Ước mơ của con

18/04/2018 - 18:00

PNO - “Em ước mơ cha mẹ đừng cãi nhau nữa”. Câu nói vọng tới tai tôi như một tiếng chuông.

“Mời quý vị thưởng thức tiết mục đồng ca của nhóm câm điếc đến từ mái ấm Hoa Hồng”, buổi lễ trao giải cuộc thi dành cho học trò khuyết tật, chủ đề “Hãy viết ước mơ của em” bắt đầu với chương trình văn nghệ vui nhộn.

Uoc mo cua con
Ảnh minh họa

Khán giả vỗ tay nồng nhiệt, khích lệ các em. Tôi ngạc nhiên, câm điếc mà đồng ca sao? Ra là các em múa dấu theo lời bài hát phát ra từ cánh gà, động tác trẻ trung và sôi động. Bà mẹ ngồi cạnh tôi cùng đứa con nhỏ giải thích cho con hiểu: chụm đầu ngón tay vào nhau thành hình chữ V ngược là hình tượng mái nhà, ý nói ngôi nhà yêu dấu của em... Tôi lắng nghe mà không rõ hết được vì tiếng vỗ tay đã vang lên và trên sân khấu đầy người tặng hoa cho “diễn viên”. 

Tiếp theo là tiết mục ca hát của nhóm câm điếc đến từ mái ấm Hoa Sen. Tôi đợi được ngắm nhìn một màn múa dấu trẻ trung sôi động nữa và nghe ké bà mẹ bên cạnh giải thích cho con hiểu, nhưng không.

Không ai nghe được và không ai hiểu gì hết, trên sân khấu là năm cô cậu bé chuyền nhau cái micro và ríu rít như chim. Cho tới khi cô giáo từ cánh gà đi ra cúi chào và giải thích, trước đây các em chỉ biết ú ớ thôi, suốt hai năm ròng tập luyện các em mới “nói” và “hát” được như mọi người vừa nghe thấy, một nỗ lực phi thường. 

Rồi đến tam ca với hai em khiếm thị và một em bị tật tứ chi. Ban nãy, tôi thấy em di chuyển bằng đầu gối, mà lúc này, có lẽ nhờ cặp chân giả, em hiên ngang thẳng người bên cạnh hai bạn khiếm thị cùng hát vang. Ca từ của bài You raise me up khiến mọi người trong khán phòng vừa lặng đi vừa dâng trào niềm phấn khích.

Ca hát rõ ràng là thế mạnh của các em khiếm thị, có em lên sân khấu chơi đàn và được giới thiệu là sinh viên trường nhạc. Từng tràng vỗ tay sau mỗi tiết mục khiến khán phòng sôi lên và... những bó hoa liên tục được “mượn” để làm một hành trình từ sân khấu về chỗ ngồi của người được tặng rồi lại được mượn để trao tặng cho diễn viên của tiết mục khác. Không sao, không sao, chủ nhân của những bó hoa cười toe toét vui lòng cho mượn... vì tất cả là cho các em vui, cho ngày vui hôm nay của các em.

Văn nghệ và trao phần thưởng - không phân biệt được phần nào chính, phần nào phụ vì tất cả đều sôi động. Hơn hết là người tham dự không tiếc những tràng vỗ tay, đến nỗi người dẫn chương trình phải nhắc mọi người im lặng khi xướng tên những em đoạt giải cuộc thi. 

Uoc mo cua con
Ảnh minh họa

Em Trần Ngọc Hà mơ trở thành cô giáo, em Vũ Huy Thanh mơ thành cầu thủ, em Nguyễn Văn Hưng mơ thành phi công, em Lê Ngọc Nhi mơ thành ca sĩ, em Hoàng Hữu Thịnh mơ thành nhà du hành vũ trụ, em Trần Thị Tâm Anh mơ làm thợ may, em Đào Duy Công làm thợ sửa xe... Những giấc mơ cao xa hòa cùng với những giấc mơ giản dị khiến người nghe mỉm cười ứa nước mắt cầu chúc cho các em.

“Em ước mơ cha mẹ đừng cãi nhau nữa”.

Câu nói vọng tới tai tôi như một tiếng chuông. Tôi đã không kịp nghe tên của tác giả ước mơ này cũng như không kịp nhận ra em vì người dẫn chương trình liên tục xướng những cái tên và các thầy cô liên tục đưa các em lên sân khấu.

Tôi đoán, có lẽ em là khiếm thị, dễ hiểu là câm điếc thì hẳn em đã không bị nghe cha mẹ cãi nhau đến nỗi phải trở thành một ước mơ. Tôi hình dung em trong cuộc sống mù lòa, đón đợi từng âm thanh vang lên để có thể nhận biết. Tôi hình dung em thuở bé thơ, đợi tiếng ổ khóa cổng lanh canh và tiếp theo là tiếng chân mẹ đi chợ về.

Âm thanh của viên kẹo đang được lột lớp giấy gói và giọng mẹ hỏi “con thích kẹo này không?”. Tôi hình dung em lớn lên một chút và âm thanh của cuốn truyện cổ tích loạt xoạt sang trang, là em đang được mẹ (cha) đọc truyện cổ tích cho nghe. Và lớn thêm tí nữa, cuộc sống mở ra quanh em với nhiều âm thanh lạ hơn, có những âm thanh khiến em sợ hãi và có những âm thanh khác, cho em sự êm đềm...

Gia đình nào cũng có cãi cọ. Nhưng có lẽ cha mẹ của em cãi cọ nhiều ghê lắm. Họ mệt mỏi với cuộc đời đến nỗi không cần che giấu sự lớn tiếng ngay khi có đứa con đang lắng nghe và chỉ biết lắng nghe. Họ quên mất đứa con của mình cần biết mấy một nơi chốn nương tựa là âm thanh.

Tôi nhìn quanh khán phòng, cha mẹ của em có mặt lúc này không? Họ có nghe được mơ ước của con mình? Tôi cầu mong là có.

Sân khấu vẫn tiếp tục xướng tên và loa vang vang những ước mơ, có những mơ ước cao xa khiến người ta nghĩ tới ông Bụt. Còn điều ước của em... không cần ông Bụt, chỉ cần có hai người nghe thấu mà thôi. 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI