Ùn ùn trả nợ trước hạn để lấy giấy tờ xe

24/07/2017 - 09:30

PNO - Hơn một tháng nay, nhiều người mua xe dưới dạng trả góp, đem giấy tờ gốc thế chấp nên khi lưu hành, không trình được giấy tờ cần thiết đã bị Cảnh sát Giao thông xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

Thông tin này khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải, người mua xe thế chấp quáng quàng gom tiền trả nợ trước hạn cho các gói vay tín dụng.

Un un tra no truoc han de lay giay to xe
Nhu cầu mua xe trả góp ngày càng tăng, việc xử phạt hành chính với phương tiện trả góp gây khó cho người dân, doanh nghiệp


Chạy vạy trả nợ trước hạn 

Đại diện Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, nơi tập trung DN Vận tải đông đảo hàng đầu cả nước cho biết: hàng trăm DN vận tải tại Hải Phòng đang nháo nhào liên hệ với ngân hàng (NH) nơi thế chấp tài sản để xin lại giấy đăng ký xe bản gốc… vì ám ảnh bị phạt. Không chỉ mất 500.000đ/ngày tiền bãi, chủ DN vận tải còn gánh chịu thiệt hại nặng, cả trăm triệu đồng từ tiền hàng hóa trên xe.

Trong khi đó, các chi nhánh NH trên địa bàn TP.Hải Phòng cho biết, trước mắt chưa thể trả giấy bản chính đăng ký xe cho các cá nhân, đơn vị vay vốn vì còn chờ thông tin từ các bộ, ngành”. 

Không thiệt hại lớn như DN vận tải, nhưng những người mua xe thế chấp tại TP.HCM cũng quáng quàng không yên. Nhiều người quyết định chịu phí phạt cao nhằm trả nợ trước kỳ hạn, vay thêm để trả nợ nhằm lãnh giấy tờ gốc.

Tại các công ty tài chính như Home Credit, HD Saison, FE Credit, ACS… chúng tôi bắt gặp nhiều khách hàng đến làm thủ tục trả nợ trước hạn. Cụ thể, tại trụ sở HD Saison trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), cứ năm khách thì có một khách muốn trả nợ tiền mua xe trước hạn.

Anh Tú, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM đã vay NH TPbank gần 450 triệu đồng để mua xe chở khách cho công ty Grap vào năm 2016. Dư nợ hiện còn hơn 300 triệu, nếu trả trước hạn sẽ bị phạt rất cao, và anh cũng không đủ khả năng để trả phần nợ gốc còn lại. “Mỗi khi chở khách anh luôn nơm nớp sợ công an phạt. Một lần bị phạt bằng tiền công một ngày chạy Grap. Hiện nay, anh chỉ chạy hai-ba ngày/tuần và chỉ chạy vào… buổi tối để né công an. Thu nhập không đủ để trả ngân hàng khiến cả nhà rơi vào stress” - vợ anh Tú vừa kể vừa khóc. 

Anh Nguyễn Thanh Sang - Công ty vận tải hàng hóa Thanh Sang (Q.12) cho biết, hiện công ty có năm xe tải nhỏ để chuyển hàng, trái cây. Năm chiếc xe này đều được mua trả góp từ các NH VPBank, TPBank và FE Credit. Từ lúc có quy định xử phạt này, xe của công ty liên tục bị công an phạt. Có ngày chở hàng từ Long An về TP.HCM, xe bị phạt ba lần. Sau khi trừ chi phí, mỗi chuyến hàng đều công cốc. Thấy không ổn, công ty đã liên hệ NH để lấy giấy tờ gốc.

Song, NH trả lời anh phải thanh toán hết số nợ với điều kiện phải đóng phạt 5% số dư nợ còn lại. Anh Sang cho biết: “Sau bốn năm trả góp, tôi còn nợ NH 150 triệu nên phải đóng phạt 7,5 triệu đồng”. Ngay sau đó, anh Sang “bấm bụng” vay tiếp đợt hai theo dạng tín chấp tiền mặt, lấy số tiền mới vay đem trả để lấy giấy tờ xe. “Tôi chỉ mới lấy giấy tờ được ba chiếc” - anh Sang thở dài nói. 

Khi mua trả góp, chú ý điều khoản trả nợ trước hạn

Bên cạnh những người chấp nhận mức trả nợ trước hạn do ngân hàng đề xuất ở mức cao vì nghĩ… mình không đủ tiền để trả nợ trước hạn nên không quan tâm thì vẫn có không ít trường hợp người vay không đọc kỹ hợp đồng hoặc do nhân viên tư vấn theo kiểu “lập lờ”. 

Chẳng hạn, trong hồ sơ vay của công ty tài chính HD Saison về trả nợ trước hạn có nêu: “Với điều kiện bên vay đã thanh toán đầy đủ tối thiểu bốn khoản trả góp hàng tháng và được sự chấp thuận trước bằng văn bản của bên cho vay, bên vay có quyền thanh toán khoản nợ trước thời hạn quy định bằng việc thanh toán một lần cho bên vay các khoản tiền, bao gồm: các khoản trả góp hàng tháng đến hạn phải trả của tháng đó, khoản cấp vốn còn lại, phạt quy định tại mục 9.2.7 (nếu có) và khoản phí quy định tại mục 9.7.1. Khi có chấp thuận trước của bên cho vay, bên vay được quyền thay đổi kế hoạch thanh toán theo quy định pháp luật và phải trả các khoản phạt theo quy định tại mục 9.7.4”.

Un un tra no truoc han de lay giay to xe
Người dân cần chú ý các điều khoản để tránh các trường hợp vô ý bị phạt hợp đồng. 

Sau đó, tại mục các khoản phí và phạt tiếp tục ghi: “Khi bên vay đề nghị trả khoản nợ trước thời hạn theo quy định tại mục 9.5.2, bên vay phải thanh toán cho bên cho vay một khoản phí trả nợ trước thời hạn bằng 6% của khoản cấp vốn còn lại chưa thanh toán kể từ ngày bên cho vay chấp thuận yêu cầu trả nợ trước thời hạn (tối thiểu bằng 1,5 triệu đồng).

Trường hợp bên vay yêu cầu thay đổi kế hoạch thanh toán, bên vay phải thanh toán cho bên cho vay một khoản phạt thay đổi kế hoạch thanh toán bằng 4% của khoản cấp vốn còn lại chưa thanh toán. 

“Quả thực người mua sẽ không có thời gian đọc những nội dung trên hoặc nếu có đọc thì ngay lúc đó cũng không thể hiểu hết đủ để hình dung mức đóng phạt 6% hoặc 4% là bao nhiêu tiền” - Chị Hoa, một khách hàng từng vay tiền mua xe trả góp tại HD Saison cho biết. 

Chị B., ngụ Q.Bình Tân, vay 21 triệu đồng tại công ty tín dụng ACS, lãi suất 21%, trả trong vòng 12 tháng. Lúc ký hợp đồng, nhân viên tư vấn cho biết nếu khi nào có tiền thì trả trước và chỉ đóng phạt 800.000đ, mức phạt này áp dụng chung cho tất cả NH. Sau khi trả dần được bốn tháng, chị B. muốn trả hết số nợ còn lại thì công ty cho biết chị phải đóng phạt khoảng bốn triệu đồng. “Tôi không hình dung được chi phí phát sinh khi trả nợ trước hạn lại cao như vậy và rõ ràng nhân viên tín dụng không tư vấn kỹ” - chị B. nói. 

Trong khi chờ đợi các bộ, ngành có những văn bản chính thức để tháo gỡ vướng mắc cho các bên, thiết nghĩ đây cũng là một lưu ý cho những người mua xe trả góp nói riêng và các gói trả góp khác nói chung.

Luật sư Bùi Minh Nghĩa, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Đại Luật Hằng Sinh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: người dân cần chú ý các điều khoản để tránh các trường hợp vô ý bị phạt hợp đồng như thanh toán trước thời hạn hoặc phạt khi trả quá hạn hoặc giấy tờ xe do ai giữ… để tránh bị thiệt thòi trước những biến động bất ngờ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI