Unilever quảng cáo gây hoang mang người tiêu dùng?

16/06/2017 - 16:00

PNO - Đưa thông tin nước bị “thiu” sau 2 giờ, kèm theo nhiều hình ảnh khiến người xem phải “rợn tóc gáy” về nguồn nước uống… quảng cáo của Unilever “quá lố” và gây hoang mang dư luận.

Thời gian gần đây, thông tin quảng cáo máy lọc nước Unilever Pureit Vietnam gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Unilever Pureit Vietnam liên tục nhấn mạnh vào thói quen đun nước sôi của người Việt và đặt câu hỏi: “Bạn có chắc đun sôi nước máy có thể loại bỏ chì?”, hay “2 giờ sau khi đun sôi, nước sẽ nhiễm vi khuẩn độc hại trở lại. Vậy bạn có chắc đun sôi nước đủ an toàn”… 

Giải thích cho cách đặt vấn đề này, nhãn hàng phân phối máy lọc nước phân tích: “Sau khi đun sôi, vi sinh vật, trứng ký sinh trùng trong nước sẽ bị tiêu diệt và phân rã thành chất hữu cơ, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho những vi sinh vật ở ngoài. 2 giờ sau khi đun, nước sẽ nhanh bị “thiu” và thu hút gấp đôi lượng vi sinh vật, thậm chí trở nên độc hại hơn lúc chưa đun…”.

Unilever Pureit Vietnam còn đưa ra dẫn chứng: “Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Phòng tư vấn sức khỏe, nghiên cứu y dược & điều trị nội khoa Trung tâm ôxy cao áp TP.HCM), nước uống nhiễm bẩn là một trong những nguyên nhân chính trong thời gian dài gây biến đổi tế bào, gây ra ung thư cho rất nhiều người Việt Nam”.

Bên cạnh đó, trong clip: “Bạn có chắc đun sôi nước máy cho con uống là đủ an toàn?”, công ty này đã “phác họa” lại quá trình xử lý nước trước khi được sử dụng làm nước uống.

Theo đó 2/3 lượng nước uống của Việt Nam được khẳng định lấy từ các dòng sông, đi kèm với những hình ảnh đến từ các khu vực xả thải công nghiệp, từ những khu vực gần khu dân cư sinh sống đầy rác bẩn… và những vòi nước rỉ sét dẫn tới mỗi gia đình. Với những góc tiếp cận của Unilever Pureit Vietnam, người tiêu dùng không thể không lo lắng về chất lượng nguồn nước máy. 

Unilever quang cao gay hoang mang nguoi tieu dung?
Quảng cáo của Unilver thông tin 2 giờ sau khi đun nước sôi, nước sẽ nhiễm khuẩn… độc hơn chưa đun

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ về vấn đề này, Unilever Việt Nam khẳng định những quảng cáo trong phim hay trên fanpage của công ty này đưa ra đều cam kết tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo nhằm đảm bảo người tiêu dùng không hiểu sai, lệch bản chất của sản phẩm.

Đại diện công ty này cũng giải thích, lời thoại “2/3 lượng nước uống của Việt Nam được lấy từ các dòng sông” dựa trên Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên - Môi trường và kết quả khảo sát môi trường nước tại Việt Nam năm 2013 của Công ty Baytel Associates, một công ty nghiên cứu thị trường và công nghệ trong lĩnh vực xử lý nước sinh hoạt. 

Công ty này cũng cho rằng, thông tin liên quan đến chất lượng nước sẽ bị “thiu” sau 2 giờ dựa vào quan điểm của bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: “Nước đun sôi để nguội chỉ nên uống trong ngày, không trữ lâu vì dễ tái nhiễm vi khuẩn từ môi trường bên ngoài. Về bản chất, nước đun sôi để nguội chỉ cần 2 tiếng đã có thể tái nhiễm khuẩn”… 

Phủ nhận thực hiện chiến dịch “truyền thông bẩn” để quảng cáo cho sản phẩm của mình, Unilever khẳng định đây là những thông tin vô cùng… nhân văn. “Chúng tôi khẳng định thông qua các thông tin, hình ảnh trong phim quảng cáo, Unilever Việt Nam mong muốn cảnh báo người tiêu dùng về các nguyên nhân có khả năng gây mất an toàn cho nguồn nước nhằm nâng cao ý thức vệ sinh an toàn của người tiêu dùng Việt Nam”.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, các thông tin mà Unilever đưa ra có sự lắp ghép, hoặc diễn đạt không thực sự “chuẩn hóa” dẫn đến hiểu sai. Cụ thể, với clip “Bạn có chắc đun sôi nước máy cho con uống là đủ an toàn?”, người ta có thể dễ dàng quên đi một khâu quan trọng, đó là nước trước khi đưa đến các hộ gia đình đã qua quy trình xử lý tại các nhà máy nước.

Trong khi đó, liên quan tới câu hỏi: “Công ty có bằng chứng gì về nguồn nước này không đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh”, Unilever Việt Nam né tránh. Đại diện của công ty này cũng chỉ đưa ra bằng chứng là những bài báo liên quan đến tình trạng vỡ ống nước, đường truyền ống nước không đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, việc “cắt cúp” lời chuyên gia:  “nước đun sôi để nguội chỉ nên uống trong ngày”, thay vào đó, chỉ nhấn mạnh vào thông tin nước bị “thiu” sau “2 giờ” cũng khiến người dân dễ bị hiểu lầm.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, để vi khuẩn xâm nhập vào nước đun sôi và phát triển vi sinh vật gây độc cho con người cần nhiều thời gian, chứ không thể trong vòng 2 giờ. Cách đưa thông tin như vậy làm mất niềm tin của người tiêu dùng. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI