Ngày 26/7, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - cho biết vừa tiếp nhận bé gái N.T.A.L., 4 tuổi, bị dị vật âm đạo nhưng bệnh viện trước đó chẩn đoán không ra.
Người nhà bé L. kể, bé được bệnh viện ở huyện chẩn đoán viêm âm đạo và cho uống thuốc trong thời gian dài nhưng không đỡ. Sau đó, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng vùng âm đạo, âm hộ viêm đỏ, tiết dịch rất hôi.
Qua thăm khám và siêu âm bụng, bác sĩ nghi ngờ bé L. bị viêm âm đạo kéo dài do dị vật.
Bé gái từ 3-6 tuổi thường rất hiếu động, tò mò nên phụ huynh phải nghĩ đến khả năng bé bị dị vật âm đạo khi trẻ có dấu hiệu viêm âm đạo kéo dài.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi âm đạo để tìm dị vật và phát hiện có mảnh bông gòn dính vào thành âm đạo của bé L.. Đây là nguyên nhân khiến bé bị viêm đỏ, nhiều mủ đục, hôi. Sau khi được bác sĩ lấy dị vật, bơm rửa âm đạo, bệnh nhi đã ổn định và xuất viện.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo: với những trường hợp nghi ngờ dị vật âm đạo ở trẻ gái, nội soi âm đạo thám sát và gắp dị vật là tốt nhất vì giúp quan sát rõ bên trong. Ống nội soi phải là ống nhỏ để tránh gây tổn hại và rách các mô mềm xung quanh (nhất là màng trinh của bé).
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dị vật sẽ gây viêm nhiễm, chảy máu âm đạo kéo dài ở trẻ; tổn thương thành âm đạo, âm đạo, cổ tử cung. Thậm chí, bệnh nhi bị nhiễm trùng nặng sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.
Trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã gắp nhiều dị vật âm đạo ở trẻ gái như hột nút áo, cục bông gòn, viên bi, hạt trái cây, lõi bút chì. Nguyên do có thể bé gái nghịch ngợm và hiếu kỳ nên nhét dị vật vào âm đạo; cũng có khi do trẻ vô tình bị ngã hoặc ngồi vào vật có đầu nhọn.
Một số dấu hiệu có thể trẻ bị dị vật âm đạo
Âm đạo bài xuất ra lượng lớn chất tiết bẩn, nặng mùi, kéo dài, tái diễn.
Âm đạo và âm hộ sưng tấy đỏ, có biểu hiện của tình trạng viêm âm hộ, âm đạo nói chung.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, gia đình cần đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ nội soi gắp dị vật.