Úc “tuyên chiến” buộc Google, Facebook trả tiền nội dung cho báo chí truyền thống

20/04/2020 - 19:06

PNO - Chính phủ nước này cho hay họ sẽ bắt đầu buộc Google và Facebook trả tiền cho các hãng tin tức khi sử dụng nội dung đã đăng tải.

Hôm nay 20/4, Úc tuyên bố sẽ buộc Google và Facebook phải chi trả cho các cơ quan truyền thông khi sử dụng nội dung tin tức của họ. Chính phủ hứa sẽ là quốc gia dẫn đầu thế giới trong nỗi lực buộc các đại gia công nghệ chia sẻ doanh thu quảng cáo béo bở với lực lượng truyền thông truyền thống.

Nước đầu tiên “dám” đụng đến các “ông kẹ”

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết, một bộ quy tắc ứng xử bắt buộc - sẽ được công bố chính thức vào tháng 7 tới. Tiếp theo, chính phủ sẽ đưa ra luật ngay sau đó. Các tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Mỹ nói trên được yêu cầu bồi hoàn cho các hãng truyền thông Úc nếu sử dụng tin tức và các nội dung khác từ họ.

Úc tuyên bố bắt đầu buộc Google và Facebook trả tiền cho các hãng tin khi sử dụng nội dung. Ảnh: AFP
Úc tuyên bố bắt đầu buộc Google và Facebook trả tiền cho các hãng tin khi sử dụng nội dung- Ảnh: AFP

“Đây là cách giữ những người khổng lồ công nghệ này trong ích lợi chung, nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh thực sự và là tiền đề tạo ra một sân chơi bình đẳng. Ngoài ra, đây cũng là việc bảo vệ lao động trong ngành báo chí và bảo đảm một kết quả công bằng cho tất cả mọi người”, Frydenberg nói.

Google và Facebook đã có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp tin tức Úc, khi chiếm 2/3 thị phần quảng cáo trực tuyến. Để đối phó với tình trạng giảm doanh thu, các hãng tin tức Úc đã phải cắt giảm 20% việc làm trong sáu năm qua.

Nếu thành công, Úc sẽ là quốc gia đầu tiên “dám” kiên quyết bảo đảm nguồn thu quảng cáo cho các đơn vị xuất bản tin tức truyền thống.

Năm ngoái, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện chỉ thị bản quyền của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các bên phải thanh toán việc sao chép nội dung tin tức.

Thế nhưng đáp lại, Google đã từ chối chi trả, thay vào đó, họ đưa ra quyết định sẽ không hiển thị các bản tin trên báo Pháp. Sự bế tắc khiến cơ quan quản lý cạnh tranh nước này yêu cầu công ty phải đàm phán với các đơn vị xuất bản.

Một “trận chiến” tương tự cũng đã diễn ra ở Tây Ban Nha, nơi Google News chưa hoạt động trở lại kể từ khi xứ sở bò tót thông qua luật năm 2014 yêu cầu họ phải thanh toán tiền cho các bài báo được khai thác.

Để đưa ra các mệnh lệnh hành chánh và sẽ luật hoá như đã tuyên bố, Úc đã tiến hành một cuộc điều tra về sức mạnh của các nền tảng kỹ thuật số. Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã làm việc nghiêm túc trong 18 tháng và đưa ra khuyến nghị Chính phủ tu bổ các quy định hiện hành liên quan.

Google, Facebook tỏ ra thất vọng

Ông Frydenberg cho biết, chính phủ buộc áp dụng các biện pháp sau khi các cuộc thảo luận về quy tắc tự nguyện không thành công, cộng với tác động của đại dịch COVID-19 đối với doanh thu quảng cáo, đã khiến chính phủ đẩy nhanh những hành động cần thiết.

“Chúng tôi hiểu thách thức mà chúng tôi phải đối mặt. Đây là một ‘ngọn núi lớn’ để vượt qua bởi họ là những đại công ty, nhưng song song đó cũng tiềm tàng quá nhiều nguy cơ, vì vậy chúng tôi phải chủ động cho cuộc chiến này”, Frydenberg nói.

Trong khi đó, Rod Sims - Chủ tịch ACCC - thì cho biết, cơ quan giám sát người tiêu dùng đã khuyên chính phủ rằng “không thể khả thi” với mệnh lệnh buộc các “ông trùm” nền tảng kỹ thuật số đồng ý trả tiền cho nội dung tin tức của Úc.

Will Easton - Giám đốc điều hành Facebook ở Australia và New Zealand - bày tỏ sự “thất vọng” trước thông báo của chính phủ, khi nó được đưa ra trước thời hạn tháng 5 năm nay về một thoả thuận tự nguyện giữa các bên.

“Chúng tôi tin rằng sự đổi mới mạnh mẽ và minh bạch hơn xung quanh việc phân phối nội dung tin tức là rất quan trọng nhằm xây dựng một hệ sinh thái truyền thông bền vững", ông này nêu quan điểm.

Easton cho biết Facebook đã đầu tư “hàng triệu đô la Mỹ” vào các mối quan hệ đối tác, đào tạo và sắp xếp nội dung để hỗ trợ các đơn vị xuất bản tin tức Úc.

Người phát ngôn của Google cũng cho biết, công ty đã tham gia vào quá trình tự nguyện và sẽ tiếp tục tham gia như thế với cả nhà xuất bản và ACCC.

“Chúng tôi đã làm việc nhiều năm trời để trở thành đối tác bình đẳng trong ngành tin tức, giúp họ phát triển kinh doanh thông qua quảng cáo và dịch vụ, qua đó tăng lượng độc giả bằng cách thúc đẩy lưu lượng truy cập có giá trị", phía Google nói.

Động lực “phía sau” thúc đẩy các quy tắc mới của Chính phủ Úc được dẫn dắt bởi “bố già” truyền thông rất quyền lực Rupert Murdoch, người đã cáo buộc Facebook và Google “khai thác và phổ biến các nguồn tin một cách thô bạo” trên dịch vụ truyền thông đông người truy cập của mình.

Ông Michael Miller - Chủ tịch điều hành Tập đoàn tin tức Murdoch (Úc) - hoan nghênh thông báo của chính phủ là một bước ngoặt quan trọng. “Trong hai thập kỷ qua, Google và Facebook đã xây dựng các công ty nghìn tỷ đô la Mỹ bằng cách sử dụng nội dung của người khác và từ chối trả tiền cho họ”, ông nói.

Miller nói thêm: “Sự chịu đựng của ngành công nghiệp truyền thông Úc đang ở đỉnh điểm và một quy tắc bắt buộc dẫn đến các nền tảng pháp luật buộc phải trả một mức giá công bằng, phải được đưa ra khẩn cấp”.

Các quy định mới của Úc cũng sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu, xếp hạng và hiển thị nội dung tin tức, được thực thi bằng các cơ chế giải quyết tranh chấp và hình thức xử phạt.

Ước tính có 17 triệu người Úc sử dụng Facebook mỗi tháng và dành trung bình 30 phút cho nền tảng mạng xã hội này hàng ngày. Bên cạnh đó, Google chiếm đến 98% các tìm kiếm trên thiết bị di động ở Úc.

Quốc Ngọc (Theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI