UNICEF yêu cầu không bỏ rơi trẻ em ở Afghanistan

30/08/2021 - 14:16

PNO - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết một loạt cuộc khủng hoảng từ xung đột chính trị leo thang, làn sóng dịch COVID-19 và hạn hán đã gây ra thiệt hại nặng nề cho trẻ em ở Afghanistan.

George Laryea-Adjei, Giám đốc khu vực Nam Á của UNICEF, cho biết trẻ em Afghanistan đang phải trả giá đắt trong những tuần gần đây do xung đột và tình trạng mất an ninh gia tăng. Một số trẻ đã bị buộc rời khỏi nhà, không được đến trường, thậm chí còn bị tước đoạt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản chống lại bệnh bại liệt, uốn ván và các bệnh khác.

Ông George Laryea-Adjei cảnh báo và yêu cầu thế giới không bỏ rơi trẻ em ở Afghanistan: “Giờ đây với một cuộc khủng hoảng an ninh, giá lương thực tăng vọt, hạn hán nghiêm trọng, sự lây lan của dịch COVID-19 và một mùa đông khắc nghiệt khác đang cận kề, trẻ em có nguy cơ thiệt hại nặng hơn bao giờ hết”.

Hàng triệu trẻ em ở Afghanistan cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Hàng triệu trẻ em ở Afghanistan cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp

UNICEF dự đoán nếu xu hướng hỗn loạn hiện tại tiếp tục, 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, hơn 4 triệu trẻ em, trong đó có 2,2 triệu trẻ em gái, sẽ không được đến trường.

“Trẻ em và thanh thiếu niên đang phải vật lộn với những lo lắng và sợ hãi, rất cần sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần” - Laryea-Adjei nói thêm

Với việc một số đối tác nhân đạo đang cân nhắc cắt viện trợ cho Afghanistan, ông Laryea-Adjei bày tỏ lo ngại không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động của các trung tâm y tế, trường học và các dịch vụ có sẵn để điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Do đó, UNICEF gần đây đã đưa ra lời kêu gọi 192 triệu USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ trẻ em Afghanistan.

Afghanistan là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới và sự leo thang xung đột gần đây càng làm gia tăng tình trạng khẩn cấp mà trẻ em và gia đình của chúng phải đối mặt. Tác động tổng hợp của việc mất an ninh, xung đột nội bộ, nghèo đói, đại dịch COVID-19 và khan hiếm nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, phụ nữ và người già. Một nửa dân số - hơn 18 triệu người, trong đó có khoảng 10 triệu trẻ em - cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Minh Hương (theo Unicef)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI