Ung thư da từ kem chống nắng tự chế?

04/08/2018 - 10:00

PNO - Hiện trên mạng xã hội, chị em đang chia sẻ nhau công thức tự làm kem chống nắng dạng sáp (chống nước) bởi nghĩ rằng thành phần từ thiên nhiên và do chính tay mình điều chế sẽ an toàn hơn. Sự thật có đơn giản như thế?

Chủ tài khoản Facebook tên N.T. khoe chỉ với một ít bơ hạt mỡ, dầu bơ, sáp ong, dầu dừa, vài giọt tinh dầu cà rốt, dầu nhựa thơm và hai thìa bột kẽm oxide đun nóng lên rồi để nguội là đã có kem chống nắng dạng sáp.

“Với các thành phần thiên nhiên, cũng có thể tự làm kem chống nắng ở nhà, khỏi tốn tiền và lo sợ hóa chất độc hại. Mình tự làm để dùng, thoa trước khi đi bơi rất hiệu quả vì kem dạng sáp nên không bị nước rửa trôi”, T. hào hứng chia sẻ. Rất nhiều chị em và bạn bè của T. đã xin phép copy lại công thức này.

Ung thu da tu kem chong nang tu che?
Kem chống nắng tự làm đang được các chị em rỉ tai nhau công thức.

Hiện trào lưu tự làm kem chống nắng ngày càng lan rộng, chủ yếu rơi vào đối tượng sinh viên, nhân viên văn phòng... Đi bơi cùng người bạn tên K., tôi thấy trước khi xuống hồ bơi, K. lấy ra một lọ thủy tinh, bên trong là chất sáp màu trắng đục, đặc cứng như bánh xà phòng. 

K. thoa chất sáp trên lên những vùng da không được đồ bơi che chắn, rồi đưa cho tôi hũ thủy tinh ấy, giới thiệu: “Kem chống nắng em tự làm đấy, hoàn toàn thiên nhiên, an toàn và lành tính, chống nước, rẻ tiền, nguyên liệu chưa tới 100.000 đồng mà xài hoài không hết. Trong khi mua một tuýp kem chống nắng 50ml loại tốt cũng tốn gần 500.000 đồng, chưa kể nguy cơ mua phải hàng nhái, hàng giả hoặc trong thành phần có nhiều hóa chất hại da”. 

Bác sĩ Trần Thiên Tài (Phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, thực ra kem chống nắng tự làm cũng là một dạng kem trộn. Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị do sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, không rõ nguồn gốc và không theo chỉ định của bác sĩ.

Cách đây vài ngày, tôi khám cho bệnh nhân nữ 26 tuổi, tên N., ngụ tại TP.HCM trong tình trạng khắp mặt N. nổi các mụn nước, bóng nước li ti, đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng. Sau 2 tuần sử dụng một loại kem chăm sóc da dạng nhà làm, N. gặp tình trạng trên. Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp phải đi bệnh viện do dùng kem tự chế. 

Các dấu hiệu thường thấy khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm là sau khi sử dụng vài phút hoặc nhiều giờ, da bắt đầu ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bóng nước, bong vảy da… Ngay khi có một trong các triệu chứng trên, phải ngưng sử dụng mỹ phẩm đó ngay lập tức, rửa sạch vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm, không sử dụng các loại mỹ phẩm khác, không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng... Nếu trường hợp diễn tiến tăng dần cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng hoặc da liễu. 

Trước trào lưu tự làm kem chống nắng, tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cảnh báo: “Sự thiếu kiến thức chuyên môn nền tảng có thể dẫn đến những rủi ro và hậu quả đáng tiếc. Thí dụ sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng không đạt yêu cầu (khả năng chống nắng kém hoặc không có hiệu quả chống nắng dẫn đến làm tăng nguy cơ ung thư da, bỏng nắng…), nguy cơ tai nạn trong lúc thực hành (thứ tự phối trộn không đúng có thể dẫn đến cháy, nổ, phát tán độc chất hoặc tạo thành các hợp chất không mong muốn), có thể tạo ra sản phẩm chứa các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe...”.

Sản phẩm được sản xuất bởi nhà sản xuất có uy tín, theo quy trình được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, với công thức được xây dựng từ một quá trình nghiên cứu bài bản, có tiêu chí chất lượng, kiểm tra chất lượng rõ ràng và được đăng ký, công bố theo các quy định của pháp luật... sẽ an toàn cho người sử dụng hơn các sản phẩm tự chế, đặc biệt trong trường hợp các sản phẩm tự chế này được tạo ra từ các công thức truyền miệng, không được kiểm tra chuyên môn.

  Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI