Đó là câu hỏi mà các đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Cần sự điều phối nguồn lực chống dịch
Sáng 25/7, trong phiên thảo luận tại hội trường về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) nêu thực trạng phức tạp của dịch COVID-19 ở các địa phương hiện nay. Số ca mắc chưa có dấu hiệu dừng lại và các chuyên gia khẳng định vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch. Hiện tại, nguồn nhân lực, vật lực y tế đang trong tình trạng quá tải. “Nếu đến đỉnh dịch thì nguồn lực này sẽ chống chọi ra sao, tăng trưởng kinh tế sẽ như thế nào sau đợt dịch vẫn là câu hỏi lớn mà chúng ta vẫn chưa thể trả lời một cách rõ ràng” - ĐB Phạm Trọng Nhân nói.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lo lắng về nguy cơ quá tải khi dịch COVID-19 đạt đỉnh |
ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng, trong đợt dịch này, các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm chưa cho thấy sự liên kết. Như tỉnh Bình Dương tới nay đã ban hành hơn 30 công văn gửi các tỉnh, thành phố từ Trung ra Bắc để kêu gọi sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, vật lực y tế trước những diễn biến nguy hiểm, khó lường của dịch bệnh. Nếu như các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước có sự liên kết chặt chẽ, sẽ tạo ra được cơ chế chia sẻ, điều phối nhân lực, vật lực.
Ông nói: “Từ nhân lực, vật lực y tế đến cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, mẫu số chung chính là vai trò của bộ phận tham mưu giúp Chính phủ điều phối tất cả các nguồn lực trong tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc”. Theo ông, nếu cấp Trung ương nắm được dữ liệu tổng nguồn lực để điều phối kịp thời, hợp lý thì các tỉnh không cần phải ra công văn hay thư ngỏ kêu gọi sự chi viện.
Bên cạnh đó, ĐB Phạm Trọng Nhân cũng đề nghị truyền thông, tập huấn, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để giải phóng lực lượng lớn trong đội ngũ y tế: “Lực lượng có chuyên môn lại phải đi làm những việc mà người dân có thể tự làm được (như lấy mẫu xét nghiệm), phải chăng đã sử dụng không hiệu quả nguồn lực hữu hạn?”.
Có chiến lược lâu dài
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) nhận định, dịch bệnh vẫn kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc ứng phó với dịch bệnh hiện nay vẫn mang tính ngắn hạn. Vì vậy, ông đề xuất, có các giải pháp lâu dài như một số quốc gia đã làm, vì COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất. Bên cạnh các giải pháp về vắc xin, xét nghiệm, điều trị bệnh, nâng cao trách nhiệm xã hội, cần có các giải pháp cụ thể để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh, như tòa án, viện kiểm sát, công an...
|
Dòng người chen chúc chờ tiêm vắc-xin COVID-19 tại Bệnh viện E (Hà Nội) mới đây gây nhiều lo ngại về lây lan dịch - Ảnh: Ngọc Linh |
Về nguồn lực tài chính cho công tác phóng, chống dịch bệnh, bên cạnh huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp vào quỹ vắc xin, ĐB Nguyễn Minh Tâm lưu ý, các cơ quan nhà nước cần hết sức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí: “Hiện nay, hiện tượng lãng phí vẫn còn phổ biến, nhiều công trình được xây dựng từ ngân sách nhà nước còn bỏ hoang hoặc hiệu quả thấp. Cử tri cho rằng, lãng phí cũng rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng”.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng bày tỏ sự đồng tình đưa nghị quyết về các biện pháp phòng, chống COVID-19 vào nghị quyết chung của chương trình kỳ họp, trong đó có những nội dung như đề xuất cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế hay đăng ký lưu hành, thử nghiệm lâm sàng thuốc, phát triển sản xuất vắc xin trong nước ngừa COVID-19...
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) phân tích, dù có những điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Dự trữ quốc gia nhưng rất cần có những biện pháp linh hoạt trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, bà đề nghị cần xác định cụ thể ba điểm: phạm vi điều chỉnh của nghị quyết này chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng, chống COVID-19; cần khống chế thời hạn nhất định; xác định cụ thể trách nhiệm, có biện pháp để ngăn ngừa trục lợi và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, hệ thống y tế cấp huyện còn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết như hệ thống oxy trung tâm, máy thở; nếu được đầu tư thì hiệu quả trong phối hợp, phân tầng điều trị sẽ tốt hơn. Bà nói thêm: “Dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, toàn hệ thống y tế, trong đó có hệ thống dự phòng đang chiến đấu hết mình từng phút, từng giây nhưng phụ cấp lại ít, thủ tục thanh quyết toán phức tạp, chế độ đãi ngộ có sự khác biệt giữa hệ dự phòng và hệ điều trị”.
Ký ba hợp đồng chuyển giao công nghệ vắc xin
Tại phiên thảo luận, làm rõ một số biện pháp phòng, chống COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã chi viện gần 7.000 người, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi cần.
Về chiến lược vắc xin COVID-19, dự kiến sẽ có 170 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Riêng trong tháng Bảy này, sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều được chuyển cho các địa phương đang có dịch và các địa phương khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, hiện đã có ba hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với Nga, Mỹ, Nhật. Trong đó, hợp đồng với Nga đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga. Trong tháng Tám, vắc xin sẽ được đóng ống tại Việt Nam để chuyển sang giai đoạn 2, chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
Hợp đồng chuyển giao công nghệ vắc xin với Mỹ sẽ được triển khai vào tháng Tám. Nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới hơn 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2022.
Sẽ có thêm gói hỗ trợ mới về thuế, phí
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, hiện nay, bộ được Thủ tướng Chính phủ giao và đang nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí. “Chúng tôi sẽ báo cáo với Chủ tịch QH, Thường vụ QH và Chính phủ để quyết định gói này, khoảng 24.000 tỷ đồng” - ông nói.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ chủ trương giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các khoản chi về hội họp, công tác phí, đồng thời nâng cao hiệu quả về đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm những dự án không hiệu quả và các dự án vay ưu đãi... để dồn kinh phí cho công tác chống dịch và tập trung cho đầu tư phát triển.
|
Minh Quang