Ứng xử với “ngựa chứng”

05/03/2014 - 19:50

PNO - PN - Sự kiện học trò đánh trả lại thầy giáo, sau khi bị thầy tát liên tục xảy ra ở Bình Định vừa qua cho thấy, thầy giáo trẻ đã không đủ kỹ năng cần thiết khi đối diện với những học trò bướng bỉnh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ở trường học là vậy, còn ở gia đình, phụ huynh cần ứng xử thế nào khi trong nhà có “ngựa chứng”? Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) - người dành nhiều công sức để tìm hiểu về những “học trò cá biệt”.

PV: Thưa thạc sĩ, tại sao có đứa trẻ lại “chứng”? Phải chăng, mọi đứa trẻ đều như “tờ giấy trắng”, do hoàn cảnh đã tạo ra tính cách?

- ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Đúng như Bác Hồ đã nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Tâm lý con người thực chất là sự tích lũy những gì người đó đã trải qua, đã học hỏi được từ môi trường mình sống. Không đứa trẻ nào khi chào đời lại được quy định sẵn sẽ là người tốt hay kẻ xấu cả. Vì vậy, khi con cái của chúng ta ngỗ ngược, chống đối người lớn thì đầu tiên người lớn phải xem lại cách dạy dỗ của mình để khắc phục.

* Trong các giai đoạn “chứng” của trẻ, giai đoạn tuổi mới lớn là căng thẳng nhất. Vì sao?

- Song song với yếu tố môi trường sống, yếu tố sinh lý lứa tuổi tuy không quyết định nhưng cũng góp phần “đổ dầu vào lửa”. Tuổi mới lớn có nhu cầu tự khẳng định mãnh liệt, mong muốn phá vỡ vỏ bọc trẻ con và dùng cách ngang bướng để được công nhận là người lớn.

Do không hiểu nhu cầu này nên khi thấy con ương bướng, phụ huynh càng siết chặt kỷ luật, càng sử dụng quyền lực để kiểm soát con. Vì vậy phản tác dụng là điều tất yếu.

Ung xu voi “ngua chung”

Đầu tiên, cha mẹ cần phải nhìn nhận việc phát triển cái tôi là quy luật. Lúc nhỏ, cái tôi của con gắn liền với cha mẹ. Khi ta hỏi “Con là ai?”, trẻ trả lời “Con là con của mẹ Thi, cha Tú” chẳng hạn. Nhưng một khi đã lớn, trẻ phải tự ý thức về cái tôi bản thân, đó là nền tảng để phát triển hàng loạt phẩm chất như tính tự lập, lòng tự trọng, định hình cá tính, khát khao thành công, khát khao phát triển của một người trưởng thành.

Cái tôi bị chèn ép quá đáng sẽ dẫn đến những đứa trẻ lệ thuộc, tự ti, sợ hãi. Cái tôi để buông thả không phanh sẽ biến trẻ thành con ngựa chứng, mất khả năng tự kiểm soát.

Do đó, trong giai đoạn khó khăn này, phụ huynh có thể tham khảo ba bước sau:

● Một là, phụ huynh đừng tự đặt mình vào vị trí quan tòa mà hãy xem trẻ như một người đáng để tôn trọng.

● Hai là, hãy trò chuyện với con như một người bạn, không ra lệnh, không xúc phạm, không lên án gay gắt mà tâm sự, gợi ý.

● Ba là, phụ huynh cần “mượn gió đẩy thuyền”, tận dụng nhu cầu đó để hướng dẫn trẻ cách để trưởng thành đúng đắn.

* Những hành động “cứng đầu” của trẻ khiến người lớn nhanh chóng nổi giận. Phải chăng, người lớn cần học cách chấp nhận, từ đó “kết thân” với con để giáo dục con tốt hơn?

- Chúng ta không chấp nhận con bướng bỉnh, nhưng chúng ta cần tôn trọng cá tính và suy nghĩ của con. Muốn con tôn trọng mình, mình phải tôn trọng con trước. Nhưng tôn trọng chưa đủ, cha mẹ cần phải thật sự hiểu con mình.

Muốn sửa phải hiểu nội tâm của trẻ. Tuy nhiên, hiểu cũng chưa đủ, cha mẹ cần nghĩ cách để “gõ cửa” tâm hồn của con. Nuôi con giống như gầy dựng một “sự nghiệp”, cần phải đọc nhiều sách, học từ nhiều người và tự học, tự tìm tòi sáng tạo.

* Trong gia đình đông con, đứa con bướng thường bị cả nhà “ghét”. Nhưng càng bị ghét, đứa trẻ ấy càng bướng. Bướng chỉ là một giai đoạn chóng qua, hay cái bướng ấy hình thành luôn tính cách “khó bảo” sau này?

- Nếu gia đình tẩy chay, cô lập trẻ, thì trẻ sẽ sinh “tật” bướng. Nếu gia đình biết cách tác động để thay đổi trẻ, thì cái bướng ấy chỉ là tạm thời. Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Tại sao trẻ cãi lời chúng ta nhưng lại nghe lời bạn? Bạn trẻ có cái gì mà chúng ta không có? Từ đó mà học cách làm bạn với con em mình.

Thực ra, những đứa trẻ bị cô lập rất nhạy cảm. Sự ương bướng chỉ là cái vỏ mạnh mẽ bề ngoài che đậy sự nhạy cảm bên trong. Muốn mở cái vỏ đó, bạn phải nhẹ nhàng, tình cảm.

* Nhiều người quan niệm, với trẻ bướng thì nhất thiết phải dùng biện pháp mạnh. Liệu có hợp lý?

- Đôi lúc đúng là ta cần cứng rắn để ngăn chặn hành vi nhất thời. Tuy nhiên, tác dụng đó chỉ có hiệu quả một giai đoạn ngắn.

Do đó, cứng rắn phải đi kèm với ý thức. Ta phạt trẻ nhưng phải cho trẻ hiểu tại sao trẻ lại bị phạt, hành vi của trẻ xấu ra sao, có thể dẫn đến hậu quả nào và hình phạt này là do cha mẹ ghét hay thương mình. Đó mới là nội dung chính, còn hình phạt chỉ là biện pháp phụ để củng cố ý thức cho trẻ mà thôi.

Về lâu về dài, kỷ luật không nước mắt vẫn là hay hơn cả. Do đó, bàn tay sắt phải được bọc nhung, đấy chính là tình thương yêu hết mực dành cho học trò mình.

* Nhiều phụ huynh đã tỏ ra chán nản khi không dạy bảo được trẻ bướng. Thạc sĩ có thêm lời khuyên gì về những trường hợp này?

- Việc giáo dục trẻ bướng bỉnh, trẻ nổi loạn rất khó. Nhiều người sẽ cho rằng mọi phương pháp giáo dục, kiềm chế cảm xúc, đồng cảm hay thương yêu… đều là lý thuyết. Nhưng do đặc trưng nghề nghiệp, là người thường tiếp xúc với những đứa trẻ chưa ngoan, tôi tin vào sự biến đổi của học trò, quan trọng là ở trái tim và trí tuệ của chúng ta. Như một nhà giáo dục đã từng phát biểu: “Không có trẻ em hư, chỉ có nhà giáo dục tồi!”.

* Xin cảm ơn thạc sĩ về cuộc trao đổi này.

Trần Triều (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI