Ứng xử thế nào với phôi dư khi thụ tinh ống nghiệm?

14/04/2025 - 06:15

PNO - Trong thụ tinh ống nghiệm (IVF), vấn đề phôi dư thừa không còn mục đích sử dụng là nỗi trăn trở của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Chúng tôi đã phỏng vấn thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM về vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, vấn đề xử lý phôi thai dư thừa trong IVF đang gây nhiều tranh luận, vậy thực trạng này trên thế giới và ở Việt Nam như thế nào?

- Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Vấn đề phôi dư thừa không còn mục đích sử dụng đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở Việt Nam. Tại các nước châu Âu, đặc biệt là Anh, vấn đề này được quy định rất chặt chẽ, thậm chí quy định về việc hủy phôi phải thông qua quốc hội. Họ quan niệm phôi thai là 1 sinh mạng, nên việc hủy phôi được xem là hành động nghiêm trọng.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường đang tư vấn cho cặp vợ chồng hiếm muộn
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường đang tư vấn cho cặp vợ chồng hiếm muộn

Ở Việt Nam, kỹ thuật IVF đang phát triển rất nhanh, số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến phương pháp này ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng vẫn có tâm lý muốn tạo nhiều phôi để dự phòng. Nếu chúng ta không có định hướng và thay đổi nhận thức kịp thời, Việt Nam sẽ sớm đối mặt với vấn đề dư thừa phôi như các nước phát triển đã từng.

Ước tính, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 40.000-50.000 ca IVF mới, ít nhất 1/3 trong số đó có phôi dư, tương đương với hàng chục ngàn phôi không được sử dụng.

* Vì sao lại có tâm lý tạo nhiều phôi hơn số lượng cần thiết trong IVF, thưa bác sĩ?

- Trong những ca IVF đầu tiên trên thế giới, khi chưa có kỹ thuật kích thích buồng trứng, mỗi chu kỳ của phụ nữ chỉ tạo ra 1 nang trứng, dẫn đến tỉ lệ thành công thấp. Sau này, y học phát triển, việc sử dụng thuốc kích thích buồng trứng giúp tạo ra nhiều nang trứng hơn, từ đó tạo ra nhiều phôi hơn trong 1 lần IVF. Tâm lý của các cặp vợ chồng hiếm muộn là muốn tăng cơ hội thành công, nên họ muốn tạo nhiều phôi để dự phòng cho trường hợp chuyển phôi thất bại.

Thực tế cho thấy, những trường hợp cần tạo nhiều phôi do chất lượng trứng kém thì lại khó tạo được số lượng phôi mong muốn. Trong khi đó, những trường hợp không cần thiết lại tạo ra quá nhiều phôi dư thừa. Bác sĩ cũng chịu áp lực từ bệnh nhân, nhất là những người đã từng thất bại trong các lần chuyển phôi trước. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn, gây khó khăn cho cả bác sĩ và bệnh nhân.

* Vấn đề đạo đức liên quan đến việc tạo và hủy phôi dư thừa đang gây ra nhiều tranh cãi. Quan điểm của bác sĩ về điều này như thế nào?

- Ở châu Âu, phôi thai được xem là 1 sinh mạng, nên việc hủy phôi là vấn đề nghiêm trọng. Ở Việt Nam, pháp luật không cấm, nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn cảm thấy trăn trở và đấu tranh tâm lý khi phải quyết định số phận của phôi dư.

Tôi từng gặp cặp vợ chồng đã có đủ con, nhưng vẫn còn 3 phôi dư trữ lạnh suốt 5 năm. Họ rất khó khăn khi phải đưa ra quyết định hủy phôi, vì cảm thấy như đang tước đoạt mạng sống của con mình. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng việc giữ lại phôi là không thực tế. Ngược lại, cũng có những cặp vợ chồng có nhận thức khác, họ chủ động yêu cầu bác sĩ chỉ tạo 1 phôi mỗi lần, và nếu chuyển phôi thất bại thì mới tạo tiếp 1 phôi mới.

Thực sự, việc lưu trữ phôi lâu dài cũng tạo gánh nặng cho bệnh viện. Một số bệnh viện có xu hướng tạo nhiều phôi để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và tăng nguồn thu từ việc lưu trữ phôi. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến tình trạng phôi dư thừa quá nhiều, gây ra những vấn đề xã hội.

* Vậy theo bác sĩ, giải pháp nào để hạn chế tình trạng phôi dư thừa?

- Giải pháp quan trọng nhất là tư vấn kỹ lưỡng cho các cặp vợ chồng trước khi thực hiện IVF. Họ cần hiểu rõ về mục đích của việc tạo phôi, cũng như những vấn đề phát sinh khi có phôi dư. Nhân viên y tế cần giúp họ hình dung được bức tranh toàn cảnh và những khó khăn trong việc đưa ra quyết định về phôi dư. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần tránh tự áp lực cho bản thân khi bệnh nhân yêu cầu tạo nhiều phôi.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI