|
Tiến sĩ - bác sĩ Võ Duy Long đang phẫu thuật cho một trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn muộn - Ảnh: T.A. |
Trước đây, đối với những bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (giai đoạn muộn), các bác sĩ không thể can thiệp. Đa số bệnh nhân chỉ sống thêm từ 6-10 tháng. Tuy nhiên hiện nay, bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn muộn vẫn có thể được điều trị thành công nếu áp dụng đúng phương pháp điều trị đa mô thức.
Tưởng không qua nổi vài tháng mà sau hai năm vẫn sống
Tiến sĩ - bác sĩ Võ Duy Long - Phó trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết đơn vị đã áp dụng phương pháp đa mô thức để điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn muộn, thu được kết quả vô cùng khả quan. Trong số các bệnh nhân được điều trị theo phương pháp đa mô thức, khoảng 40% đáp ứng rất tốt, đến nay đã sống thêm từ 2-3 năm và vẫn đang được tiếp tục theo dõi. Người bệnh có thể sinh hoạt, quay trở lại với cuộc sống như người bình thường trong khi trước đây, khi phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn muộn, gần như các bác sĩ không thể can thiệp điều trị.
Điển hình nhất trong số những bệnh nhân được mở ra hy vọng sống bằng phương pháp điều trị đa mô thức là trường hợp chị H.H. (sinh năm 1982, ngụ tại TP. Cần Thơ). Đầu năm 2020, chị H. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám với các triệu chứng: buồn nôn, chán ăn, bỗng dưng sụt gần 10kg.
Ban đầu, thấy mình giảm cân, chị H. vui mừng vì xưa nay vóc dáng chị mũm mĩm, dù áp dụng nhiều chế độ luyện tập và kiêng ăn đều không hiệu quả. Thế nhưng, bên cạnh hiện tượng cân nặng sụt giảm nhanh chóng, chị cảm thấy không khỏe, lúc nào cũng uể oải, thỉnh thoảng còn đau tức vùng bụng trái.
Sau khi thăm khám, cho bệnh nhân làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết, bác sĩ xác định bệnh nhân bị ung thư dạ dày vùng hang vị giai đoạn trễ. Tế bào ung thư đã di căn xâm lấn tụy và mặt dưới gan trái.
H. và gia đình tìm hiểu thông tin và biết được khi ung thư dạ dày vào giai đoạn muộn thì không còn nhiều vọng sống. Bệnh nhân còn trẻ, lại có con nhỏ nên khi biết tình trạng bệnh, chị vô cùng suy sụp.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ Long đã tư vấn cho chị H. và người nhà về phương pháp điều trị ung thư đa mô thức. Cụ thể, bệnh nhân sẽ được hóa trị bằng thuốc thế hệ mới để làm giảm các thương tổn ung thư. Tiếp đến, các bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi cho người bệnh rồi kết hợp phương pháp điều trị trúng đích.
Ngày 6/3, ca mổ nội soi cho chị H. diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân được cắt gần như toàn bộ dạ dày, nạo hạch triệt để.
Phương pháp mổ nội soi giảm thiểu nguy cơ tai biến, biến chứng, bệnh nhân ít đau, nhanh hồi phục. Ca mổ vừa đạt tính thẩm mỹ mà vẫn đảm bảo tính triệt căn đối với ung thư. Kể từ khi áp dụng phương pháp đa mô thức để điều trị ung thư tới nay đã được hơn hai năm, tình trạng chị H. vẫn ổn định. Bệnh nhân mới tái khám, các chỉ số xét nghiệm vẫn trong giới hạn bình thường, chưa thấy có dấu hiệu di căn tái phát.
Tiếp đến là trường hợp nữ bệnh nhân N.T.M.H. (sinh năm 1963, ngụ tại Q. Tân Phú, TPHCM). Bà H. được chẩn đoán ung thư tâm vị giai đoạn trễ, tế bào ung thư đã di căn vào khoang phúc mạc. Bệnh nhân được áp dụng phương pháp điều trị đa mô thức: hóa trị để xử lý các tổn thương ung thư, sau đó kết hợp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày, nạo hạch triệt để.
Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 25/3/2020, kéo dài gần 7 tiếng đồng hồ. Do tế bào ung thư của bệnh nhân di căn khá phức tạp nên sau hóa trị, viêm dính nhiều. Tình trạng bà H. trước khi điều trị đa mô thức vô cùng nghiêm trọng, tiên lượng sống không quá sáu tháng. Khi quyết định điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp đa mô thức, bệnh nhân cũng chỉ quan niệm còn nước còn tát chứ không kỳ vọng nhiều. Kể từ khi điều trị tới nay, bệnh nhân đã sống thêm hơn hai năm. Kết quả tái khám định kỳ của bệnh nhân ổn định, tâm lý bà H. và gia đình vô cùng phấn khởi.
Phép màu cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn muộn
Thông qua các trường hợp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn muộn bằng phương pháp đa mô thức kể trên, bác sĩ Long muốn gửi tới mọi người thông điệp đừng bao giờ từ bỏ dù chỉ còn rất ít hy vọng. Nếu bệnh nhân bi quan, không điều trị (hoặc điều trị không đúng), chắc chắn thời gian sống sẽ không lâu. Ngược lại, nếu kiên cường chiến đấu, tuân thủ phương thức điều trị đa mô thức, không từ bỏ cơ hội, người bệnh vẫn có tỷ lệ cao được điều trị khỏi.
Có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày: hóa trị, xạ trị, phẫu trị (phẫu thuật), liệu pháp nhắm trúng đích (liệu pháp miễn dịch)… Nếu chỉ áp dụng một phương pháp thì gọi là đơn trị liệu. Ngược lại, điều trị đa mô thức là phối hợp nhiều phương pháp điều trị ung thư, từ đó kết quả thu được cao hơn nhiều so với đơn trị liệu.
Mỗi phương pháp điều trị ung thư có ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Chẳng hạn, với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, tốt nhất vẫn là phẫu thuật cắt bỏ kèm hóa trị sau mổ. Ngược lại, khi ung thư ở giai đoạn trễ (đã có di căn xa hoặc di căn hạch lớn…), phẫu thuật đơn thuần không còn đem lại hiệu quả cao. Khi đó, cần đến phương pháp điều trị đa mô thức là hóa trị toàn thân (đưa thuốc vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư), sau đó phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiếp tục hóa trị hoặc dùng liệu pháp miễn dịch sau mổ.
Nhìn chung, với sự phát triển của y học, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày. Quan trọng nhất khi chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày là tâm lý phải vững vàng, luôn lạc quan, quyết tâm. Rất nhiều trường hợp ung thư sau khi tuân thủ điều trị có thể sống tốt, sống khỏe lâu dài.
Các dấu hiệu ung thư dạ dày Ung thư dạ dày được chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1: Tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày nhưng chưa lây sang các bộ phận khác. Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã xâm lấn vào lớp cơ dạ dày. Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã lan ra các hạch bạch huyết, di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể. Giai đoạn 4: Tế bào ung thư lan rộng khắp cơ thể, cơ hội sống của bệnh nhân rất thấp. Ở giai đoạn sớm, gần như các triệu chứng của ung thư dạ dày rất mơ hồ, không điển hình. Khi có đầy đủ các triệu chứng, bệnh ung thư dạ dày thường vào giai đoạn trễ, các tế bào ung thư đã di căn. Người bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn có các dấu hiệu như: sụt cân nhiều (không rõ nguyên nhân), mệt mỏi, nôn ra máu, đi cầu phân đen, chướng bụng, xuất hiện các cơn đau (đau vùng trên rốn, dễ bị chẩn đoán lầm là viêm dạ dày), cường độ ngày càng tăng (dù đã uống thuốc vẫn không thuyên giảm). Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư dạ dày (polyp dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, vi khuẩn HP, chế độ ăn uống, di truyền, hút thuốc lá và bia rượu…). Để phòng tránh bệnh ung thư dạ dày, hãy duy trì cân nặng lý tưởng, nếp sống lành mạnh, không nên ăn thức ăn nhiều muối, nhiều chất bảo quản, thực phẩm chứa nấm mốc, hạn chế thuốc lá và bia rượu. Nếu có bệnh lý về dạ dày, cần điều trị triệt để. Nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần nhằm phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn. |
Thanh Huyền