Nước sông nhiễm mặn, môi trường ô nhiễm
Ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc Sawaco - thông tin, Sawaco có tổng công suất thiết kế 2,4 triệu m3 nước/ngày và công suất phát nước hiện nay khoảng 1,89 triệu m3/ngày, phục vụ cho 13 triệu người đang sinh sống và làm việc ở TPHCM với tổng chiều dài đường ống khoảng 11.000km.
|
Công nhân Sawaco làm vệ sinh định kỳ ở bể lắng của nhà máy nước Thủ Đức - Ảnh: Bích Đinh |
“Có lẽ, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước đảm bảo nước sạch đến với 100% hộ dân. Mỗi năm, dân số đô thị ngày càng tăng nên Sawaco phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo việc cấp nước ổn định. TPHCM hiện có 1,6 triệu đồng hồ nước và chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi hộ dân ở TPHCM có 1 đồng hồ nước. Chất lượng nước sinh hoạt hiện nay đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế” - ông Trần Quang Minh cho hay.
Theo ông, việc cung ứng nước sạch ở TPHCM đang đối mặt với một số thách thức, trong đó có tình trạng nhiễm mặn ở các dòng sông do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vào mùa khô. Hiện tại, 7 nhà máy nước của Sawaco sử dụng nước mặt (chiếm 95% tổng sản lượng), chỉ 1 nhà máy dùng nước ngầm. Ô nhiễm môi trường đô thị quanh các dòng sông cũng ngày càng tăng, áp lực nước cũng không đồng đều giữa các khu vực cũng là những vấn đề cần giải quyết.
Ông cũng cho biết, theo bản quy hoạch TPHCM trước đây, lượng nước sạch chỉ cung ứng cho 1 triệu dân ở trung tâm thành phố với công suất 450m3/ngày, nay phải cung ứng cho 13 triệu dân nên áp lực đối với hoạt động cấp nước rất lớn. Ngoài ra, giá nước sạch cũng là một thách thức, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh cũng như nguồn lực để đầu tư phát triển.
Cho rằng nước sạch đã đáp ứng nhu cầu cơ bản cho sự phát triển của TPHCM nhưng phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - vẫn trăn trở về vấn đề an ninh nguồn nước. Theo ông, Việt Nam có 8/13 sông lớn có đầu nguồn ở nước ngoài và nguồn nước mặt được sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng trữ lượng nước nên không chủ động được nguồn nước mặt. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố góp phần hủy hoại nguồn nước, như các chương trình phát triển, sự tăng nhanh và phân bổ không đều của dân số đô thị, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, trái quy luật thông thường.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - cho rằng, thừa nước hay thiếu nước đều là thảm họa, tác động trực tiếp đến sự phát triển của TPHCM. Theo ông, rủi ro về nguồn nước ở TPHCM hiện nay chưa lớn, mới chỉ là ngập úng và thiếu nước cục bộ, ngắn ngày. Tuy nhiên, các đơn vị cung ứng nước sạch và các cơ quan chức năng cũng cần chuẩn bị một số kịch bản để chủ động xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra.
|
Sawaco ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành việc sản xuất nước sạch ở nhà máy nước Tân Hiệp - Ảnh: Bích Đinh |
Điều chỉnh quy hoạch, khai thác hợp lý
Đối phó các thách thức, ông Trần Quang Minh cho biết, Sawaco đang trong quá trình của việc điều chỉnh quy hoạch cấp thoát nước toàn thành phố, xây dựng các hồ chứa để tăng trữ lượng nước, phối hợp chặt chẽ với ban quản lý hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng để xả mặn trong mùa khô. Bên cạnh việc xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, Sawaco cũng đang xây dựng trung tâm quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước.
Tiến sĩ Lê Thanh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - nêu giải pháp tăng cường thu gom, xử lý rác, nước thải ở các đô thị nhằm cải thiện môi trường nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Theo ông, hiện nay, chỉ có 20% nước thải đô thị được xử lý. Do đó, cần tăng cường hệ thống quan trắc môi trường để thu thập kịp thời các thông số và xây dựng hệ thống thông minh để xử lý, cảnh báo chất lượng nước.
Ông nói: “Cũng cần tăng cường giám sát toàn bộ lưu vực quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế phát triển các khu công nghiệp dọc tuyến sông, đầu tư hệ thống hạ tầng thu gom rác thải trong các khu dân cư. Mỗi doanh nghiệp cần tối ưu hóa việc phân phối, tái sử dụng nước, giáo dục nhân viên ý thức sử dụng nước tiết kiệm”.
Tiến sĩ, kỹ sư Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - đề xuất đẩy mạnh hợp tác công tư, tăng cường liên kết vùng trong quy hoạch cung ứng nước, tăng cường nghiên cứu khoa học trong ngành nước để nâng cao chất lượng nước sạch.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Viết Vũ - Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho hay, sở và Sawaco đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo đủ nước sạch để cung cấp cho người dân. Hiện nay, công suất khai thác nước mặt khoảng 2,1-2,3 triệu m3/ngày từ 2 nguồn chính là hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng, lượng nước ngầm được khai thác dưới 5%. Theo ông, nước là nguồn tài nguyên đặc biệt, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý, khoa học: “Hiện nay, chúng ta đang khai thác an toàn, dưới ngưỡng cho phép. Khi khai thác tốt, tới mùa mưa tiếp theo, nước sẽ được tái bổ sung”.
|
Ông Trần Quang Minh (bìa trái) - Tổng giám đốc Sawaco - và bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cảm ơn các chuyên gia dự hội thảo - Ảnh: Nguyễn Quang |
|
Quang cảnh hội thảo “Nước với đời sống: cung ứng, sử dụng và đối phó với thách thức” - Ảnh: Phùng Huy |
Cần nâng cao ý thức tiết kiệm nước
Thạc sĩ, kỹ sư Nguyễn Hoàng Mỹ Lan - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - phân tích, lượng nước sinh hoạt bình quân ở TPHCM khoảng 150 lít/người/ngày đêm. Tuy nhiên, lượng nước sinh hoạt bình quân ở một số huyện ngại thành còn rất thấp (Củ Chi 89 lít, Bình Chánh 117,6 lít, Hóc Môn 133 lít/người/ngày đêm). Theo bà, để sử dụng nước hiệu quả, bên cạnh việc điều chỉnh giá nước, cần khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, như tặng phiếu giảm giá hay trực tiếp giảm giá trên hóa đơn tiền nước nếu số lượng nước tiêu thụ trong tháng giảm.
Phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Thị Hồng Na - giảng viên chính môn kiến trúc, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, cần có những tiêu chuẩn trong thiết kế công trình để sử dụng nước hiệu quả. Cụ thể, việc thiết kế chung cư cao tầng cần theo hướng tiết kiệm nước từ bên ngoài lẫn bên trong. Bên ngoài công trình, cần bảo tồn tối đa hệ thống cây xanh hiện hữu, ưu tiên trồng cây bản địa, cây nhiều tầng, tán để giữ nước, chọn trồng các loài cây chịu hạn hoặc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Bên trong công trình, cần ưu tiên lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước.
Hội thảo là kênh để HĐND lắng nghe ý kiến chuyên gia
Bảo vệ nguồn nước là việc rất quan trọng, nhưng cần có sự đồng hành của người dân, của chính quyền các địa phương. Đến một lúc nào đó, nước ngầm là nguồn dự trữ nước quan trọng. Nếu không quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, an ninh nguồn nước sẽ rất nguy cấp. Tuy nhiên, vẫn có địa phương còn hàng ngàn giếng chưa được đóng, trám, vẫn còn nhiều gia đình chủ yếu dùng nước từ giếng khoan.
Hiện nay, chúng ta đã có giải pháp tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ nguồn nước, nhưng tuyên truyền có đúng đối tượng, có hiệu quả hay chưa? Thực tế, ở nông thôn, hệ thống thu gom rác đã rộng khắp nhưng một số hộ vẫn chọn cách chôn lấp. Hệ thống thu gom rác thải y tế, sinh hoạt có được kiểm soát? Vấn đề liên kết vùng để bảo vệ các dòng sông đã làm chặt chẽ chưa? Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến các đề án để phát triển, hiện đã triển khai nhưng lộ trình đi rất chậm… Đó là những vấn đề mà các bên liên quan cần bàn thêm. Hội thảo do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với Sawaco tổ chức là kênh để HĐND TPHCM nắm bắt, lắng nghe những phân tích, khuyến cáo từ các chuyên gia.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM
Cần đẩy mạnh truyền thông về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
An ninh nguồn nước có ý nghĩa rất lớn. Việc đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn, liên tục cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh là vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành cấp nước mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Thông qua hội thảo, đại diện các sở, ngành, các đơn vị có liên quan đã thông tin, phân tích để có bức tranh chung nhất, rõ nhất về tình hình cung ứng và sử dụng nước sạch ở TPHCM, đã đề xuất, hiến kế giải pháp cho những vấn đề này.
Chúng tôi mong rằng, những ý kiến hôm nay sẽ được tổng kết thành giải pháp, biến thành hành động, chính sách thiết thực cho công tác cung cấp nước sạch ở TPHCM. Báo Phụ nữ TPHCM sẽ tăng cường truyền thông để phụ nữ và người dân sử dụng nước hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước vì tương lai của con cái chúng ta, các thế hệ tiếp theo.
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM
Xây dựng văn hóa ứng xử với nước
Israel là quốc gia gần như không có nước nhưng lại có nền nông nghiệp đứng đầu thế giới. Họ tái sử dụng nguồn nước bằng mọi cách. Đó là thành quả của văn hóa nước mà người Israel đã xây dựng. Trong trường học, họ dạy trẻ con rằng, Israel không có giọt nước nào nhưng phải trở thành quốc gia được mọi người kính nể về dự trữ nguồn nước. Từ đó, mỗi gia đình, mỗi người dân đều nghĩ cách sử dụng nước phù hợp. Ngoài phát minh hệ thống tưới nhỏ giọt, người Israel còn dùng màu sơn khác nhau cho các đường ống, trụ nước trên đường, nơi công cộng để phân biệt nước uống, nước tưới cây, nước chữa cháy. Thiết bị sử dụng nước trong mỗi gia đình là những vòi tự ngắt sau 15 giây để nhắc mọi người luôn có ý thức tiết kiệm nước.
Lấy cảm hứng từ văn hóa sử dụng nước của người Israel, nhiều nơi trên thế giới cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đa số người Việt đang rất dễ dãi với nguồn nước, chưa có ý
thức tiết kiệm nước. Giá nước quá rẻ là một trong những nguyên nhân khiến người ta chưa hình thành thói quen tiết kiệm nước. Giá nước sinh hoạt ở Việt Nam đang thấp hơn Singapore 4 lần. Do đó, để nâng cao ý
thức tiết kiệm nước, trước tiên, tiền nước phải cao. Tăng giá nước sinh hoạt giúp tiết kiệm nước, giúp công ty cấp nước đảm bảo được thu nhập của người lao động, tái đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao chất lượng
nguồn nước, có nguồn lực để xây dựng văn hóa nước.
Phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên (Trường đại học Nguyễn Tất Thành)
Cần xây dựng mô hình nước uống công cộng
Nước đun sôi để nguội là nguồn nước uống phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, phương pháp này không loại bỏ được cặn bẩn và các chất độc hại có trong nước máy. Nước sẽ bị tái nhiễm khuẩn khi để lâu ngoài trời (2-3 giờ trở lên).
Nước sạch công cộng cho khách du lịch và người dân hiện nay gồm nước đóng chai và nước máy được lọc và lưu trữ, có thể uống trực tiếp từ vòi. Tuy nhiên, nước đóng chai thì phải mua và do nhu cầu rất cao nên lượng rác thải cũng rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng các trụ nước uống công cộng, uống trực tiếp tại vòi không chỉ cung cấp nước sạch ổn định, an toàn mà còn là giải pháp thân thiện môi trường, đảm bảo vệ sinh. Đây là mô hình rất cần thiết ở đô thị lớn. Tôi nghĩ, TPHCM có thể đặt mục tiêu thí điểm lắp đặt 1.500-2.000 trụ nước đến năm 2025.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM)
Thiên Ân - Nguyệt Minh