Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); với hai phiên: "Giá trị đặc biệt của UNCLOS 1982" và "Việt Nam thực thi UNCLOS 1982".
|
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982 |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định: UNCLOS 1982 đã thực sự trở thành văn kiện pháp lý quan trọng hàng đầu chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc, là bản "Hiến pháp về biển và đại dương". Sự ra đời của UNCLOS 1982 đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong việc sử dụng biển, quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển.
Ông nhấn mạnh: UNCLOS 1982 là căn cứ pháp lý quốc tế toàn diện để xác định các vùng biển, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Đồng thời, UNCLOS 1982 cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng UNCLOS 1982.
Các diễn giả tham gia hội thảo đều khẳng định: Qua 40 năm, UNCLOS 1982 đã không chỉ đảm đương tốt vai trò "Hiến pháp về biển và đại dương", "Điều ước quốc tế mẹ về biển" mà còn là một văn kiện sống, thực sự đóng góp vào việc hình thành và bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác quốc tế trên biển.
Là quốc gia ven Biển Đông, thành viên UNCLOS 1982; có đường biên giới biển dài 3.260 km và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam luôn nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước.
Hội thảo đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS 1982, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, đại dương, thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp; nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề Biển Đông và thực thi UNCLOS 1982.
Đại sứ Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Vụ trưởng Luật pháp và Điều ước quốc tế cho biết: Kể từ khi phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong nước để cụ thể hóa các quy định của Công ước trong nhiều lĩnh vực như biên giới lãnh thổ, hàng hải, thủy sản, dầu khí, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bao gồm cả việc ban hành "Luật Biển Việt Nam" năm 2012. Công ước Luật Biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng, để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.
Theo Đại sứ Tommy Koh, Cựu Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật biển lần thứ ba, UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng và giá trị bền vững đối với châu Á và thế giới. UNCLOS 1982 được công nhận trên toàn cầu là bản "Hiến pháp" của các đại dương. Nhiều điều khoản của Công ước được công nhận phản ánh tập quán quốc tế và ràng buộc tất cả các quốc gia. Theo ông, Biển Đông được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đây là khuôn khổ pháp lý theo đó Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được đàm phán. COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được thông qua ngày 30/4/1982. Lễ ký Công ước được tổ chức tại Montego (Jamaica) ngày 10/12/1982 - với 107 quốc gia tham gia ký kết, trong đó có Việt Nam. Công ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và trở thành một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ XX, tiếp sau Hiến chương Liên Hợp Quốc, với 168 quốc gia phê chuẩn tính đến thời điểm này. |
M.Tâm