Uganda cấm các thầy lang chữa bệnh cho người mắc Ebola

13/10/2022 - 11:08

PNO - Hôm 12/10, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã ra lệnh cho các thầy lang ngừng chữa bệnh cho người bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của Ebola, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của 19 người ở quốc gia Đông Phi nghèo khó này.

 

, vắc-xin Ebola rất hiệu quả trong việc kiểm soát các đợt bùng phát gần đây ở DRC (Cộng hòa Dân chủ Congo) lại không có hiệu quả chống lại loại virus Ebola gây ra đợt bùng phát hiện nay ở Uganda
Vắc xin Ebola rất hiệu quả trong việc kiểm soát các đợt bùng phát gần đây ở Cộng hòa Dân chủ Congo lại không có hiệu quả chống lại loại virus Ebola gây ra đợt bùng phát hiện nay ở Uganda

Trong một bài phát biểu trên truyền hình trước cả nước, ngoài việc yêu cầu các thầy lang ngừng chữa bệnh theo cách truyền thống, Tổng thống Yoweri Museveni cũng chỉ đạo các quan chức an ninh bắt tất cả những người bị nghi mắc bệnh sốt xuất huyết do virus thường gây tử vong nếu họ không chịu cách ly.

Chỉ thị được đưa ra sau một cuộc họp cấp bộ trưởng khu vực ở Kampala để thảo luận về cách ứng phó khẩn cấp với đợt bùng phát dịch bệnh hồi tháng trước khi thông báo về trường hợp tử vong đầu tiên do căn bệnh rất dễ lây lan kể từ năm 2019.

Museveni cho biết chỉ có một trường hợp tử vong được ghi nhận ở Kampala, một người đàn ông 45 tuổi gốc Congo đã chạy trốn sau khi một người thân qua đời và đã tìm đến sự giúp đỡ của một "thầy phù thủy".

"Không có thầy phù thủy, không có thần thánh ở đây. Ebola là một căn bệnh. Các cộng đồng ở những khu vực bị ảnh hưởng nên biết Ebola gây chết người và lây lan qua tiếp xúc với người bị ảnh hưởng", ông Museveni nói.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã ra lệnh cho các thầy lang ngừng chữa bệnh cho người bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của Ebola,
Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã ra lệnh cho các thầy lang ngừng chữa bệnh cho người bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của Ebola,

Mới đây, trong một thông báo do Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) đưa ra cho biết đã có 54 trường hợp được xác nhận và 19 trường hợp tử vong kể từ khi đợt bùng phát lần đầu tiên được báo cáo tại quận trung tâm Mubende vào ngày 20/9.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu trong vài tuần đối với các loại thuốc để chống lại một chủng virus đặc biệt lưu hành ở Uganda, được gọi là virus Sudan Ebola, hiện chưa có vắc xin.

"Thật không may, vắc xin Ebola rất hiệu quả trong việc kiểm soát các đợt bùng phát gần đây ở DRC (Cộng hòa Dân chủ Congo) lại không có hiệu quả chống lại loại virus Ebola gây ra đợt bùng phát hiện nay ở Uganda", Tedros nói.

"Một số loại vắc xin đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau để chống lại loại virus này, hai trong số đó có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở Uganda trong những tuần tới, trong khi chờ chính phủ Uganda phê duyệt".

Một đánh giá của WHO cho thấy nguy cơ virus Ebola Sudan lây lan sang các nước láng giềng là cao do các hoạt động di chuyển qua biên giới giữa Uganda và các quốc gia khác. "Trọng tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay là hỗ trợ chính phủ Uganda nhanh chóng kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát này, ngăn chặn nó lây lan sang các quận lân cận và các nước lân cận", ông Tedros nói.

Ebola được đặt theo tên một con sông ở CH Congo, nơi nó được phát hiện vào năm 1976. Sự lây truyền của con người là qua chất dịch cơ thể, với các triệu chứng phổ biến là sốt, nôn mửa, chảy máu và tiêu chảy. Các đợt bùng phát rất khó ngăn chặn, đặc biệt là ở môi trường đô thị.

Những người bị nhiễm thường không biết cho đến khi các triệu chứng xuất hiện, tức là sau thời gian ủ bệnh từ hai đến 21 ngày.

Trận dịch tồi tệ nhất ở Tây Phi từ năm 2013 đến năm 2016 đã giết chết hơn 11.300 người.

Uganda đã trải qua một số đợt bùng phát Ebola, gần đây nhất là vào năm 2019 khi ít nhất 5 người chết.

Trọng Trí (theo AFP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI