Ứng dụng công nghệ thông tin vì người bệnh

30/10/2022 - 05:24

PNO - Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối luôn là nỗi nhức nhối cho người dân và ngành y tế. Vì thế, các bệnh viện công đang cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian khám bệnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

Đặt khám qua ứng dụng giúp giảm 60 phút chờ đợi

Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Hữu Hào - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết đơn vị đã triển khai ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh khoảng vài tuần nay. Hoạt động này nhằm giảm bớt tình trạng quá tải, tiết kiệm thời gian chờ đợi cho mọi người. Điều đặc biệt là ứng dụng khám chữa bệnh nói trên do chính các chuyên gia, kỹ thuật viên công nghệ thông tin của bệnh viện thực hiện dưới sự hỗ trợ của một đơn vị đồng hành. Theo bác sĩ Hào, nhân sự công nghệ thông tin của Bệnh viện Nhân dân Gia Định gồm chín người đã đóng góp rất lớn cho công cuộc chuyển đổi số của bệnh viện. 

Bác sĩ Hào cho rằng, việc chủ động thực hiện ứng dụng khám chữa bệnh giúp bệnh viện có nhiều lợi thế hơn. “Chuyên gia và kỹ thuật viên công nghệ thông tin của bệnh viện hiểu được quy mô đơn vị cần gì. Các đơn vị bên ngoài có thể đã từng làm app (ứng dụng) cho nhiều bệnh viện nhưng mỗi bệnh viện lại có một quy mô khác nhau. Do đó, người ngoài sẽ không tường tận các đặc điểm riêng của đơn vị” - bác sĩ Hào nói.

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám hơn 4.000 lượt bệnh nhân. Ước tính nếu người bệnh sử dụng app đăng ký khám chữa bệnh sẽ rút ngắn khoảng 60 phút chờ đợi.

Bên cạnh đó, app này còn tích hợp tính năng thanh toán qua ngân hàng. Đầu tiên, bệnh nhân tải app về điện thoại. Tiếp theo, bệnh nhân chọn khung giờ khám bệnh phù hợp, lựa chọn chuyên khoa, có thể đặt bác sĩ yêu thích. Sau khi lựa chọn hết các hạng mục, ứng dụng sẽ hiện ra phiếu khám bệnh thể hiện rõ các nội dung: ngày giờ khám, số thứ tự, thông tin bác sĩ, chuyên khoa, phòng khám, lệ phí... Nhờ đó, bệnh nhân chủ động được chi phí khám bệnh, khi đến bệnh viện không cần lấy số, xếp hàng và mang nhiều tiền mặt để phòng hờ như trước đây.

Tương tự, Bệnh viện Mắt TPHCM cũng vừa triển khai ứng dụng đặt lịch khám bệnh và thanh toán viện phí trực tuyến. Đây là một trong những hoạt động của bệnh viện nhằm hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia. Khi sử dụng ứng dụng này, bệnh nhân có thể lựa chọn ngày, bác sĩ khám bệnh và các gói dịch vụ đi kèm, thanh toán trực tuyến viện phí. Nhờ vậy, bệnh nhân chỉ cần tới trước giờ khám bệnh 15 phút.

Việc triển khai ứng dụng đặt lịch khám và thanh toán viện phí giúp giảm bớt tình trạng quá tải, hạn chế lây nhiễm chéo, loại bỏ bớt những thủ tục hành chính rườm rà, tiết kiệm thời gian cho mọi người. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng biết trước chi phí khám bệnh, thanh toán luôn từ trước, có sự chủ động về tiền bạc từ trước khi đến bệnh viện.

Được biết, thời gian tới, Bệnh viện Mắt TPHCM còn triển khai tính năng tra cứu hóa đơn điện tử ngay trên ứng dụng.

Thanh toán không dùng tiền mặt

Đặt lịch khám qua ứng dụng của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân tiết kiệm được 60 phút chờ đợi - ẢNH: B.H.
Đặt lịch khám qua ứng dụng của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân tiết kiệm được 60 phút chờ đợi - Ảnh: B.H.

Đầu tư vào công nghệ thông tin phục vụ khám chữa bệnh đang là xu thế của rất nhiều bệnh viện công lập. Một trong số đó là dự án Thanh toán khám chữa bệnh không dùng tiền mặt, chính thức triển khai tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh từ giữa tháng 9/2022. Đây là một trong những mục tiêu của kế hoạch chuyển đổi số được bệnh viện đặt ra nhằm hạn chế tối đa các thủ tục hành chính, từ đó giảm thiểu sự phiền hà cho người dân. Thay vì xếp hàng chờ đến lượt thanh toán như trước kia, bây giờ, sau khi có thông tin về viện phí, bệnh nhân chỉ cần thao tác bằng tài khoản ngân hàng trên điện thoại hoặc máy cà thẻ ngân hàng di động là hoàn tất thủ tục.

Trước mắt, dự án Thanh toán khám chữa bệnh không dùng tiền mặt được triển khai thí điểm tại Khoa Khám theo yêu cầu. Sau mỗi quý, bệnh viện sẽ họp để đánh giá lại nhằm cải tiến dịch vụ tốt hơn nữa. Dự kiến vào quý II/2023, dự án này sẽ được triển khai tại tất cả các khoa trong bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã bố trí một đội ngũ tại Khoa Khám chữa bệnh để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ. 

Theo Sở Y tế TPHCM, có năm nhóm hoạt động chính của ngành y tế thành phố khi xây dựng y tế thông minh. Nhóm 1 là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đóng góp cho dữ liệu lớn của thành phố; nhóm 2 là triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; nhóm 3 là triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển chuyên môn và công tác quản trị bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện; nhóm 4 là triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế; nhóm 5 là triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong thời kỳ COVID-19 và trong bối cảnh bình thường mới.

Trong lộ trình thực hiện đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, ngành y tế TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu: triển khai robot phẫu thuật Da Vinci của Bệnh viện Bình Dân; triển khai robot phẫu thuật thần kinh Modus V Synaptive của Bệnh viện Nhân dân 115; ứng dụng trí tuệ nhân tạo phần mềm “RAPID” dùng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115; ứng dụng trí tuệ nhân tạo phần mềm “IBM Watson for Oncology” trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu và vận dụng nguyên lý “máy học” xây dựng phần mềm cảnh báo trong kê đơn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Đề án Y tế thông minh còn gặp nhiều rào cản

Bên cạnh những thành tựu, quá trình thực hiện đề án Y tế thông minh vẫn còn gặp nhiều rào cản. Theo giám đốc một số bệnh viện, những khó khăn tồn tại chủ yếu là dù bệnh viện đã xây dựng phòng công nghệ thông tin nhưng nhân lực chưa đủ, không tuyển được nhân sự, trình độ nhân sự về công nghệ thông tin chưa cao, không đáp ứng được hết yêu cầu của bệnh viện. Sở dĩ như vậy vì lương của nhân sự công nghệ thông tin tại các bệnh viện quá thấp, không thu hút được nhân lực. 

Tiếp đến, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của đa số bệnh viện đã cũ, không tương xứng khi triển khai các hoạt động mới; những phần mềm ứng dụng của hệ thống y tế chưa có ngôn ngữ chung. Không chỉ vậy, căn cước công dân có tích hợp bảo hiểm y tế nhưng tại vài bệnh viện lúc quét dữ liệu còn bị lệch… Do đó, không ít bệnh viện vẫn phải duy trì bệnh án giấy song song với bệnh án điện tử.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết: "Theo đề án Y tế thông minh, dự kiến đến năm 2023, tất cả bệnh viện hạng 1 sẽ phải hoàn thành bệnh án điện tử. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, bệnh viện cần nguồn vốn tới vài chục tỷ đồng và chưa biết lấy nguồn tiền này từ đâu. Dù TPHCM đã cho phép xã hội hóa vay vốn kích cầu, đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin nhưng lại chưa có pháp lý để thu tiền".

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI