Ứng dụng dao siêu âm trong phẫu thuật thẩm mỹ

05/06/2022 - 08:02

PNO - Sau sáu tháng theo dõi kết quả các khách hàng được phẫu thuật thẩm mỹ bằng dao siêu âm, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có những hồi cứu, từ đó cho thấy rất cần thiết để áp dụng loại dao này trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ở các vùng nhiều mô mềm. Phụ nữ Chủ nhật TPHCM đã trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh - Quản lý và Điều hành Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - để giải đáp rõ hơn cho bạn đọc những ưu việt của dao siêu âm trong lĩnh vực này.

 

Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh đang tư vấn trước một ca phẫu thuật thẩm mỹ bằng dao siêu âm - ẢNH: T.A.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh đang tư vấn trước một ca phẫu thuật thẩm mỹ bằng dao siêu âm - Ảnh: T.A.

*Phóng viên: Thưa bác sĩ, có bao nhiêu loại dao được dùng trong phẫu thuật? Tính năng, ưu/nhược điểm của từng loại dao mổ này như thế nào?

-Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh: Dao mổ là phương tiện bắt buộc phải có trong các cuộc phẫu thuật. Mỗi loại dao mổ có ưu nhược điểm khác nhau, phẫu thuật viên sẽ lựa chọn dựa trên sự cân nhắc về độ sắc bén khi cắt mô, khả năng cầm máu, sự tổn thương tới các mô xung quanh và độ an toàn cho bệnh nhân cũng như người mổ khi tiến hành.

Ban đầu, dao dùng trong phẫu thuật được làm từ đồng, sau đó là sắt. Hiện dao sắt vẫn đang được sử dụng trong các cuộc mổ để rạch da. Tiếp đến là dao điện. Dao điện được chia làm hai loại: đơn cực (dòng điện một chiều) và lưỡng cực (dòng điện xoay chiều). Đối với dao điện đơn cực, dòng điện trở về máy phát qua người bệnh nhân đến điện cực thu hồi trên người bệnh nhân hoàn tất mạch điện. Còn dao điện lưỡng cực hoạt động theo nguyên lý dòng điện chỉ đi giữa hai điện cực là hai đầu của dao mổ (một đầu là điện cực dương, đầu còn lại là điện cực âm) và qua mô được kẹp bởi hai đầu dao mổ.

Ưu điểm của dao điện là cầm máu tốt, chi phí rẻ, độ an toàn đã được kiểm chứng ở mức độ chấp nhận được nên hiện vẫn là loại dao phổ thông được dùng trong tất cả bệnh viện. Tuy nhiên, dao điện đôi khi vẫn còn một vài hạn chế: lúc đốt mô có khói bốc lên (phải hút khói, nếu phẫu thuật viên hít phải khói này thường xuyên sẽ vô cùng độc hại). Ngoài ra, dao điện còn có thể gây tổn thương những mô xung quanh (phỏng) do ảnh hưởng bởi nhiệt độ nên quá trình hồi phục của bệnh nhân vì thế lâu lành, sẹo không đẹp.

Kế đến còn có các loại dao cắt đốt bằng sóng RF nhưng bị hạn chế một số chức năng, dao laser lại không mạnh về cầm máu. Tiếp theo là dao plasma không gây tổn thương mô xung quanh do mức năng lượng thấp nhưng công suất để cắt mô không cao, chủ yếu được dùng ở phần bề mặt khi phẫu thuật. Chính vậy, ở nước ta, dao plasma vẫn chưa thực sự phổ biến. Công nghệ plasma hiện đang được ứng dụng nhiều trong làm đẹp da. Một số đơn vị cũng đang áp dụng dao plasma trong phẫu thuật tai mũi họng (mổ amidan).

Cuối cùng là dao siêu âm. Trong lịch sử y học, một số nhà vật lý đã nghiên cứu về dao siêu âm từ khoảng năm 1880 nhưng thiết bị này chưa được phổ biến rộng rãi. Dao siêu âm hoạt động như một chiếc kềm kẹp mô lại rồi dùng sóng siêu âm đánh liên tục với tần số 55.500 vòng/giây. Khi bị sóng siêu âm đánh như vậy, dịch nội mô sẽ sôi lên (bốc hơi chứ không bốc khói như dao điện), từ đó mô sẽ tự tách rời.

Vì không bốc khói nên không cần hút khói trong quá trình tiến hành phẫu thuật, về lâu dài an toàn cho sức khỏe phẫu thuật viên. Hơn nữa, dao siêu âm còn vừa cắt mô vừa cầm máu (không như các loại dao khác cắt mô xong mới cầm máu) nên phẫu trường lúc nào cũng sạch, rõ. Hoạt động cắt và cầm máu cùng lúc của dao siêu âm dựa trên sự truyền cơ học của sóng âm từ một nguồn năng lượng qua một chất trung gian đến đầu lưỡi dao.

Ưu điểm của dao siêu âm là hoàn toàn không có dòng điện qua người bệnh nhân. Nhiệt được tạo ra khi sử dụng dao siêu âm là do sự ma sát mô bên trong, khi mô chuyển động với tần số cao, nên dưới 1000C, giảm thiểu tổn thương lan tỏa sang hai bên. Điều này cho thấy có thể sử dụng dao siêu âm để phẫu thuật ở các vị trí quan trọng cần độ chính xác cao và hạn chế tối đa sự tổn thương vùng mô lân cận.

Vì những ưu điểm trên, từ lâu, dao siêu âm đã được lựa chọn trong phẫu thuật tuyến giáp và mổ cho bệnh nhân ung thư vú (bởi mô ung thư chảy máu rất nhiều).

* Tại sao dao siêu âm có nhiều tính năng tốt mà chưa được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật thẩm mỹ?

- Rào cản đầu tiên chính là giá thành. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, một lưỡi dao siêu âm chỉ dùng cho một lần mổ. Dù ta cố gắng tiết kiệm thì nhiều nhất cũng tới lần thứ tư là dao sẽ bị hỏng linh kiện và không tái sử dụng được nữa. Vì dao siêu âm dùng được cho rất nhiều chuyên khoa nên nếu các bệnh viện đa khoa trang bị thì sẽ lợi hơn bệnh viện chuyên khoa. Chẳng hạn Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đầu tư dao siêu âm thì nhiều chuyên khoa khác cùng sử dụng được, đem lại lợi ích về điều trị và cả tính kinh tế.

Còn nếu bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ đầu tư hệ thống dao siêu âm thì lại hơi lãng phí. Dao siêu âm có rất nhiều loại, mỗi loại có một đầu cắt khác nhau. Ví dụ Khoa Tạo hình thẩm mỹ chúng tôi có thể sử dụng chung đầu cắt với ê-kíp phẫu thuật ung thư vú của bệnh viện. Nhờ thế, giá thành sử dụng loại dao này cho mỗi ca mổ cũng trở nên hợp lý hơn, người bệnh dễ tiếp cận hơn.

* Khoa Tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện đã có nghiên cứu trên các khách hàng được phẫu thuật bằng dao siêu âm trong sáu tháng vừa qua. Bác sĩ có thể kể chi tiết hơn về những kết quả hồi cứu mà đơn vị ghi nhận được?

- Chúng tôi làm một nghiên cứu trên 30 khách hàng. Những khách hàng này đã được tư vấn và quyết định sử dụng kỹ thuật phẫu thuật bằng dao siêu âm với chi phí tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/ca so với mổ theo cách truyền thống. Chúng tôi sử dụng dao siêu âm để mổ thu nhỏ phì đại tuyến vú và cắt da mỡ thừa vùng bụng do những vị trí phẫu thuật này nhiều mô mềm, nguy cơ chảy máu cao.

Những ca phẫu thuật thu gọn tuyến vú trước đây mất khoảng bốn giờ cho hai bên và bệnh nhân phải đặt ống dẫn lưu, nằm viện khoảng 48 giờ thì nay, khi cắt bằng dao siêu âm, họ không cần đặt ống dẫn lưu. Bên cạnh đó, thời gian nằm viện cũng rút ngắn, chỉ cần hậu phẫu ổn định là được băng vết mổ về ngay trong ngày. Đối với một cơ sở y tế lớn, thời gian nằm viện được rút ngắn có ý nghĩa rất lớn, góp phần giảm tải. 30 bệnh nhân nói trên hồi phục sức khỏe rất nhanh sau phẫu thuật, lành thương tốt, sẹo đẹp… Tất cả đều rất hài lòng.

Chính từ những lợi ích (cầm máu tốt, không gây tổn thương các mô xung quanh, an toàn cho phẫu thuật viên và người bệnh, sẹo đẹp, rút ngắn thời gian nằm viện…), chúng tôi nhận thấy rất cần thiết để đưa dao mổ siêu âm vào quy trình như một thường quy đối với các ca phẫu thuật vùng mô mềm ở tất cả các bệnh viện đa khoa. Sắp tới, Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ xây dựng quy trình chung về dùng dao siêu âm khi tiến hành phẫu thuật những vị trí có nguy cơ chảy máu nhiều. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI