Ứng xử đúng với con

18/04/2015 - 11:49

PNO - PN - Một đứa trẻ hoạt bát năng động hay trầm lặng hướng nội không hoàn toàn do bản chất của chúng. Nội dung giao tiếp với con cái từ cha mẹ góp phần làm nên tính cách của trẻ. Hơn nữa, tính cách của con còn được phát huy thế mạnh hoặc cải thiện các điểm yếu thông qua ứng xử đúng đắn từ bậc phụ huynh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ung xu dúng vói con

CHÊ ĐÚNG

Có lần con gái tôi và bạn chơi bán đồ hàng trước sân. Ngồi trong nhà, tôi nghe lóm câu chuyện của chúng.

- Hà ghét nhất là khi lỡ phạm lỗi gì đó cũng bị mẹ mắng một trận tơi bời. Mẹ la xong tới bà nội, ông nội. Chiều ba về biết chuyện còn la thêm. Tối ăn cơm, cả nhà nhắc lại chuyện rồi cùng trách. Có khi cô Út cũng tham gia mắng nữa. Chỉ một tội mà bị “xử” đến bốn, năm lần.

- Ai biểu Hà lỳ, không chịu nghe lời người lớn.

- Không chịu nghe hồi nào đâu? Tại Hà hay quên thôi. Nhưng cũng có khi mọi người bực chuyện khác rồi quay sang quát Hà. Nhi có bị vậy không?

- Không. Tội nghiệp Hà ghê.

Con gái tôi gật gù nói thêm vài câu chia sẻ. Thật ra, tôi cũng nôn nóng và hồi hộp chờ nghe con trả lời câu hỏi “Nhi có bị vậy không?”. Tôi đã giật mình trước những bức xúc của cháu gái hàng xóm. Thế giới trẻ thơ không hề giản đơn. Khi tôi thuật lại những điều nghe được với mẹ của cháu Hà, chị có vẻ chột dạ bởi hai vợ chồng đã không ít lần trút giận lên con.

Ý thức được những hệ lụy, từ lâu, các thành viên trong gia đình tôi đã tuân thủ vài nguyên tắc cơ bản trong việc trách phạt con cái. Nếu con sai phạm điều gì, chúng tôi trực tiếp nhắc nhở bằng cách nói thẳng vào vấn đề. Thông qua việc phân tích ngắn gọn chuyện đúng, sai của sự việc và lắng nghe sự phân bua của con, một kết luận chung được đưa ra sao cho trẻ nhìn rõ sai phạm của mình. Tôi nghĩ hiểu được, ý thức được sai lầm, con sẽ không tái phạm.

Chúng tôi nhắc nhau không trách mắng những câu đại loại như con không làm nên tích sự gì, từ nhỏ đến giờ con học hành chẳng bằng ai. Vin vào bất cứ lỗi lầm nào đó của con cái rồi đưa ra kết luận có tính “đóng đinh” trẻ vào một hình ảnh tệ hại là điều không nên. Thay vì vẽ ra một chân dung xấu xí để định khung hình phạt, tôi phê bình con theo kiểu diễn giải: “Nếu con không hành động như vậy, mà làm như thế này…”. Gợi mở biện pháp để con hiểu vấn đề, biết cách khắc phục, tránh lặp lại sai phạm luôn là điều quan trọng.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ RỐT RÁO

Khi quở phạt, phê bình cần xác định không phải để cha mẹ giải tỏa bức xúc mà là làm cho con cái hiểu ra vấn đề. Và, sự việc cần được giải quyết rốt ráo một lần. Nếu cần thiết, người lớn có thể hội ý trước, sau đó mới nói chuyện với trẻ. Tránh gây căng thẳng cho con như trường hợp bé Hà nói trên, chỉ một lỗi lầm nhỏ lại bị hết người này đến người khác trách mắng nhiều lần.

Ngược lại, với những ưu điểm, có thể nhắc lại để động viên con tiếp tục phát huy. Một lần con làm toán bị điểm xấu. Mỗi khi kết quả kiểm tra không được như ý, cha mẹ có nên nhắc lại “cột mốc đen” ấy cùng với kết luận con chậm tiến, thua kém bạn bè? Theo tôi điều này không nên. Cha mẹ phải tìm hiểu vì sao con bị điểm xấu để động viên, sát cánh cùng trẻ mở hướng khắc phục.

Dù với lý do gì cũng không được lấy một khuyết điểm nhỏ làm tiền đề để áp đặt tính cách và khả năng của con. Nếu như thế, trẻ sẽ dễ bị tổn thương và tự ti với ý nghĩ mình thật sự tệ hại. Cũng cần tránh mắng lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia, cuối cùng con không hiểu thật ra mình bị khiển trách bởi lý do gì.

CHIA SẺ, TÔN TRỌNG Ý KIẾN CỦA CON

Cha mẹ cần khuyến khích trẻ nêu cảm nghĩ, nhận xét, đưa ra ý tưởng về những vấn đề quanh cuộc sống của con. Mua một bộ quần áo, tập vở, cặp sách cũng nên ướm hỏi xem con thích màu sắc gì, kiểu dáng như thế nào. Một số phụ huynh quan niệm trẻ nhỏ đâu biết gì, cứ sắm sửa theo ý mình, vài năm nữa đến tuổi dậy thì, chúng sẽ biết quan tâm đến bản thân nhiều hơn. Thậm chí khi trẻ vừa rụt rè đưa ra những nhận định ban đầu, do chưa vừa ý, phụ huynh vội vàng bác bỏ. Điều đó khiến các con ít có ý kiến độc lập, dễ chấp nhận, thụ động.

Cần tạo điều kiện cho con thoải mái nêu suy nghĩ, không chỉ về những việc liên quan đến bản thân mà còn cả chuyện gia đình, bạn bè, trường lớp. Đừng để con mang cảm giác sợ phát biểu sai. Cha mẹ có thể nhân cơ hội này đối thoại với con, khéo léo hướng con đến cách nhìn nhận vấn đề đúng đắn hơn.

Thực tế có những đứa trẻ hoạt bát, năng động, tham gia phát biểu hăng say trên lớp, nhưng khi về nhà trở nên trầm lặng, học và chơi trong thế giới riêng mình. Đó là do chưa có sự quan tâm, khuyến khích, đánh giá đúng mực của cha mẹ về khả năng của trẻ. Đó cũng là do cha mẹ chưa tôn trọng ý kiến, chưa tạo điều kiện cho con thể hiện.

 VIỆT QUỲNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI