Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao cứu sống nhiều bệnh nhân

10/09/2022 - 17:58

PNO - Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cấp cứu đột quỵ, sử dụng robot phẫu thuật, các bệnh viện đã kịp thời cứu sống, chữa trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân.

Cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nhờ RAPID 

Ngày 29/8, bà N.T.M.P. (56 tuổi, ở An Giang) được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TPHCM) trong tình trạng yếu liệt nửa người bên phải, đau đầu, nói đớ. Tính từ lúc khởi phát dấu hiệu đột quỵ đến khi bà được đưa tới BV đã hơn mười tiếng.

Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang phẫu thuật bằng robot cho bệnh nhân - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang phẫu thuật bằng robot cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nếu theo chẩn đoán hình ảnh thông thường, BV không thể tiếp nhận bà, nhưng qua phần mềm RAPID, bác sĩ (BS) xác định được vùng não chết của bà là 21ml, vùng não có nguy cơ chết trong vài giờ nữa là 51ml. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, ê-kíp đã xử lý triệt để các huyết khối, đồng thời xử lý các vấn đề não cho bà. Nhờ vậy, bà P. đã được cứu thoát khỏi “tử thần” trong gang tấc.

Một nam bệnh nhân (34 tuổi, ở TPHCM) bị yếu nửa người, đến khám tại một BV tư. Anh được chẩn đoán đột quỵ nhẹ, BV đã cho thuốc uống, về nhà tự theo dõi. Đến khi bệnh tiến triển nặng, anh được đưa đến BV Nhân dân 115 đã vào giờ thứ 36 của đột quỵ. Qua phần mềm RAPID, não hoại tử đã lên đến 32ml, phần còn lại của não gần như rơi vào nguy cơ. Anh được phẫu thuật xử lý huyết khối ngay sau đó. Rất may, sau khi tái thông mạch máu, bệnh nhân bình phục, không để lại di chứng. 

RAPID là phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (được phát triển bởi Đại học Stanford, Mỹ), được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng. Hơn 40 nước khác cũng đang sử dụng phần mềm này. Trong hơn ba năm qua, BV Nhân dân 115 đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bị nhồi máu não nhờ ứng dụng RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau sáu tiếng đồng hồ khi bệnh khởi phát.

Thống kê tại BV cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đến BV trong bốn, năm tiếng đồng hồ đầu tiên khi khởi phát đột quỵ não chỉ chiếm 12%, đến sau sáu tiếng chiếm 30% và có đến 60% bệnh nhân đến sau 24 tiếng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao, để lại di chứng nặng nề. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 - trước đây, bệnh nhân đột quỵ não được đưa đến sau sáu tiếng đồng hồ khởi phát bệnh sẽ bị từ chối tiếp nhận do BS không xác định được vùng não sắp chết. Việc can thiệp lấy huyết khối sẽ vừa nguy hiểm, vừa rất tốn kém. Vì vậy, trung bình mỗi năm Khoa Bệnh lý mạch máu não chỉ can thiệp được cho khoảng 400 bệnh nhân đột quỵ. Từ khi sử dụng phần mềm RAPID, mỗi năm có khoảng 1.000 bệnh nhân được cứu sống. 

Hiện nay, ngoài BV Nhân dân 115, một số BV cũng bắt đầu ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tắc mạch máu não như: BV Gia An 115, BV SIS Cần Thơ, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh…

Robot phẫu thuật đã trở thành thường quy 

Cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ, nhiều BV tại TPHCM cũng sử dụng hệ thống Robot da Vinci như cánh tay nối dài của BS trong các ca phẫu thuật.

Mới đây, BV Bình Dân (TPHCM) đã phẫu thuật bằng robot cho một nam bệnh nhân 73 tuổi được chẩn đoán ung thư tế bào thận. Khối bướu với chồi bướu bít kín lòng tĩnh mạch chủ bụng và lấn sang một phần tĩnh mạch thận trái. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam sử dụng robot phẫu thuật để cắt thận và lấy chồi bướu trong lòng tĩnh mạch chủ bụng để điều trị ung thư thận.

Ê-kíp BS đã phẫu thuật nội soi với robot hỗ trợ cắt bỏ toàn bộ thận và khối bướu trong lòng tĩnh mạch chủ bụng trong năm tiếng đồng hồ. Nhờ mổ nội soi với vết thương nhỏ, ít chảy máu, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng, chỉ ngày thứ sáu sau mổ đã được xuất viện.

Nhờ vào hệ thống Robot da Vinci, BV Bình Dân đã thực hiện hơn 1.000 ca phẫu thuật mang lại kết quả phục hồi tốt nhất cho người bệnh thay vì phẫu thuật nội soi thông thường. Nhất là với bệnh nhân ung thư trực tràng bởi sau phẫu thuật người bệnh ít mất máu, tỷ lệ chuyển sang mổ mở thấp hơn, thời gian trung tiện sớm hơn so với bệnh nhân phẫu thuật nội soi theo quy ước. Đến nay, phẫu thuật bằng robot đã trở thành phẫu thuật thường quy tại BV này.

Nhận thấy hiệu quả cao từ phẫu thuật Robot da Vinci, BV Bình Dân, BV Chợ Rẫy (TPHCM) đã đầu tư 71 tỷ đồng để trang bị hệ thống robot này nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn. Tiến sĩ - BS Lâm Việt Trung - Phó giám đốc chuyên môn BV Chợ Rẫy - cho biết, ứng dụng robot đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước có nền y tế phát triển. Nhờ có hình ảnh không gian ba chiều, phẫu thuật viên có thể quan sát sâu hơn và chính xác hơn. Cử động tay của phẫu thuật viên theo chiều thật của dụng cụ chứ không phải ngược lại như nội soi quy ước. Cánh tay của robot có các khớp di động linh hoạt giúp việc thực hiện các động tác khâu nối dễ dàng. Robot cũng đưa các dụng cụ luồn lách vào các khoang nhỏ nhất để phẫu thuật.

Hiện nay, phẫu thuật bằng robot tại BV Chợ Rẫy được ứng dụng với nhiều chuyên khoa như tiết niệu, ngoại lồng ngực, ngoại tiêu hóa, ngoại gan mật… “Đặc biệt, robot cũng được dùng để lấy thận từ người cho sống để phục vụ trong ghép tạng bởi phẫu thuật bằng robot ít đau hơn, ít nguy cơ nhiễm trùng, mất máu, đường mổ nhỏ, mang tính thẩm mỹ cao và bệnh nhân nhanh chóng hồi phục”, BS Việt Trung nói. 

Hướng đến có thêm sân bay cấp cứu bằng trực thăng

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình BV Quân Y 175 (TPHCM) đi vào hoạt động đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong hoạt động cấp cứu ngoại viện. Đây cũng là sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam được Bộ Quốc phòng cấp phép hoạt động phục vụ nhu cầu cấp cứu người bệnh.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc BV Quân Y 175 - cho biết, không chỉ dừng lại ở việc vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và ngư dân tại Trường Sa, BV đang hướng đến phát triển sân bay cấp cứu bằng trực thăng thành trung tâm cấp cứu đa năng gồm đường bộ, đường thủy và đường không nhằm giải quyết khi có sự cố thảm họa, thiên tai, đảm bảo phục vụ tốt sức khỏe người dân tại TPHCM, các tỉnh lân cận và trong khu vực.

Trong thời gian tới, ngành y tế TPHCM cũng hướng đến có thêm các sân bay cấp cứu bằng trực thăng tại BV Nhân dân 115, BV Ung Bướu, BV Nhi Đồng Thành phố… để công tác cấp cứu ngày một hiệu quả, ngang tầm khu vực.

 Phạm An - Tuệ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI