Ủng hộ không có nghĩa là khuyến khích mại dâm

25/04/2018 - 16:00

PNO - Mà đó là sự chọn lựa nhằm ngăn chặn, phòng ngừa những tác động tiêu cực tiềm ẩn, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, tạo điều kiện cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng...

Xã hội phát triển, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có luật về mại dâm là cần thiết. Tuy nhiên, trước tính chất phức tạp và ảnh hưởng của mại dâm đến đời sống xã hội, ứng xử nào đối với vấn đề này cũng cần có một cách nhìn đa chiều.

Tìm kiếm sự vững bền

Giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối mại dâm, cần phân biệt rõ: ủng hộ không đồng nghĩa với khuyến khích phát triển mại dâm, mà đó là sự chọn lựa nhằm ngăn chặn, phòng ngừa những tác động tiêu cực tiềm ẩn, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, tạo điều kiện cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng, thuận lợi hơn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, sức khỏe và giảm thiểu tác hại lây nhiễm các bệnh liên quan đến tình dục và HIV/AIDS.

Ung ho khong co nghia la khuyen khich mai dam
 

Ở phía ngược lại, ta phản đối vì cho rằng, sự trỗi dậy của mại dâm là dấu hiệu của khủng hoảng xã hội về giá trị văn hóa truyền thống, ta không đồng tình với việc “lười lao động, bán thân nuôi miệng”. Đó còn là sự chống lại các hành vi tình dục lệch lạc. Khi sự chung thủy luôn được xã hội đề cao thì không một người phụ nữ hay đàn ông nào đã có gia đình lại muốn sở hữu một tình yêu không trọn vẹn.

Như vậy, dù đồng tình hay phản đối mại dâm, chúng ta đều mong muốn mọi việc được kiểm soát tốt hơn, trên hành trình phát triển bền vững.

Khi lịch sử đặt lại vấn đề 

Mại dâm được rất ít nước trên thế giới công nhận là nghề. Trong một chừng mực nhất định, việc thừa nhận mại dâm là một nghề hợp pháp có thể hỗ trợ cải thiện một phần địa vị pháp lý của người bán dâm, đem lại nguồn thu cho nhà nước và khiến “ngành công nghiệp tình dục” dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, việc hợp pháp hóa mại dâm tại một số điểm tập trung như ở Thái Lan, Hà Lan cũng gây ra nhiều hệ lụy to lớn như: những chi phí và rủi ro liên quan đến kinh tế, an ninh, nạn buôn người, bóc lột “lao động tình dục”, đe dọa sức khỏe đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Thụy Điển, từ một nước đi tiên phong trong việc hợp pháp hóa mại dâm, sau hơn 30 năm kinh nghiệm, Quốc hội nước này đã phải xét lại - coi mại dâm là bất hợp pháp. Nguyên nhân được xác định là do không thể kiểm soát nổi việc hợp pháp hóa mại dâm và những tổn thất về giá trị đạo đức xã hội không đáng có. Trong lịch sử Việt Nam, mại dâm chưa bao giờ được thừa nhận là một bộ phận thuộc thành phần kinh tế. Mục tiêu sau cùng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội mở ra các diễn đàn, tìm kiếm giải pháp, hướng đến xác lập luật về mại dâm cũng không nhằm mục tiêu thu, tăng ngân sách.

Ung ho khong co nghia la khuyen khich mai dam
Ảnh minh họa

Đâu là lựa chọn bền vững?

Rõ ràng, mại dâm là vấn đề xã hội và chúng ta cần phải rạch ròi giữa việc hợp pháp hóa mại dâm qua luật về mại dâm với việc cổ xúy phát triển “nghề mại dâm”, xem đó là một phần tất yếu của nền kinh tế xã hội. Phi hình sự hóa mại dâm là một xu hướng trong xã hội ngày nay và người tham gia hoạt động mại dâm cũng cần thực hành nghĩa vụ tôn trọng và tham gia bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như các giá trị của cộng đồng xã hội một cách hợp lý nhất.

Hướng đến việc cho ra đời luật về mại dâm để phục vụ hoạt động tổ chức, quản lý, điều tiết các quan hệ xã hội phù hợp với các quan hệ kinh tế xã hội đất nước cũng là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Bài học từ Thụy Điển cho thấy hiệu quả nhất định khi dự thảo luật năm 1995 xác định bán dâm không phạm luật, nhưng mua dâm lại là bất hợp pháp trước khi hoạt động mại dâm chính thức được coi là bất hợp pháp vào năm 1998.

Cần nhìn nhận tình dục là vấn đề nghiêm túc và bình đẳng. Để kiểm soát tốt hơn những rủi ro, hệ lụy từ mại dâm thì ý thức và sự tham gia phòng ngừa, giảm hại trong mỗi cá nhân và cộng đồng cần tiếp tục được nâng cao, thông qua các chương trình truyền thông và những hoạt động thiết thực. Thu hẹp sự kỳ thị bằng lòng bao dung và trách nhiệm xã hội đối với mại dâm cũng là cách đóng góp hiệu quả hơn trong việc phòng ngừa và giảm hại. Hỗ trợ, tạo điều kiện để những người đã hoặc muốn từ bỏ mại dâm được đối xử bình đẳng và tái hòa nhập cộng đồng. Những tội danh liên quan đến mại dâm cũng cần xử lý theo pháp luật, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

 Tiến sĩ VŨ TOẢN 
(Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI