'Úm' trẻ đến bao giờ?

29/06/2018 - 09:00

PNO - Chiều 26/6, ngay sau khi đưa con - thí sinh L.A.T. - đến trường thi, quay đầu xe máy để về nhà, chị Nguyễn Thị H. (ngụ tại xã Đắk Sin, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã bị tai nạn giao thông, tử vong.

Sự việc hết sức đau lòng này đã được giấu kín, không cho T. biết, “tránh để tinh thần em bị ảnh hưởng”, để em có thể hoàn thành kỳ thi. Thầy Lê Công Tùng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (nơi em T. theo học) - nhận nhiệm vụ đưa đón em từ phòng trọ đi thi và chỉ thông báo cho em về cái chết của mẹ sau khi T. đã thi xong môn cuối.

'Um' tre den bao gio?
Các thí sinh hoàn thành 3 môn thi lý, hóa, sinh kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Minh Thanh

Chúng ta đã thay T. quyết định một trong những điều quan trọng nhất đời em - chữ “hiếu”, dù không hề biết ý chí, nguyện vọng, tình cảm của em thế nào. Trong số những người đưa ra quyết định ấy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho nỗi ân hận của T. khi không thể bên mẹ trong giây phút sau cùng?

Một ngày trước đó, chiều 25/6, sau khi thi xong môn toán, nam thí sinh đầu tiên bước chân ra khỏi hội đồng thi Trường THPT Long Châu Sa (H.Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã được hai hàng tình nguyện viên đứng vỗ tay chào mừng.

Chúng ta hoan nghênh điều gì, chúc mừng cái gì khi không ai biết liệu thí sinh ấy có làm tốt bài thi không. Đoạn đối thoại cuối đoạn clip, thí sinh nói “cũng bình thường ạ” khi được hỏi “làm bài được không em?”. Kinh nghiệm ở các kỳ thi cho thấy, thí sinh đầu tiên bước ra khỏi phòng thi thường không phải là người làm bài tốt nhất.

Trưa 27/6, hình ảnh các tình nguyện viên lập hành lang áo mưa che cho thí sinh rời khỏi hội đồng thi xuất hiện tràn lan trên báo, xem đó là hình ảnh đẹp, thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho thí sinh. Có thật thế không? Sau khi rời khỏi hành lang áo mưa ấy, thí sinh có cách nào khỏi ướt để về nhà? Còn những tình nguyện viên phải dầm mình trong mưa thì ai chăm lo cho sức khỏe của họ?

Xin hãy nhớ, các thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm nay đều sinh từ năm 2000 trở về trước, nghĩa là đều đã đủ 18 tuổi, đã được xem là trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi cả dân sự lẫn hình sự. 18 tuổi, các em vẫn được úm như những chú gà con - từ những chai nước phát ở cổng trường đến chiếc dù che vào phòng thi, xe đưa đến điểm thi. Các em được hoan nghênh như người hùng khi hoàn thành xong một kỳ thi xác nhận trình độ... phổ thông.

18 tuổi, trưởng thành, các em vẫn không thể tự quyết cuộc đời mình, vẫn chưa được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc chăm sóc bản thân. Thế thì các em sẽ hoạch định tương lai của mình thế nào, tham gia vào việc quyết định vận mệnh đất nước ra sao? Chúng ta sẽ “đánh thức tiềm lực” quốc gia bằng cách nào khi vẫn úm những-đứa-trẻ-18-tuổi bằng hành lang áo mưa, bằng những tình nguyện viên phục vụ che dù, phát từng chai nước?

Từ góc độ khác, những thanh niên tình nguyện với lòng nhiệt thành và trái tim tuổi trẻ lại chỉ được sử dụng vào những việc đầy tính hình thức như đội mưa che mưa cho người khác - những người cũng đã trưởng thành như mình, lập hàng rào người để phân luồng giao thông, xếp dàn chào... Tiềm lực quốc gia, tri thức của thanh niên đã bị lãng phí vô tội vạ như thế. Chúng ta sẽ làm cách mạng 4.0, cạnh tranh với thế giới thế nào đây? 

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI