UNICEF: Dịch COVID-19 đang đe dọa mạng sống hàng triệu trẻ em

09/09/2020 - 18:00

PNO - Sau khi tiến hành khảo sát tại 77 quốc gia, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm 8/9 công bố một báo cáo cho thấy 68% các nước ghi nhận sự gián đoạn trong việc kiểm tra sức khỏe trẻ em và chủng ngừa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc mới công bố cho biết đại dịch COVID-19 có thể đảo ngược tiến bộ nhiều thập kỷ trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em - Ảnh: France24
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc mới công bố cho biết đại dịch COVID-19 có thể đảo ngược tiến bộ nhiều thập kỷ trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em - Ảnh: France24

Báo cáo của UNICEF nhấn mạnh, sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế do đại dịch khiến thêm hàng triệu người trên toàn thế giới gặp nguy hiểm và có nguy cơ đảo ngược tiến bộ nhiều thập kỷ trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Theo AFP, 30 năm qua thế giới đã chứng kiến ​​những bước tiến đáng kể trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh, bao gồm sinh non và bệnh viêm phổi.

Con số ước tính trẻ em tử vong mới được UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) công bố cho thấy, năm 2019 số ca tử vong trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu được ghi nhận là thấp nhất. Năm ngoái, khoảng 5,2 triệu trẻ em chết do các bệnh có thể phòng ngừa được, so với 12,5 triệu trẻ em chết năm 1990.

Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng đại dịch có nguy cơ “hoàn tác” tất cả những tiến bộ này bằng việc cắt giảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường đối với bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là làm gián đoạn trong việc kiểm tra sức khỏe trẻ em và chủng ngừa.

Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, nói rằng trẻ em và các bà mẹ, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, bị từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do các ca nhiễm COVID-19 làm tắc nghẽn cơ sở hạ tầng y tế quốc gia. Bà nói: “Cộng đồng toàn cầu đã đi quá xa trong việc loại bỏ những trường hợp tử vong ở trẻ em có thể ngăn ngừa được, nay lại bị đại dịch cản đường”.

Giám đốc Fore nhấn mạnh, "nếu không có các khoản đầu tư khẩn cấp để tái khởi động hệ thống và dịch vụ y tế bị gián đoạn, hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có thể tử vong”.

Chăm sóc trẻ sơ sinh ở các nước đang phát triển không tốn kém nhiều, nhưng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tỷ lệ sống sót của trẻ. Theo WHO, những phụ nữ được nữ hộ sinh chuyên nghiệp chăm sóc tỷ lệ mất con thấp hơn 16% và nguy cơ sinh non dưới 24%.

Mô hình hóa được Đại học Johns Hopkins thực hiện đầu năm nay cho thấy, về trung hạn mỗi ngày có thêm gần 6.000 trẻ em có thể tử vong nếu bị gián đoạn chăm sóc sức khỏe do COVID-19.

Cuộc khảo sát cho thấy, trong năm 2019 bảy quốc gia có tỷ lệ tử vong trẻ em ở mức trên 50 trẻ/1000 trẻ chào đời sống sót. Tại Afghanistan, nơi cứ 17 trẻ em thì có 1 trẻ tử vong trước sinh nhật lần thứ 5, Bộ Y tế Afghanistan cho biết "số lượt trẻ em đến các cơ sở y tế khám bệnh giảm đáng kể".

Phần lớn sự gián đoạn các dịch vụ y tế là do sợ lây nhiễm COVID-19, nhưng có những nguy cơ lớn đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh khi việc tránh các cơ sở y tế không liên quan gì đến COVID-19.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI