang chơi ở nhà hàng xóm, hai em tự dưng bỏ về, mặt ỉu xìu. Nhi hỏi, các em trả lời “Thấy bác mua đồ mới cho con bác”. Nhi khuyên nhủ các em: “Hoàn cảnh nhà mình em biết mà, ráng học để mai mốt đi làm có tiền mình muốn mua gì thì mua. Nội cũng lo cho tụi mình quá trời rồi còn gì”. Hai chữ “ráng học” là sự quả quyết của chị em Nhi, cùng nhau hướng tới, để bảo ban, động viên, nhắc nhớ nhau. Nhi hiểu rằng học mới thoát nghèo, học để có điều kiện chăm lo, trả hiếu cho bà nội, dù đường còn xa và nhiều trắc trở, gập ghềnh. “Một đứa khá, hai đứa giỏi là kết quả học tập năm rồi của mấy chị em em”, Nhi nói.

Bà nội của Nhi cho biết vừa chuyển góc bếp tới phía trước để tránh nguy cơ nhà đổ sập. Trong ngôi nhà mục nát ấy, hiện rõ ước mơ tươi sáng của cô học trò hiếu thuận, biết vươn lên. “Hôm nhận tin được báo Phụ Nữ trao học bổng, em mừng quýnh. Hai đứa em cũng nhảy cẫng lên, bà nội thì cười thở phào. Trước đó em lo trong lòng, tần ngần mấy ngày mới dám kể nội nghe chuyện làm thủ tục nhập trường, thấy có khoản tiền phải đóng hơn 1,7 triệu đồng gồm đồng phục và phí cơ sở vật chất. Nghe em kể, cả nhà buồn thiu, giờ em được nhận học bổng, gánh nặng của cả nhà đã phần nào được gỡ bỏ”, Nguyễn Quỳnh Yến Nhi tâm sự.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI