Ước mơ dang dở...

31/08/2015 - 14:07

PNO - Đứa con ngoan, trò giỏi Phạm Thị Mông Tuyền phải tạm gác lại những giấc mơ còn dang dở vì hoàn cảnh gia đình.

Uoc mo dang do...
Mộng Tuyền và em trai út

Tuyền 17 tuổi, nhưng đã vắng bàn tay chăm sóc của mẹ đến 11 năm. Ngày đó… khi cậu em trai út của Tuyền giáp thôi nôi, vì mâu thuẫn gia đình nên mẹ em bỏ nhà đi biệt.

11 năm nay ba Tuyền làm đủ thứ nghề để nuôi con. Vì không có vốn, cũng ít chữ nghĩa nên mùa nước nổi, chăn vịt thuê ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ, mùa khô đi phụ hồ, bốc vác ở chợ với thu nhập bấp bênh. Nhưng ba em vẫn cố nuôi ba đứa con ăn học.

Dù mẹ em bỏ đi, nhưng nhà ngoại rất yêu thương ba chị em Tuyền. Bằng tất cả sự sẻ chia và đùm bọc của cảnh nghèo, bà ngoại đã cho mấy cha con Tuyền miếng đất nhỏ đủ để cất căn nhà đại đoàn kết.

Hàng ngày con rể đi làm, các cháu đi học, bà ngoại già 75 tuổi vẫn sang nấu giúp nồi cơm. Thấm thoát, Tuyền học xong lớp 11 và em luôn là học sinh giỏi. Hai em trai của Tuyền, đứa học lớp 8, đứa vào lớp 4.

Hồi Tuyền còn học ở trường THCS thì đỡ vất vả hơn, dù trường xa nhà 3km và em thường đi bộ. Từ khi lên cấp III, trường cách nhà gần 20km. Được “đi ké” xe máy với bạn nhưng tiền đổ xăng phụ bạn cũng là khoản chi không nhỏ với em. Vậy mà Tuyền học giỏi đều các môn, lại còn là cán bộ Đoàn rất năng nổ.

Năm học 2014-2015 vừa qua, trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học, Tuyền đã đoạt giải nhì cấp tỉnh với đề tài “Chiết xuất tinh dầu từ cây sả làm dược liệu chữa bệnh và thuốc xua đuổi côn trùng”. Đề tài này còn được giải khuyến khích toàn quốc.

“Em thấy cây sả ngoài tự nhiên rất nhiều. Quê em vùng biên giới, nhiều người dân mắc bệnh do côn trùng cắn, thiếu điều kiện chữa trị nên bệnh tăng nặng. Em thực hiện đề tài này để ứng dụng trong cuộc sống giúp bà con quê mình”, Tuyền vui vẻ cho biết ý nghĩa đề tài như vậy.

Tất nhiên, đề tài chỉ mới thực hiện trong phòng thí nghiệm của trường học. Để phát triển nghiên cứu phục vụ cuộc sống, hẳn cần đầu tư nhiều hơn.

Ngoài giờ học, thời gian ở nhà Tuyền còn nhận hạt điều về lột vỏ. Mỗi tối, sau khi làm bài tập xong, ba chị em Tuyền cùng nhau cạo vỏ hạt điều tới 22g. Vài chục ngàn đồng mỗi đêm đã giúp các em có thêm tiền mua thức ăn, tập vở.

Từ năm 2014 tới nay, do nhu cầu chi dùng của các con tăng lên, ba Tuyền không đi chăn vịt thuê nữa. Anh xin làm công nhật ở lò mì. Sau Tết Nguyên đán tới nay, lò mì dừng hoạt động để hoàn chỉnh hệ thống nước thải.

Vậy là tất cả công nhân đều nghỉ việc. Ba em quay sang phụ việc ở một trại cưa bao bì trong xã. Ngặt nỗi, ba Tuyền bị dị ứng mạt cưa nên thường bị nổi bóng nước khắp người, mẫn ngứa.

Trong căn nhà, thứ đáng giá nhất có lẽ là những tấm giấy khen. Tuyền cho biết, em rất muốn được học ngành nông nghiệp. Nhưng… đó chỉ là ước mơ thôi. Còn hiện tại, do mười ngày qua bệnh tình của ba em chưa thuyên giảm, tiền thuốc lại tăng lên, hai em của em cần phải tiếp tục đến trường, nên Tuyền bảo lưu kết quả học tập, đợi sang năm sau gia đình ổn định em sẽ đi học lại.

Uoc mo dang do...
Gia cảnh khó khăn không ngăn trở ý chí học tập, sáng tạo nơi Tuyền

Cái nắng vùng biên mới 10g đã rát da rát thịt. Tuyền “xin phép” vào bếp nấu cơm để ba em ăn, kịp uống thuốc cữ trưa. Nhìn gian bếp đơn sơ của cô trò nhỏ, tôi không khỏi nhói lòng.

Đứa con ngoan, cô trò giỏi này tên là Phạm Thị Mộng Tuyền, học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành), nhà ở ấp Thành Tây, xã Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh.

Đ P. Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI