Ung thư tại Việt Nam: Thực phẩm bẩn độc và thảm họa tài chính

19/12/2015 - 14:23

PNO - Trao đổi với Phunuonline, PGS.TS Trần Văn Thuấn - PGĐ bệnh viện K Trung Ương cho biết những con số đáng buồn mà bệnh ung thư mang lại tại Việt Nam.

Ung thu tai Viet Nam: Thuc pham ban doc va tham hoa tai chinh
PGS.TS Trần Văn Thuấn (Ảnh: Phạm Hải/Vietnamnet).

Ung thư tăng đột biến về mọi mặt

Theo số liệu báo cáo của ngành ung thư, xu hướng mắc bệnh ung thư nói riêng và các bệnh không lây nhiễm bao gồm ung thư, tim mạch, nội tiết, rối loạn sức khỏe tâm thần đang có xu hướng tăng lên.

Dẫn chứng điều này bằng con số cụ thể, PGS.TS Trần Văn Thuấn - PGĐ bệnh viện K Trung Ương cho biết: Thống kê 2010 cả nước có khoảng 125 000 ca mới mắc và có 94 000 trường hợp tử vong do ung thư. Nếu quay lại 10 năm trước đó, tỉ lệ mắc vào năm 2000 chỉ vào khoảng 68 000 ca. Trong đó bệnh ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, năm 2000 tỉ lệ mắc vào khoảng 17,1/ 100 000 người, đến nay tăng gấp đôi khoảng 35/100 000 người.

Số lượng bệnh nhân ung thư tăng lên một cách nhanh chóng, tuy nhiên chỉ tập trung ở một số loại bệnh ung thư thường gặp.

Ở nam giới: Ung thư phổi, dạ dày, gan, đại tràng, vòm họng. Ở nữ giới phổ biến nhất là ung thư vú, dạ dày, phổi. Còn ở trẻ em chủ yếu là ung thư máu.

Riêng đối với ung thư cổ tử cung ở phụ nữ có xu hướng chững lại do hiệu quả tuyên truyền phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm và có thể tiếp tục giảm trong những năm tới.

Chia sẻ về độ tuổi mắc ung thư ở Việt Nam, PGS.TS Thuấn cho biết, theo thống kê, độ tuổi mắc ung thư ở Việt Nam có xu hướng trẻ hơn so với các nước trên thế giới và thường rơi vào độ tuổi 45-55, đây là độ tuổi chín chắn, ổn định trong công việc, sự nghiệp. Còn ở trẻ em, số ca ung thư chiếm tới 1,6 % tổng số các ca ung thư.

Thảm họa về tài chính

Gần đây, tại cuộc họp báo ở Bali (Indonesia), GS Mark Woodward, đại diện Viện George công bố kết quả nghiên cứu Chi phí ung thư ASEAN (ACTION) được thực hiện trên 9.513 bệnh nhân tại 8 nước Đông Nam Á, trong 12 tháng sau khi phát hiện bệnh ung thư. Trong đó, số bệnh nhân của Việt Nam tham gia chiếm 20%, tương đương với 1.916 người.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân mắc ung thư ở Việt nam trong vòng 1 năm sau khi chẩn đoán phải đối mặt với gánh nặng tài chính rất lớn trong khi tỉ lệ tử vong cao. Đây là nỗi ám ảnh về tài chính thường trực cho cả bệnh nhân và gia đình.

Chỉ có 45% bệnh nhân còn sống mà không có khó khăn về tài chính; 55% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu hoặc tử vong (24%) hoặc là còn sống nhưng gặp khó khăn về tài chính (31%) trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.

"Do chính sách bảo hiểm y tế được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, coi trọng đã từng bước đổi mới, phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng trong những năm gần đây nên phần đa các bệnh nhân ung thư có bảo hiểm y tế, phần lớn chi phí thuốc men, khám chữa được chi trả. Điều này thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai là việc chi trả còn tùy thuộc vào loại bệnh, giai đoạn bệnh. Nếu phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả chi phí điều trị sẽ giảm thiểu phần phần nào", PGĐ bệnh viện K Trung Ương cho biết.

Nhưng điều đáng buồn là, ở Việt Nam, qua khảo sát cho thấy >70% người bệnh khám và điều trị ung thư ở giai đoạn  muộn, đó là lý do chính dẫn đến việc khả năng chữa trị thành công cho bệnh ung thư ở Việt Nam không cao. Trong khi tại một số nước phát triển, hệ thống y tế chữa khỏi được 80% số bệnh nhân ung thư.

Nhưng ở Việt Nam mặc dù trình độ y học, năng lực trang thiết bị, thuốc men không hề thua kém nhưng người bệnh ở nước ta đi khám và chữa bệnh hầu hết ở giai đoạn muộn. Vì vậy dẫn đến hiệu quả điều trị không cao.

Theo ước tính tỉ lệ chữa khỏi ung thư tại Việt Nam ở nữ giới vào khoảng 40%, nam giới 33%.

Thực phẩm nhiễm độc, môi trường ô nhiễm... dẫn đến ung thư

Nguyên nhân dẫn đến gánh nặng ung thư kể trên đầu tiên là do nhận thức của người dân dự phòng, khám sức khỏe định kì sàng lọc, phát hiện sớm ung thư còn thấp.

Thứ hai, qua các thống kê y học cho thấy, trên 85% nguyên nhân gây bệnh ung thư là do môi trường bên ngoài (hút thuốc lá > 30% tổng số các nguyên nhân gây ung thư ở người, 90% ung thư phổi đều do thủ phạm là thuốc lá,...). Chỉ khoảng hơn 10% là nguyên nhân di truyền.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI