|
Hình ảnh phụ huynh và nhân viên trường đôi co sau vụ ẩu đả của học sinh đang được lan truyền trên mạng |
Vụ “bạo lực học đường” ở một trường quốc tế tại TPHCM đang là tâm điểm dư luận. Khi nguồn cơn trận ẩu đả của con trẻ đang được nhà trường cùng cơ quan chức năng tìm hiểu, dư luận xã hội vẫn tiếp tục sôi sục với thái độ của phụ huynh trong vụ việc.
Clip vụ việc được tung lên mạng xã hội chủ yếu quay vào những người lớn mất bình tĩnh. Người thì lớn tiếng, văng tục, người thì thách thức.
Tất nhiên, nội dung được quay chỉ là một phần sự việc. Nhưng trong bức tranh ấy, biểu hiện của người lớn đã trở thành một đề tài độc lập để xã hội suy tư về câu chuyện bạo lực. Nhiều người cho rằng, trẻ con đánh nhau vì chưa đủ trưởng thành để giải quyết bức xúc một cách đúng đắn. Nhưng chính sự nóng nảy, thách thức của người lớn là một tấm gương tối, là hạt mầm bạo lực có thể nảy mầm ở chính những đứa - trẻ - là - con của họ.
Chỉ cần lang thang trên mạng xã hội những ngày này, người ta lại thấy không ít chia sẻ về những người lớn “manh động”. Báo chí chính thống còn lưu lại vô vàn những sự vụ nảy sinh từ chính người lớn sau cuộc bạo lực của con trẻ.
Hồi tháng 3/2022, vợ chồng ở Bạc Liêu xông vào trường để đánh, mắng một học sinh.
Ngày 19/3/2021, ở Thủ Thừa (Long An), một phụ huynh xông vào trường đánh một em học sinh, rồi sáng hôm sau lại đưa con mình đến đánh một em học sinh khác. Cuối năm 2020, một phụ huynh ở Điện Biên đến trường sau giờ học để đấm, đá một học sinh lớp Sáu, gây thương tích 1%.
Lý do bạo lực của những người lớn này đều là vì đứa trẻ kia đã đánh con họ. Và mục đích, là để “xử đẹp” đứa trẻ đã ức hiếp con mình.
Những vụ việc trên luôn gây phẫn nộ dư luận. Bởi “người lớn đánh trẻ con” là một cái sai không thể chối cãi. Thế nhưng, phổ biến và gây tranh cãi nhiều nhất là những phản ứng ồn ào, lớn tiếng đòi công bằng, bất chấp mọi quy trình.
Không riêng những phụ huynh ở trường quốc tế được nhắc ở đầu bài, hầu hết người lớn không thể bình tĩnh khi nghe con mình bị đánh. Trong tâm lý ấy, họ khó lòng kiên nhẫn trước “quy trình xử lý vụ việc”, càng không thể bình tĩnh nếu có một sai sót, chậm trễ từ các bên còn lại. Và quát tháo, dọa nạt, thậm chí chửi thề… là cách người lớn phản ứng, dù trước mặt họ có khi là thầy giáo, cô giáo của con mình.
Vấn đề là, phản ứng kiểu này đang được một bộ phận dư luận bảo vệ. Nhiều người cho rằng khi con bị đánh, và khi các bên còn lại phản ứng chậm trễ thì một người bố, người mẹ có thể “làm lớn chuyện” để đòi công bằng.
Rõ ràng, khi nghe tin con mình bị đánh, cảm xúc xót xa, phẫn nộ của phụ huynh là dễ hiểu. Nhưng việc để cảm xúc bộc phát và mất kiểm soát lời nói, hành động là một câu chuyện khác. Dù không động chân động tay, nhưng sự to tiếng, quát tháo, cũng đã là biểu hiện của bạo lực, của sự áp đảo.
Nếu dùng sự giận dữ để phản ứng, và giải quyết vấn đề, phụ huynh đã trình diễn lại trước mắt con trẻ chính cái điều mà chúng vừa làm, hoặc vừa là nạn nhân. Cách bọn trẻ đánh nhau để giải quyết xung đột, giải quyết… sự ngứa mắt chẳng phải là dùng bạo lực để giải quyết cảm xúc sao? Và hướng giải quyết bạo lực học đường, dù đi theo lý thuyết nào, chắc chắn cũng phải hướng con trẻ đến việc làm chủ cảm xúc. Cao hơn nữa, là hướng con trẻ đến thái độ thiện chí tìm hiểu thông tin, giải quyết xung đột trong bình tĩnh, hiểu biết và thấu hiểu.
|
Cách ứng xử của cha mẹ đối với vấn đề của con tác động mạnh tới hành xử của chúng hiện tại và tương lai (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Đáng tiếc, sau một vụ bạo lực học đường, các em học sinh thường tiếp tục chứng kiến một cuộc ồn ào khác từ người lớn. Còn người lớn, sau khi xót xa vì sự tổn thương của con em, lại vô tình gây thêm một tổn thương khác - vô hình, nhưng tinh vi và nguy hại không kém - vào nhận thức của con trẻ. Họ, thêm một lần nữa tước mất cơ hội để hiểu về sự bình tĩnh, về hiệu quả của sự thiện chí, sự lắng nghe và tinh thần cầu thị. Thêm một lần nữa, họ khiến con trẻ tin vào “quyền năng” của bạo lực, dù là bạo lực bằng lời nói hay hành động.
Khi vụ bạo lực học đường mới nhất đang râm ran trên mạng, bà Trương Thị H. (60 tuổi, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ với chúng tôi rằng bà từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi còn trẻ. Hơn 20 năm trước, con trai bà bị bạn cùng lớp ăn hiếp liên tục. Khi ấy, trường con đang học là trường làng. Bà H. lại biết “gia thế” cậu bé kia nên càng tin rằng nhà trường không thể giải quyết rốt ráo. Vậy nên bà chọn cách đến trường “làm dữ”. Trận làm dữ năm ấy có sự chứng kiến của rất nhiều phụ huynh, học sinh và người dân sống gần trường.
Nhà trường đã giải quyết “trót lọt” bằng cách phạt cậu bé kia và bắt cậu bé phải xin lỗi bạn - là con trai bà H. Chuyện đến đó tưởng êm xuôi. Nhưng khi về nhà, con trai bà H. chỉ nấp trong phòng và khóc. Cậu bé khi ấy chỉ chín tuổi, đang học lớp Ba. Bà H. dỗ rất lâu thì cháu mới nói: “Mẹ dữ quá, con thấy quê với mọi người!”.
“Nó làm tôi ám ảnh tới tận bây giờ. Giờ nó hơn 30 tuổi rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ. Nhiều khi mình tưởng hùng hổ để bảo vệ con, mà không biết là đang làm khổ nó ở một khía cạnh khác. Lần đó tôi phải xin lỗi con, phải nhận với con là mẹ sai, mẹ thiếu bình tĩnh và cần rút kinh nghiệm”, bà H. nói.
Nhưng thật may là cậu bé ấy đã “thấy quê”, và may là cậu ấy còn chia sẻ với mẹ. Có rất nhiều tình huống khiến con trẻ không nhận thấy mình đang bị tổn thương tinh thần. Các con chỉ thụ động tiếp nhận và chịu ảnh hưởng trong vô thức.
|
Yêu con, bảo vệ con sao cho đúng là câu hỏi rất nhiều phụ huynh đặt ra lúc này (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Bạo lực học đường là một nỗi đau. Nhưng trong nỗi đau ấy, lẽ ra người ta phải đọc thấy một bài học nào đó chứ không chỉ chăm chăm giải quyết “bất công” trước mắt. Khi gặp một sự lạ, một bất thường thì phải bình tĩnh tìm hiểu sự việc - đó là thái độ cần thiết nhất của một người trưởng thành. Chỉ cần “lận lưng” thái độ như thế, sẽ tránh được nhiều bi kịch từ sự nóng vội. Thái độ đó, chính là chìa khóa để tránh tất cả bạo lực, dù là bạo lực tinh thần hay bạo lực thể xác.
Cuối cùng, quyết liệt không có nghĩa là hung dữ và ồn ào. Trong một xã hội hiện đại, có rất nhiều con đường để một con người hiểu biết và quyết liệt có thể đi đến cùng để bảo vệ niềm tin của mình mà không cần dùng đến bạo lực. Thực tế, đã có rất nhiều phụ huynh bảo vệ tốt con mình, bằng sự hiểu biết và bình tĩnh của họ.
Tố Quyên
Hành xử nhẹ nhàng, chuyện lớn sẽ hóa nhỏ Tôi là mẹ của năm đứa con, từ lớp 5 đến lớp 12. Rất nhiều lần các con tôi va chạm với bạn bè trong lớp. Có khi tôi đến trường trong vai mẹ nạn nhân, cũng có lúc phải vào vai là phụ huynh của đứa trẻ bị tố cáo đánh bạn. | Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay (Ảnh minh họa |
Hồi con gái thứ hai của tôi mới chuyển trường về Q.Tân Bình, TPHCM, con bị tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” như: bị giật tóc, xô ngã, cà khịa… Có hôm thấy con bị trầy xước, tôi tìm hiểu và biết con bị chị lớp trên giật tóc cho té ngã trong lúc xếp hàng chuẩn bị chào cờ. Trò chuyện với con, tôi thấy bé không sang chấn tâm lý hay sợ hãi, mà chỉ xem đó là những va chạm bình thường, nên tôi để con tự xử lý. Nếu lúc đó tôi nóng nảy, bênh vực cô con gái có vẻ ngoài mỏng manh, thì có lẽ chuyện bé đã xé ra to. Thật ra, phụ huynh nên bình tĩnh để thấy rằng: ở nhà, con chạy nhảy, đùa giỡn, hoặc va chạm với anh chị em cũng có thể xảy ra những trầy xước, và mình đều xem là chuyện nhỏ. Vậy, cũng là những vết đó, khi xảy ra ở trường và do con người khác làm thì có cần nóng nảy, bức xúc và phải làm lớn chuyện? Có những lần tôi bị “mắng vốn” là con chọc phá bạn, đánh bạn, ngay lập tức tôi xin lỗi phụ huynh trước, không viện lý do gì cả. Tôi hiểu con mình hiền, nhưng nếu bị bạn bè chọc ghẹo, khiêu khích, đánh trước... con có thể nổi nóng và phản ứng lại. Do vậy, việc hiểu tính cách con cái rất quan trọng trong giải quyết bạo lực học đường. Khi người lớn ứng xử bình tĩnh, nhẹ nhàng thì câu chuyện sẽ được giải quyết nhẹ nhàng. Huỳnh Thị Yến Linh (Q.Tân Bình, TPHCM) |