Ứng xử với con

20/03/2013 - 17:22

PNO - PN - Hôm nọ chở bà xã đi chợ, tôi dựng xe ngồi chờ cạnh một người đàn ông cũng đang chờ vợ.

Anh chở theo một thằng bé chừng bốn tuổi. Tôi lặng lẽ quan sát hai cha con “trò chuyện”. Thấy một người bưng tô hủ tíu gõ đi tới, đứa con nói: “Ba, con muốn ăn hủ tíu!”. Người cha không nói gì. Đứa bé lặp lại, giọng mè nheo. Hình như đến lần thứ tư, vứt tàn thuốc anh đáp: “Ăn gì mà ăn, lát nữa mẹ mua đồ ăn sáng!”. Thằng bé cụt hứng, tiu nghỉu. Vài phút sau, một người bán bong bóng đi ngang, thằng bé lại lên tiếng: “Ba, mua bong bóng cho con đi!”. Người cha quát ngay: “Mày đòi hoài, tao đập bây giờ!”. Người bán hàng thấy đứa trẻ thích nên cố nán lại, đứa bé lại vùng vằng: “Ba mua đi ba! Người ta chờ kìa”. Người cha vẫn xẵng giọng: “Đã nói không mua, sao mày lằng nhằng hoài vậy?”. Người bán hàng bỏ đi, vẻ mặt đứa bé đầy thất vọng.

Chờ đã lâu, tôi hơi sốt ruột. Mấy người đàn ông đứng gần đó cứ nhìn đồng hồ liên tục. Nắng bắt đầu gắt. Thằng bé lại nhừa nhựa giọng: “Ba, gọi mẹ mua dưa hấu cho con đi ba”. Người cha chẳng buồn trả lời, chỉ rít thuốc. Kêu mấy tiếng không ăn thua, nó lắc lắc tay cha, lớn tiếng: “Kêu mẹ mua dưa hấu đi ba, con khát nước”. Người cha hình như đã bực, giơ tay như muốn đánh con. Tôi tưởng thằng bé sẽ sợ mà khóc ré lên, nào ngờ nó coi như không, lại còn trỏ về phía chợ, kêu: “Ba vô chợ mua đi, con ở đây giữ xe cho”. Người cha lại nạt: “Không mua. Đòi hoài, ăn đòn bây giờ!”…

Ung xu voi con

Tôi nhìn, người cha cộc cằn nhưng không thấy chút gì hung dữ và vẫn còn khá trẻ. Đứa nhỏ có đôi mắt trong veo, gương mặt bầu bĩnh nhưng hơi lem luốc. Bỗng dưng tôi thấy thương thằng bé quá! Nó cũng đòi hỏi, cũng nhõng nhẽo, cũng làm phiền cha mẹ… hệt con tôi.

Tôi giá như anh thanh niên kia hiểu rằng bản thân mình thích nghe những lời dịu dàng, lịch sự thì một đứa trẻ cũng như thế. Giá anh nhớ ra rằng hồi nhỏ mình cũng từng mè nheo với cha mẹ. Giá như anh hiểu những lời nặng nề, thô lỗ với con trẻ sẽ ít nhiều đọng lại một vết sạn, vết chai trong tâm hồn trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, nhân cách của trẻ, chắc anh không quá lời như vậy. Giá như anh hiểu rằng, với một đứa trẻ, người cha quan trọng đến nhường nào thì chắc anh còn cố làm cho mình to lớn hơn, quan trọng hơn, thay vì tự hạ thấp mình như vậy. Giá như anh có thêm chút kiến thức, kỹ năng làm cha, hoặc ít nhất anh cũng rút được kinh nghiệm từ cách hành xử vừa rồi để khắc phục cho những lần sau…

Lời của người cha ít nhiều thể hiện quan điểm về cách giáo dục trẻ. Nạt nộ, nặng nề với con ít nhiều cho thấy rằng con không hoặc chưa đáng để người cha tôn trọng và vì thế thì chỉ có áp đặt, bắt buộc. Dù thế nào đi nữa, một đứa trẻ được ấp ủ trong những lời yêu thương, sự tôn trọng, sự bình đẳng thì nó có điều kiện tốt hơn để thể hiện những điều đó với người khác, với xã hội và cũng dễ phát triển thành một đặc điểm nhân cách. Còn trái lại, một đứa trẻ phải nghe những lời cục cằn, phải chịu cảnh đòn roi thì với nó, bạo lực, bất công là điều bình thường và có thể nó sẽ không ngần ngại làm điều đó với người khác để đạt được mong muốn của mình.

TRÚC GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI