Diễn đàn "Sinh con - Chuyện không phải của riêng phụ nữ":

Úm con quá kỹ, rã rời mẹ cha

15/07/2024 - 14:32

PNO - 1 đứa nhỏ ra đời, gần chục người phục vụ không xong. Bản thân mẹ bé cũng ngán sinh thêm con vì thấy “cực” quá!

LTS: Tháng 6/2024, Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp Hội LHPN TPHCM thực hiện talk show chủ đề “Cần một chính sách tổng thể để khuyến sinh”. Trước đó, chúng tôi cũng có nhiều bài viết bàn sâu nội dung này.

Vấn đề trên được Báo Phụ nữ TPHCM đặt ra trong bối cảnh tỉ suất sinh thấp, dân số Việt Nam đang già hóa. Sau chương trình, nhiều chuyên gia, chính khách, nhà khoa học, bạn đọc trong và ngoài nước đã gửi đến Báo Phụ nữ TPHCM nhiều ý kiến, hiến kế tâm huyết, những câu chuyện thực tiễn mang cái nhìn đa chiều.

Báo Phụ nữ TPHCM xin tiếp tục nối dài câu chuyện khuyến sinh thông qua diễn đàn "Sinh con - Chuyện không phải của riêng phụ nữ" với mong muốn tìm kiếm giải pháp, góp phần cùng cả nước xây dựng một chính sách dân số phù hợp; trước thực trạng dân số già hiện ở mức báo động, trong khi tỉ suất sinh ngày càng thấp. Đây cũng là câu chuyện đau đầu mà các quốc gia đang đối mặt.

Nuôi con quá kỹ, chăm sóc con tận chân răng khiến nhiều người mẹ gặp áp lực (ảnh minh họa)
Quan điểm nuôi con quá kỹ, chăm sóc con "tận chân răng", không để con thiệt thòi... khiến nhiều người mẹ chịu áp lực, không dám sinh thêm con - ảnh minh họa

Nhận việc trông trẻ với mức lương 11 triệu đồng/tháng, chưa hết mừng, chị Trần Ngọc (ngụ quận 7, TPHCM) đã méo mặt với đòi hỏi cao đến mức “kỳ quái” của chủ nhà. Mỗi khi vào ra phòng máy lạnh, chị phải thay quần áo để “khử trùng” rồi mới được bồng bé. Đồ bé bỏ ra, chị phải giặt ngay bằng tay và phơi nắng tận sân thượng lầu 4 để “vi trùng không bâu vào”.

Khi bé bắt đầu ăn dặm là bắt đầu hành trình lùng mua thực phẩm sạch, heo tộc, gạo nương. Đại gia đình gồm ông bà nội ngoại, ba mẹ, cậu, dì và người giúp việc được huy động đi lấy hàng từ nước ngoài gửi về. Hằng đêm, phải luôn có 1 người thức canh bé ho, ọc sữa để xử lý nhanh “kẻo ngộp thở”. Ráng trụ 1 tháng, chị Ngọc chịu không xiết nên xin nghỉ.

Chị ngao ngán: “Gì đâu mà chỉ có 1 đứa nhỏ gần chục người phục vụ không xong, cứ nháo nhào cãi lộn, đổ lỗi từ chủ đến tớ. Bản thân mẹ bé cũng ngán sinh thêm con vì thấy “cực” quá!

Mỗi tháng, tổng chi phí chăm bé chắc hơn 50 triệu đồng mà bé ngày càng èo uột, nhìn còn thua đứa cháu ngoại của tui dù ba má nó chỉ là công nhân, tổng thu nhập chừng 15 triệu đồng/tháng”.

Luật sư  Đỗ Ngọc Thanh hạnh phúc với  2 món quà vô giá từ người vợ vắn số. Theo anh, việc  nuôi dạy con cái  không cần phải  quá áp lực và  tốn kém - Ảnh do nhân vật cung cấp
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh hạnh phúc với 2 món quà vô giá từ người vợ vắn số. Theo anh, việc nuôi dạy con cái không cần phải quá áp lực và tốn kém - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tương tự là chuyện “ươm mầm tài năng người mẫu thảm đỏ” của bé Y.L. (11 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TPHCM). Tài năng đâu chưa thấy, đã thấy cha mẹ “chảy máu” thẻ tín dụng vì chạy theo son phấn, thời trang hàng hiệu, xe cộ đưa rước bé và học phí khủng cho huấn luyện viên. Cả nhà bỏ công bỏ việc theo phục vụ bé.

Tô Diệu Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trương Mỹ Hương 16-07-2024 08:30:48

    Người xưa hay nói câu phú quí sinh lễ nghĩa rất chính xác. Hãy nhìn những em bé trên vùng cao, cha mẹ bận bịu nương rẫy, ở nhà các cháu tự trông nhau, ăn uống…mà vẫn mạnh khoẻ, tròn trịa. Nói vậy không có nghĩa là không cần chăm bẵm cháu mà chỉ nên ở mức vừa phải mà thôi. Úm quá kỹ chỉ làm cháu không thích nghi được khi gặp hoàn cảnh bất ngờ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI