Ứng dụng gọi xe nào sẽ bị gỡ khỏi điện thoại người dùng Việt?

09/12/2018 - 06:00

PNO - Uber ‘dứt áo ra đi’ nhường thế độc quyền cho Grab trong mảng gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Grab bắt đầu đối mặt với cạnh tranh khi hàng loạt thương hiệu đặt xe công nghệ xuất hiện liên tục.

Báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek vừa công bố cho thấy, Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á ở thị trường gọi xe trực tuyến (gồm mảng gọi xe để di chuyển và gọi thức ăn), với quy mô 500 triệu USD, sau Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Ung dung goi xe nao se bi go khoi dien thoai nguoi dung Viet?
Miếng bánh gọi xe trực tuyến 500 triệu USD đang nóng

Nghĩa là các ứng dụng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đang chia nhau miếng bánh thị phần lên tới 500 triệu USD. Sau khi Uber ra đi, cuộc rượt đuổi giữa các thương hiệu đặt xe trực tuyến tại Việt Nam đã bị Grab bỏ xa. Hàng loạt doanh nghiệp mới ra đời, sự cựa quậy của các hãng taxi truyền thống cũng không mang lại sự đe dọa đối với Grab đang chiếm lĩnh thị trường. 

Cho đến khi Go-Viet của Go-Jek thực hiện những chiến dịch truyền thông giống hệt đường đi nước bước mà trước đây Grab thực hiện để đối đầu với Uber. Go-Viet tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi với mức ưu đãi tối ưu, thu hút sự quan tâm của người dùng. 

Chỉ sau 3 ngày “tuyên chiến” với Grab ở TP.HCM, Go-Viet tuyên bố đã chiếm lĩnh 10% thị phần. Sau 3 tháng, Go-Viet công bố đã chiếm được 35% thị phần và tiếp tục “tung quân” ra Hà Nội để tiếp tục xâm chiếm thị phần độc quyền của Grab.

Khi hai đại gia Go-Viet và Grab đua nhau đốt tiền để giành thị phần, doanh nghiệp Việt chỉ biết đứng nhìn vì không đủ tiềm lực tài chính. Thị trường gọi xe công nghệ ở TP.HCM đang phủ đầy sắc đỏ (màu nhận diện của thương hiệu Go-Việt) và sắc xanh (Grab), ở đó sắc đỏ như vết dầu loang đang lấn dần sắc xanh.

Thắng lợi ban đầu này của Go-Viet còn do sự chủ quan của Grab sau khoảng thời gian thôn tính Uber Đông Nam Á. Grab mạnh tay tăng giá vào giờ cao điểm, buộc tài xế phải chấp nhận mức chiết khấu cao trên 28%. Trái lại, hãng cũng từng thừa nhận việc không thể quản lý tốt đội ngũ tài xế sau khi sáp nhập, dẫn đến các tình huống phàn nàn của khách hàng.

Ung dung goi xe nao se bi go khoi dien thoai nguoi dung Viet?
Grab đang bị Go-Viet đuổi theo sau

Sự có mặt của Go-Viet khiến Grab phải nhìn nhận lại chiến lược móc túi khách hàng thời gian qua và nền tảng dịch vụ xuất hiện nhiều lỗ hổng. 

Đằng sau chiến dịch tranh giành thị phần khốc liệt, thu hút khách hàng và tài xế, thì chính các hãng gọi xe công nghệ đang thu lợi trở lại từ khách hàng và tài xế. 

Với khách hàng, họ đến với các thương hiệu gọi xe công nghệ mới vì giá rẻ, khuyến mãi khủng thì cũng có thể bỏ đi khi chiến dịch thu hút chấm dứt. Khi thị trường xe ôm công nghệ trở thành “cái chợ” - nơi mà khách hàng và cả đối tác đều không duy trì trạng thái “trung thành”, thì việc chiếm lĩnh thị trường cũng như thị phần sẽ quyết định bởi con số khách hàng/đối tác tải và sử dụng ứng dụng.

Khách hàng sẵn sàng gỡ ngay ứng dụng đặt xe đang có trên điện thoại, khi cảm thấy thiếu cảm tình, bức xúc vì sai sót của hãng, và thoải mái tải ứng dụng của thương hiệu khác để dùng. Và họ cũng có thể trở lại với ứng dụng cũ khi cảm thấy phù hợp và đã đối chiếu thỏa đáng.

Phía đối tác của các hãng xe công nghệ cũng có thể mạnh tay khóa ứng dụng này, mở ứng dụng kia để chạy xe khi vắng khách, khó nổ cuốc…

Lợi thế để trụ lại lâu bền chính là chất lượng dịch vụ. Thực tế chứng minh, thị trường nào cũng chỉ tồn tại khoảng 2-3 thương hiệu để người dùng lựa chọn. Người dùng không thể cài 5-7 app đặt xe công nghệ trên máy vì không cần thiết, mà họ thường dùng khoảng 2-3 app.

Nếu dịch vụ của thương hiệu nào đảm bảo được chất lượng và hiệu quả sau khoảng thời gian tung chiêu truyền thông, phục vụ tốt cho người dùng, đảm bảo quyền lợi của tài xế, thì app của hãng đó mới có thể ‘trụ lại’ trong smartphone của hàng triệu người Việt. Còn nếu không, phải chấp nhận chuyện đào thải.

Ngày 3/12, ứng dụng đặt xe công nghệ mới mang tên be với đồng phục màu vàng sọc xanh mở tuyển dụng tài xế tại một văn phòng ở quận 2, TP.HCM. be được xem là ứng dụng thuần đặt xe khi chỉ duy trì 2 dịch vụ beBike (đặt xe 2 bánh) và beCar (đặt xe 4 bánh).

Ung dung goi xe nao se bi go khoi dien thoai nguoi dung Viet?
Ứng dụng gọi xe be đang được nhiều tài xế tại TP.HCM chú ý.

Tại Hà Nội, ứng dụng Nowmoto ra mắt thị trường, chọn lọc tài xế sử dụng các xe máy đời mới để chở khách với ưu đãi chỉ 5.000 đồng/cuốc. Đây là dịch vụ mở rộng của Now.vn (thuộc Foody), được biết đến lâu nay với ứng dụng giao đồ ăn.

Trước đó, FastGo ra đời hồi tháng 6 ở Hà Nội và triển khai tại TP.HCM đầu tháng 8, với tham vọng có 20.000 tài xế trong 2 năm tới. 

Sau khi MaiLinh Bike ra đời cuối năm 2017, đến đầu tháng 4/2018, doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang chi 100 triệu USD mua lại ứng dụng gọi xe Vivu và đổi thành Vato.

Ngoài ra thị trường từng có sự góp mặt của Tnet, Aber...

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI