Ứng phó biến đổi khí hậu: Phụ nữ chưa được tính đến trong hoạch định chính sách

03/06/2022 - 06:49

PNO - Biến đổi khí hậu tác động lớn đến mọi mặt xã hội và môi trường, đặc biệt là sức khỏe, không khí, nước sạch, thực phẩm và nơi ở an toàn. Phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhiều nguy cơ đối với phụ nữ, trẻ em 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến trong giai đoạn 2030 - 2050, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm khoảng 250.000 ca tử vong/năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và nhiệt độ nóng lên. Thiệt hại trực tiếp đối với sức khỏe ước tính khoảng 2 - 4 tỷ USD/năm vào năm 2030. Hơn 930 triệu người (tương đương 12% dân số thế giới) phải dành ít nhất 10% ngân sách gia đình chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe. 

Nông dân bên cánh đồng khô cằn, hạn hán của mình ở Kyrgyzstan  - ẢNH: DANIL USMANOV
Nông dân bên cánh đồng khô cằn, hạn hán của mình ở Kyrgyzstan - Ảnh: Danil Usmanov 

Pakistan là một trong mười quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Trao đổi với AFP, Muhammad Saleem - người phát ngôn của Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan - cho biết, phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm không khí, khan hiếm lương thực, dịch bệnh và thiên tai với tần suất và cường độ ngày càng cao hơn. “Phụ nữ và trẻ em có nhiều nguy cơ lâm vào cảnh nghèo đói hơn nam giới, ít được tiếp cận với các quyền cơ bản như tự do di trú, sử dụng đất đai và đối mặt với bạo lực có hệ thống đang gia tăng”, ông nói. 

Các nhà khoa học kết luận phụ nữ nói chung có ít tiền hơn, ít cơ hội hơn và không được các nhà hoạch định chính sách vốn là nam giới ưu tiên trong thích ứng với khí hậu. Ủy ban Liên minh chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) phát hiện rằng bất bình đẳng giới ngày càng lớn bởi các hiểm họa liên quan đến khí hậu. Vì chúng dẫn đến khối lượng công việc cao hơn đối với phụ nữ, các nguy cơ nghề nghiệp trong và ngoài trời, tâm lý và tình cảm căng thẳng, cũng như tỷ lệ tử vong cao hơn so với nam giới.

Thiếu nghiên cứu khiến hậu quả tệ hơn 

Gần đây, nhiều nhà khoa học đã tổ chức biểu tình về khí hậu trên toàn cầu. Peter Kalmus - nhà nghiên cứu các hệ thống sinh học và biến đổi khí hậu tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy phản lực của Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) - nói: “Chúng tôi đã cố gắng cảnh báo trong nhiều thập niên rằng thế giới đang tiến tới thảm họa nhưng đều đã bị phớt lờ. Nhưng chắc các nhà khoa học không nói đùa, không hề phóng đại”. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ngay sau khi báo cáo của IPCC được công bố đầu tháng 4/2022 kết luận rằng: Thế giới phải giảm phát thải tối đa trong chưa đầy ba năm tới để có cơ hội giữ sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,50C. 

Một nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Central Asian Survey cho thấy, việc thiếu nghiên cứu về các mô hình và khả năng giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Trung Á - một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất trên trái đất - đã khiến nhiệt độ ở đây tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Tình trạng này kéo theo hàng loạt vấn đề, bao gồm băng tan, dòng chảy của sông không ổn định và đất đai ngày càng khô cằn. Khoảng trống về nghiên cứu là nguy cơ cản trở khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc giải quyết những thách thức như trên. 

Một bài báo vừa đăng trên tạp chí khoa học BioScience bởi các nhà khoa học hàng đầu lập luận rằng: Để giải quyết hiệu quả và công bằng các vấn đề khẩn cấp trên hành tinh, điều quan trọng là phải kích hoạt những thay đổi sâu sắc và khẩn cấp về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tác giả cảnh báo rằng, các thay đổi để cải thiện môi sinh lại đang bị hạn chế bởi các chính sách phát triển về kinh tế, xã hội hiện có. 

 Nam Anh (theo WHO, Daily Times, Eurasianet)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI