Cổ thụ trường học là hồn cốt của ngôi trường
Không thể phủ nhận, trước khi tai nạn thương tâm xảy ra, những cổ thụ trong sân trường từng là một trong những chuẩn mực để phụ huynh đánh giá bề dày ngôi trường. Trường càng có nhiều cổ thụ càng được phụ huynh mơ ước gửi gắm tương lai con em. Bởi, để có được những cây cổ thụ thì trường phải có lịch sử lâu đời, chưa kể, có cổ thụ, cảnh quan trường học thơ mộng hơn.
Tại TPHCM, không nhiều trường may mắn sở hữu những hàng cây đại thụ; số lượng chưa đếm hết hai bàn tay. Cũng không ngẫu nhiên, danh sách này đều rơi vào những trường nức tiếng nhất, lịch sử cả trăm năm tuổi. Các cô chú U50-60 kể, hễ là trẻ lớn lên ở Sài Gòn đều mang ước mơ lên cấp III được vào học ở những trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Trưng Vương, Marie Curie...
Bởi không chỉ vì thành quả giáo dục, mà sân trường với những hàng ghế đá nép mình dưới những tán cây cổ thụ, lãng mạn đến độ tụi bạn ở những ngôi trường khác phải ganh tỵ - cũng là lý do để học sinh mơ về những ngôi trường trăm tuổi.
Sân trường THPT Trưng Vương - ngôi trường hơn 60 năm tuổi có nhiều cây cổ thụ tuy không trăm tuổi nhưng đều là cây to tỏa bóng mát. Ngoài việc che mát cho học trò, nhờ có nhiều cây giữ đất tốt chống xói mòn mà bao năm nay trường vững vàng trên vùng đất cao hơn so với mặt đường.
Cũng vì thế mà bao thế hệ thầy cô về đây công tác đều yêu cây. Công tác “theo dõi” cây ở trường này là trách nhiệm chung của tất cả giáo viên. Chỉ cần thấy cây nào khang khác, có vấn đề liền báo ngay cho Ban giám hiệu mời đơn vị chuyên môn đến xử lý ngoài định kỳ.
Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết: năm trước, trường đã cho đào gốc, chữa sâu bệnh ở tất cả cây. Mỗi năm hai lần định kỳ, mé cành, chăm sóc gốc, nhất là trước mùa mưa bão. Trường hợp đồng với các công ty cây xanh, có thiết bị chuyên dụng xử lý. Đặc biệt, trước mùa mưa vừa rồi, trường đã cho kiểm tra gốc - cành cây.
“Được cái thầy cô, học trò ở trường ở lâu nên có tình cảm với từng cái cây, khoảng sân nhỏ. Nhiều thầy cô rất thương cây nên thường xuyên “hỏi thăm” sức khỏe các cây. Khi cây đổ bệnh là xử lý ngay”, cô Thủy chia sẻ.
Có lẽ cổ thụ không còn là cây, từ năm này qua tháng khác sừng sững chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc, chứng kiến biết bao mối tình học trò, che mát cho bao thế hệ học sinh trưởng thành. “Cây phượng già trong sân trước từng là nơi trút bầu tâm sự của “lũ quỷ đói” (biệt danh một thời của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn).
Mỗi khi gặp chuyện khó gỡ, sau giờ học, tôi thường ra đây tự suy ngẫm. Cái cây đứng đó vô tình trở thành nhân chứng bất đắc dĩ phải nghe chuyện của bọn mình. Cùng là những trường tốp đầu của TPHCM nhưng mấy đứa bạn bên Trường THPT Bùi Thị Xuân ngày đó cứ thèm khát có được những khoảng sân trường như của bọn mình”, chị Minh Châu, cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, kể.
Nằm cạnh đó là Trường THCS Lê Quý Đôn với nhiều cây cổ thụ trong sân trường. Đây từng là “điểm cộng” khi phụ huynh chọn trường cho con. Và những dãy phòng học mới phải chấp nhận “né” cổ thụ trong sân.
Có lẽ vì thế mà những hàng cây trở thành thứ níu giữ lòng người. “Thứ mà thầy hiệu trưởng cũ lưu luyến nhất là những hàng cây trong sân trường. Thầy hay điện thoại nhắc tôi nhiều chuyện trường lớp và sau cùng bao giờ cũng hỏi thăm “sức khỏe” mấy cái cây. Trước mùa mưa này, thầy vừa dặn dò phải tỉa cành sâu, coi sóc cẩn thận, không được chủ quan”, cô Trương Thị Bích Thủy kể.
Nhắc đến những ngôi trường có nhiều cây cổ thụ nhất TPHCM phải kể đến ngôi trường trăm tuổi THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Song hành cùng bề dày lịch sử của ngôi trường nổi tiếng này là những cây cổ thụ đi qua năm tháng từ Trường Nữ sinh áo tím đến cái tên Gia Long và ngày nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Sân trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có khoảng chục cây thuộc hàng “cổ”, tán cây xòe rộng tỏa bóng râm phủ kín sân trường.
Xung quanh mỗi cây đều được xây dựng bồn quây lại, trở thành địa điểm lý tưởng để học sinh sau mỗi giờ học chuyện trò tâm sự hoặc ôn bài trước mỗi giờ kiểm tra. Trên mỗi thân cây đều treo bảng tên chủng loại để học sinh nhận biết.
Theo lãnh đạo trường này, việc kiểm tra và bảo quản cây xanh nằm trong nhiệm vụ bảo quản, kiểm tra cơ sở vật chất, phải làm thường xuyên và định kỳ. Trường có ký hợp đồng với công ty bên ngoài thực hiện bảo tồn, bảo trì cây.
Các công ty này có nghiệp vụ chuyên môn sẽ định kỳ kiểm tra cây, sau đó tư vấn cho Ban giám hiệu nên xử lý như thế nào để vừa bảo tồn vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô.
Trước mỗi mùa mưa, trường đều tiến hành cưa nhánh các cây để hạn chế gãy đổ (cách đây khá lâu, từng có cây gãy đổ trong mùa mưa nhưng không gây thiệt hại).
Ai chịu trách nhiệm về cây trong trường học?
Trong buổi họp báo chiều 26/5, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, cho biết, cây phượng bị ngã được trồng năm 1996. Mỗi năm, trường đều thuê công ty quản lý cây xanh đến chăm sóc. Mới nhất là hồi tháng Hai - Ba, đơn vị cây xanh cũng đến tỉa cành và bón phân các cây trong trường.
Giọng buồn day dứt, ông Phúc nói, nhà trường rất bất ngờ và đáng tiếc về tai nạn. Tối qua trời mưa, nhưng sáng nay thời tiết tốt, các học sinh ngồi dưới sân trường để chuẩn bị lên lớp. Nhóm học sinh gặp nạn ngồi ăn sáng gần cổng bảo vệ.
“Cây phượng nhìn bề ngoài rất tươi tốt, lá xanh, hoa cũng nở rộ. Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng dù sao nó cũng đã xảy ra. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng”, ông Phúc nhìn nhận.
Bằng sự khẳng khái của một người đứng đầu, ông nhận trách nhiệm về phần mình dù ông thừa nhận bản thân và nhà trường không đủ chuyên môn để thẩm định về cây xanh, các công việc liên quan đều nhờ đơn vị chuyên môn ngoài trường thực hiện.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cây xanh trong trường học thuộc quản lý của trường nhưng trường phải hỏi ý kiến chuyên môn của Sở Xây dựng TPHCM (trồng mới loại cây nào, đốn cây nào đều phải báo cáo, xin ý kiến). Hiệu trưởng cũng không được tự ý đốn cây, những cây cao trên 10m nằm trong khuôn viên đơn vị nhà nước đều phải xin ý kiến cơ quan chức năng. Khi muốn đốn hạ cây thì hiệu trưởng phải làm văn bản xin ý kiến của bên chuyên môn. Riêng công tác tỉa cành, chăm sóc vẫn được tiến hành định kỳ.
Còn ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lý hạ tầng Sở Xây dựng TPHCM, khẳng định, cây phượng bị đổ là do nhà trường quản lý, không thuộc Sở Xây dựng. Trước mỗi mùa mưa, sở đều có văn bản gửi các quận, huyện rà soát cây xanh để đảm bảo an toàn. Theo quy định, hiện nay cây xanh thuộc công sở nào do công sở đó quản lý…
|
Cây phượng bị bật gốc trong Trường THCS Bạch Đằng gây tai nạn thương tâm cho 13 học sinh nơi đây |
Hỏi “ai là người chịu trách nhiệm về cây trong trường học” thì có vẻ nhỏ nhoi, nhưng kỳ thực đó là câu hỏi cần phải có câu trả lời. Bởi, đến khi mất bò - như tai nạn hôm qua - chúng ta cũng không kịp làm chuồng bởi sự chồng chéo trong quản lý. Cây trong trường được tính vào “tài sản” mà nhà trường phải quản lý. Thế nhưng quản lý thế nào lại phụ thuộc vào những đơn vị chức năng khác.
Việc giao cho một đơn vị không có chuyên môn như nhà trường quản lý cây xanh (dù là trong khuôn viên trường) cũng hết sức kỳ cục, bởi họ chẳng thể làm gì ngoài việc thuê các công ty cây xanh về bảo trì theo định kỳ vài lần trong 365 ngày. Mà giông gió, mưa bão, sâu bệnh thì có lựa ngày cây bảo trì xong mới kéo đến đâu. Cụ thể là cây phượng hơn 20 năm tuổi trong sân trường THCS Bạch Đằng cũng vừa được bảo trì, cắt tỉa hồi tháng Hai - Ba vẫn xảy ra sự cố đấy thôi. Và vì không có chuyên môn thì việc nhiều trường “sính” cây to mua về trồng dẫn đến bật gốc cũng không phải hiếm.
Những lúc như thế này, những đơn vị quản lý có chuyên môn đã làm gì? Các anh không thể nói đó là cây thuộc quyền quản lý của công sở mà ngó lơ được!
Tiêu Hà