Ứng dụng công nghệ hiện đại vào phim nội: Những bước đi đầu tiên

15/08/2024 - 08:51

PNO - Việc ứng dụng công nghệ phim trường ảo, công nghệ AI để tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất và tạo ra những hiệu ứng đặc biệt đã bắt đầu xuất hiện trong một số sản phẩm phim ảnh nội.

Quay ngoại cảnh ngay trong nhà

Ở gần cuối phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh có một phân cảnh gay cấn: Phương đang lái xe chở Liên, Phát thì giữa Phương và Phát xảy ra mâu thuẫn, xô xát dẫn đến tai nạn kinh hoàng. Cảnh quay trong xe lúc cả ba trò chuyện diễn ra trong studio, ứng dụng công nghệ phim trường ảo. Không chỉ cảnh này, những phân cảnh lái xe trong phim cũng quay tại chỗ như vậy. Trong clip hậu trường từng được nhà sản xuất Lý Hải - Minh Hà chia sẻ, chiếc xe đứng yên, xung quanh là các màn hình LED kích thước lớn. Theo đạo diễn Lý Hải, việc ứng dụng công nghệ này vào những cảnh lái xe trong phim Lật mặt 6 giúp đoàn tiết kiệm thời gian, không bị lệ thuộc vào thời tiết, kiểm soát được khung hình, diễn xuất của diễn viên và có thể đặt được nhiều góc máy. Với phân đoạn rượt đuổi vừa phải diễn thoại tâm lý, nếu quay ngoài trời sẽ mất nhiều ngày.

Đoàn phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh dùng phim trường ảo cho các phân cảnh lái xe - Ảnh do LedWall cung cấp
Đoàn phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh dùng phim trường ảo cho các phân cảnh lái xe - Ảnh do LedWall cung cấp

Công nghệ phim trường ảo là sự kết hợp các hệ thống màn hình LED khổng lồ với phần mềm dựng cảnh 3D tiên tiến để tạo ra không gian phim. Đây là cách tạo ra những quang cảnh kỳ vĩ trên trời, dưới biển, trong không gian vũ trụ thường thấy ở các phim Hollywood. Cảnh nhân vật ngồi trò chuyện trong xe hơi đang chạy ngoài đường giờ đây cũng thường được quay trong phim trường ảo thay vì quay trực tiếp trên đường phố hoặc quay trên phông xanh rồi sau đó xử lý hậu kỳ.

Các phim bộ Hàn Quốc gần đây hay sử dụng cách quay này. Từ năm 2022, tại Hàn Quốc đã có phim trường ảo do tập đoàn Samsung và tập đoàn CJ ENM xây dựng. Ở Việt Nam, công nghệ phim trường ảo mới ứng dụng trong các phân cảnh nhỏ của vài phim điện ảnh như Lật mặt 6, Lật mặt 7, Vong nhi. Một ứng dụng công nghệ cao nữa vào phim nội hiện nay là 4D Scan Lab nhằm số hóa nhân vật, giúp diễn viên không phải diễn trong những bối cảnh cực khó.

AI vào phim Việt

Dự kiến vào dịp Giáng sinh năm nay, trên YouTube và các nền tảng OTT, bộ phim Khu rừng kỳ diệu của đạo diễn Đỗ Nam sẽ ra mắt. Đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên áp dụng công nghệ Al để hỗ trợ cảm xúc cho các diễn viên, đồng thời giúp các cảnh quay thêm phần hoành tráng, mơ mộng. Các con thú trong phim được quay với thú thật và dùng AI để chúng thể hiện những cảm xúc theo ý muốn như khóc, cười, nói (nhép miệng), nháy mắt... Phim Trạng Quỳnh thời nhí nhố ra mắt năm ngoái là phim hoạt hình đầu tiên ứng dụng công nghệ AI, cụ thể là dùng ChatGPT thu thập dữ liệu và nhu cầu khách hàng để sáng tạo ra các ý tưởng, tình tiết, cũng như thiết kế mang tính nghệ thuật đặc trưng của bộ phim.

Ông Trần Hoàng Hải - Tổng giám đốc LumiGrade Media, một trong những công ty tiên phong đưa công nghệ cao vào sản xuất video tại Việt Nam - cho biết: “Công ty đã tham gia vào 4 sản phẩm, trong đó có 2 phim Người mặt trời Ma da cho cảnh quay tháo rời tay nhân vật, kéo dìm diễn viên xuống nước. Với công nghệ scan nhân vật, các cảnh quay nguy hiểm như nhân vật bị quăng quật trong xe, bị bốc cháy… sẽ không cần đến diễn viên đóng thế mà vẫn đạt hiệu quả hình ảnh tốt”.

Còn nhiều khó khăn

Hiệu quả lớn nhất của phim trường ảo là giúp các nhà làm phim tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí mà vẫn đạt hiệu quả cao. Anh Lý Minh Nhựt (Công ty LedWall Studio, nơi cung cấp công nghệ phim trường ảo cho đoàn phim Lật mặt) chia sẻ: “Chi phí quay cảnh lái xe tại studio trong Lật mặt 6 là 150-200 triệu đồng/ngày. Nếu quay ngoài đường, ước chừng tối thiểu cũng tốn 700 triệu đồng cho 3 ngày quay. Trước đây, các biên kịch thường ngại viết cảnh nói chuyện trong lúc lái xe vì sợ mất thời gian quay, sợ xảy ra va chạm khi quay trên đường; nhưng giờ có công nghệ mới này, sẽ tha hồ sáng tạo cảnh trên xe. Công nghệ phim trường ảo cũng hiệu quả trong những cảnh bãi biển. Nếu quay ở Vũng Tàu, đi về mất rất nhiều thời gian, còn quay trong studio chỉ cần rải cát lên, dựng thêm cây cỏ, 1 ngày có thể quay 4-5 bối cảnh”. Theo ông Trần Hoàng Hải, so với việc quay ở bối cảnh thật thì quay ở studio giúp đoàn phim giảm khoảng 30 - 40% chi phí.

Đạo diễn Đỗ Nam và các thú cưng đóng trong phim Khu rừng kỳ diệu dùng công nghệ AI (ảnh NSX cung cấp)
Đạo diễn Đỗ Nam và các thú cưng đóng trong phim Khu rừng kỳ diệu dùng công nghệ AI (ảnh NSX cung cấp)

Hiệu quả kinh tế đã rõ, tuy nhiên việc ứng dụng phim trường ảo vẫn còn nhiều cái khó. Theo anh Lý Minh Nhựt, yếu tố cản trở chính là ít có nhà đầu tư hiểu, sẵn lòng để nhà sản xuất dùng công nghệ mới vào phim: “Hiện chi phí vận hành khi dùng phim trường ảo khoảng 150 triệu đồng/ngày. Giá thuê màn hình LED tầm 40-50 triệu đồng/ngày. Các nhà làm phim đang nghĩ thuê màn hình LED tốn nhiều tiền nên thích quay bằng phông xanh rồi về làm hậu kỳ trong khi dùng màn hình LED tiết kiệm được 50% chi phí”. Ông Trần Hồng Hải thì cho rằng, công nghệ phim trường ảo cũng còn quá mới, ngay cả với nước ngoài. “Ở Việt Nam chỉ mới thử nghiệm được trên các phân cảnh nhỏ chứ chưa thể áp dụng cho cả phim”.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI