Ukraine mặc cả với Nga: EU liệu có 'phật lòng'?

08/06/2016 - 11:18

PNO - Ngày 7/6, Giám đốc điều hành Tập đoàn khí đốt quốc gia Ukraine Naftogaz, ông Andrei Kobolev cho biết, Kiev có thể nối lại việc mua khí đốt từ Nga.

Ukraine mac ca voi Nga: EU lieu co 'phat long'?
Ukraine mặc cả với Nga: EU liệu có ''phật lòng''?

Cụ thể, việc này sẽ được phía Ukraine thực hiện nếu Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đồng ý với những thay đổi về giá cả trong hợp đồng, tức là trong trường hợp phía Moskva đề nghị mức giá có lợi hơn giá của châu Âu.

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman tuyên bố không loại trừ việc mua khí đốt từ Gazprom bằng tiền vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Từ cuối tháng 11/2015, Ukraine đã không mua khí đốt của Nga mà nhập khẩu quá cảnh từ Liên minh châu Âu (EU). Kiev cho rằng giá mà EU đưa ra thấp hơn giá của Nga.

Phó Thủ tướng Stepan Kubiv từng đưa ra thông báo dự trù mức giá trung bình về khí đốt nhập khẩu trong giai đoạn từ tháng 5-12/2016 là 185 USD cho 1.000/m3. Thêm vào đó, nếu tính thêm chi phí vận chuyển tới biên giới miền Tây Ukraine, thì 1.000 m3 khí đốt sẽ có giá khoảng 195 USD.

Như vậy, bất chấp những cố gắng để gia nhập EU, Ukraine sẵn sàng nhập khẩu khí đốt từ phía Nga nếu Moscow đưa ra một cái giá hợp lý. Động thái này của Kiev được xem như một mũi tên trúng 2 đích.

Ukraine mac ca voi Nga: EU lieu co 'phat long'?
Bất chấp những cố gắng để gia nhập EU, Ukraine sẵn sàng nhập khẩu khí đốt từ phía Nga nếu Moscow đưa ra một cái giá hợp lý?

Một mặt Ukraine muốn gây sức ép cho phương Tây, đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU dựa trên bối cảnh, Nga và phương Tây đang trải qua thời kỳ căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do hành động sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014.

Mặt khác nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng mà Kiev đang phải đối mặt sau những bất ổn chính trị kéo dài. Bởi nếu phía Nga chấp nhận bán khí đốt cho Ukraine đúng như những gì Kiev trù tính, thì khoản tiền chênh lệch về giá mà Kiev nhận được là rất lớn.

Việc chính quyền Kiev đặt vấn đề nối lại việc mua khí đốt từ Nga cho thấy, chính phủ mới của Ukraine đang bắt đầu có những thay đổi tích cực trong chính sách đối ngoại của mình.

Quyết định này đã đi ngược lại những gì mà Ukraine đã từng tuyên bố hồi tháng 4, khi mà cựu Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk khẳng định, nước này có kế hoạch cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Moskva cũng như dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô đã qua sử dụng, trừ ô tô của Nga.

Cựu Thủ tướng Yatseniuk nói: "Tôi yêu cầu Bộ Kinh tế chuẩn bị một cơ chế để cấm mua các sản phẩm dầu lửa từ đất nước của kẻ xâm lược - đó là Liên bang Nga"

Được biết, Các nước Bulgaria, Phần Lan và Slovakia gần như 100% phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Pháp, Italia và Đức phải nhập khẩu từ 20 đến 40% khí từ Nga, còn toàn bộ EU đang phụ thuộc Nga tới gần 30%. Hơn ai hết EU hiểu những nguy cơ do phụ thuộc khí đốt vào Nga, nhưng để thoát khỏi mối ràng buộc này là quá khó.

Nga sẵn sàng đáp ứng

Trong một động thái khác, vào đầu tháng 4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak thông báo, thời hạn hiệu lực của mức giá khí đốt Nga dành cho Ukraine đã kết thúc ngày 1/4/2016 và mức giá từ nay sẽ hoàn toàn tương ứng với hợp đồng hiện hành giữa Gazprom và Naftogaz - tức là trong quý II mức giá chưa tới 180 USD.

Ông Alexander Novak cho rằng Nga tin tưởng Tập đoàn khí đốt Gazprom của nước này sẽ không để mất thị trường Ukraine.

Theo thời gian, việc Nga cung cấp khí đốt cho Ukraine sẽ dần được nối lại. Theo ông Novak, một mặt ở Ukraine đã giảm đáng kể mức tiêu thụ khí đốt, mặt khác Nga vẫn duy trì chính sách giá linh hoạt đối với Kiev.​

Ông Novak nói: "Cần lưu ý rằng vì lý do kinh tế suy thoái, Ukraine tiêu thụ ít khí đốt hơn. Rất nhiều xí nghiệp trước đây sử dụng khí đốt đã không còn hoạt động. Vì vậy, nếu trước đây Ukraine tiêu thụ 50 tỷ m3 khí đốt/năm, thì hiện con số này vào khoảng 35 tỷ m3"

"Đương nhiên, nếu tính đến có thể tự khai thác thì lượng khí đốt Ukraine nhập khẩu mỗi năm sẽ ít hơn. Song điều đó không có nghĩa chúng ta đã mất thị trường này. Chúng tôi tin rằng Ukraine sẽ mua khí đốt, kể cả của Nga, vì để an toàn qua mùa Đông, Kiev cần đảm bảo dự trữ khí đốt từ trước." ông Novak nhấn mạnh.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI