Ứng xử với 'gia tài văn học' Bà Tùng Long: Không đơn giản

31/07/2019 - 19:02

PNO - Với 400 truyện ngắn và 68 tiểu thuyết, có lẽ đó chưa là con số chính thức về gia tài văn học của Bà Tùng Long để lại. Việc ứng xử với từng đó tác phẩm ấy, nếu không khéo, sẽ để lại nhiều đáng tiếc.

Nhà xuất bản (NXB) Trẻ vừa giới thiệu đến bạn đọc 10 tựa sách chọn lọc từ gia tài văn học của nữ sĩ Bà Tùng Long. Với văn chương Việt qua các thời kỳ, Bà Tùng Long là một ngòi bút đặc biệt, vừa phản biện các đề tài xã hội vừa đồng cảm, sẻ chia với nhiều hoàn cảnh phụ nữ cùng thời. 

Trong 10 tựa sách phát hành, có 3 tựa chưa từng được in thành sách. Đây là những feuilleton (truyện nhiều kỳ) đã đăng trên các báo trước năm 1975, gồm: Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình, Những ai gieo gió và 7 tựa còn lại là: Bóng người xưa, Người xưa đã về, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt nối, Con đường một chiều. 

Tuy nhiên, ngay khi phát hiện 3 tựa chưa in thành sách (đã được ra mắt đợt này), nhà văn Nguyễn Đông Thức – con trai của nữ sĩ Bà Tùng Long, cho biết đã tiếp tục tìm ra 15 tác phẩm chưa in khác. Số lượng 400 truyện ngắn và 68 tiểu thuyết được công bố ban đầu, có thể chưa là con số chính thức về gia tài văn học của Bà Tùng Long để lại qua việc tìm thấy những tác phẩm “bỏ sót” của nữ sĩ.

Ung xu voi 'gia tai van hoc' Ba Tung Long: Khong don gian
Những tác phẩm ra mắt lần này đều được thiết kế bìa chỉn chu

Với gia tài văn học đồ sộ của Bà Tùng Long, việc tái bản và phát hành mới hoàn toàn khả thi vì hầu hết các tác phẩm đều giữ nguyên giá trị, thời sự, phù hợp với nhu cầu của bạn đọc. Do đó, việc cân nhắc để ứng xử với từng đó tác phẩm, nếu không khéo, sẽ để lại nhiều đáng tiếc.

“Tên tuổi Bà Tùng Long khi đó nuôi rất nhiều tờ báo. Sở dĩ nói như thế vì cứ báo nào có bài của Bà Tùng Long thì tờ đó mới bán chạy. Kiểu viết truyện dài kỳ của Bà Tùng Long khi đó được cực kỳ yêu thích. Đoạn kết của truyện ngày hôm nay buộc bạn đọc phải chờ đón diễn tiến tiếp theo vào ngày mai. Những câu chuyện ngày xưa mà Bà Tùng Long đã viết đến ngày hôm nay, giá trị nội dung vẫn còn nguyên”, nhà văn Lê Văn Nghĩa cho biết.

Giải thích thêm về nội dung, giá trị của “dòng văn học” mang tên Bà Tùng Long, nhà văn Đoàn Thạch Biền cho rằng: “Văn học của bà luôn lấy tiêu chí "tu thân, tề gia - trị quốc - bình thiên hạ" làm đầu. Những tác phẩm của Bà Tùng Long ra mắt, tái bản ở thời điểm hiện tại sẽ giúp nhiều người nhìn lại chính mình. Ngoài ra, văn phong của Bà Tùng Long cũng đáng để học hỏi. Chưa kể, chuyện Gỡ rối tơ lòng (tên chuyên mục trên tờ báo mà Bà Tùng Long làm chủ mục) qua nhiều thời vẫn còn nhiều bạn đọc quan tâm”.

Ung xu voi 'gia tai van hoc' Ba Tung Long: Khong don gian
Trọn bộ 10 tác phẩm của nữ sĩ Bà Tùng Long

Nội dung hợp thời, văn phong gần gũi, bình dân nên gia tài văn học của Bà Tùng Long hoàn toàn có thể tái bản và xuất bản mới. Tuy nhiên, với số lượng tác phẩm đồ sộ, ông Nguyễn Minh Nhựt- Giám đốc NXB Trẻ- cho biết ban đầu, phía NXB cho rằng hoàn toàn có thể kham được việc ấn hành nhưng sau đó phải suy nghĩ lại.

“Gia tài của tác giả Bà Tùng Long rất lớn với 68 tiểu thuyết, 400 truyện ngắn. Ban đầu, chúng tôi muốn ký hợp đồng độc quyền nhưng khi tiếp cận số lượng tác phẩm, nó lớn hơn tưởng tượng. Do đó, việc ứng xử với tài sản này cần được xem lại. Chúng tôi nhận thấy trong quá trình thực hiện 10 cuốn vừa qua thật sự quá sức, một phần vì thời gian quá gấp, một phần vì yêu cầu cao từ chính nhà xuất bản nên cần thêm thời gian”, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết.

Theo ông, việc ra mắt phải đúng thời điểm. Ví dụ đợt này ra mắt vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bà Tùng Long nhưng trong các năm tiếp theo, thì đó là dịp nào? "Không thể cam kết trong 5 hay 10 năm in xong mà phải có chiến lược cụ thể", ông Nhựt nhấn mạnh. Với việc thực hiện bộ sách lần này, phía NXB cho biết tổng tiền phải chi là 1,4 tỷ đồng nhưng không phải có tiền là làm được một bộ sách, mà phải nghĩ đến thời điểm để đạt hiệu quả về truyền thông, thương mại.

Trước mắt, 10 tựa sách chọn lọc từ gia tài văn học của nữ sĩ Bà Tùng Long sẽ ra mắt bạn đọc từ ngày 1/8 – kỷ niệm sinh nhật của tác giả và sau đó, tuỳ thuộc vào sự đón nhận của độc giả và định hướng của NXB sẽ có những bước thực hiện tiếp theo.

Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân (1915 – 2006). Nhà văn từng đi dạy Pháp văn, Việt văn ở các trường Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers ở Sài Gòn, rồi làm thư ký tòa soạn các báo Sài Gòn mới, Phụ nữ ngày nay, Phụ nữ diễn đàn… Bà bắt đầu viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên được in trên báo Sài Gòn mới: Đứa con hoang (khi in sách là Ái tình và danh dự).

Trong trí nhớ của nhà văn Nguyễn Đông Thức, Bà Tùng Long là người phụ nữ hết lòng vì chồng, vì con: “Tất cả 9 đứa con đều được ba mẹ lo học hành đến nơi đến chốn. Mỗi ngày, điều đầu tiên mẹ làm sau khi thức dậy là soạn thực đơn xem hôm nay ăn gì và mỗi ngày đều thay đổi. Sau đó, bà uống trà với ba tôi. Tôi nhớ mãi tiếng ngòi bút chạy rào rào trên trang giấy trong đêm. Tôi nằm ngủ ngay dưới chân của mẹ vì nhà chật, nghe tiếng ngòi viết khi nào dừng lại là biết mẹ đang suy nghĩ. Âm thanh đó đặc biệt lắm, tôi không thể nào quên được”.

Hiện tại, mỗi ngày, nhà văn Nguyễn Đông Thức bắt bản thân phải viết 3 trang và con số này, ở độ tuổi của tác giả, được đồng nghiệp ngưỡng mộ nhưng so với mẹ mình - Bà Tùng Long, ông cho rằng con số này không là gì cả.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI