Úc tự tin hướng tới cuộc thương chiến với Trung Quốc

15/05/2020 - 07:00

PNO - Lời kêu gọi của Úc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 đang nhanh chóng biến thành cuộc chiến thương mại giữa Úc và Trung Quốc.

Việc Trung Quốc ngăn chặn nhập khẩu thịt bò và áp thuế lúa mạch từ Úc được xem là biện pháp đáp trả trước lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc COVID-19. Tuy nhiên, Úc khẳng định tự tin trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.

Trung Quốc, Úc hướng tới cuộc chiến thương mại

Lời kêu gọi của Úc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 xuất hiện, lây lan từ Vũ Hán, đang nhanh chóng biến thành cuộc chiến thương mại giữa Úc và Trung Quốc.

Thịt bò là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn nhất của bang Queensland, Úc
Thịt bò là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn nhất của bang Queensland, Úc

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham đang tìm kiếm cuộc đàm phán với đối tác đồng cấp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, sau khi Bắc Kinh cấm 4 nhà cung cấp thịt đỏ và áp thuế cao ngất ngưởng hơn 80% mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Úc kể từ ngày 19/5. Birmingham khẳng định Úc sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra về COVID-19 bất chấp nguy cơ bị trả đũa từ Bắc Kinh về thương mại. Theo Asia Times, hiện Úc không đơn thương độc mã, mà có sự hỗ trợ từ các nước đồng minh phương Tây quan trọng, bao gồm cả Mỹ.

Các thượng nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ đã gửi thư cho đại sứ Úc tại Mỹ, ông Arthur Sinodinos, cam kết ủng hộ Úc trong cuộc điều tra độc lập về dịch COVID-19. Cùng với đó, 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ trình bày dự thảo nghị quyết trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 18/5 sắp tới, dự kiến hỗ trợ Úc trong cuộc điều tra đại dịch. 

Lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề đến Úc, khi 1/3 sản lượng thịt tại đây được xuất khẩu sang đất nước tỷ dân với trị giá 800 triệu USD/năm. Trong khi, con số thiệt hại dự tính với mặt hàng lúa mạch lên đến khoảng 1 tỷ USD/năm.

Bắc Kinh viện lý do các vấn đề kỹ thuật liên quan đến nhãn mác và chứng nhận y tế như một đòn bẩy chính trị, ngoại giao nhằm trả đũa trước lời kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch COVID-19. Theo Úc, sau thịt bò và lúa mạch, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nhắm đến ngành công nghiệp rượu vang và sữa của nước này, tiếp đó là ngành giáo dục và du lịch. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, với tổng giá trị mua hàng lên tới 88 tỷ USD trong năm 2018.

Trong tháng Tư, Úc đã ngăn chặn kế hoạch của Baogang Group Investments, tập đoàn gang thép của Trung Quốc, mua mỏ khoáng sản lớn trị giá 13 triệu USD thuộc sở hữu của Công ty Northern Minerals, Úc chuyên sản xuất đất hiếm, khoáng sản quan trọng cung cấp cho các mặt hàng điện tử.

Năm 2019, Washington đã yêu cầu Úc bảo vệ các nguồn khoáng sản như dysprosium và terbium, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất điện thoại di động cho đến các nhà máy điện hạt nhân vì e ngại sự chiếm lĩnh của Trung Quốc. Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 80% nguồn cung đất hiếm toàn cầu bên cạnh Úc, Mỹ và Ấn Độ.

Úc tự tin tìm kiếm thị trường mới

Liên minh nhân viên ngành công nghiệp thịt Úc (AMIEU) cho biết, các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, dù Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu thịt bò.

“Công việc vẫn đang tiếp tục tại các nhà máy của Kilcoy Pastoral, Beef City, Dinmore Brisbane và Hợp tác xã miền Bắc tại New South Wales (4 đơn vị bị Trung Quốc liệt vào danh sách đen cấm nhập khẩu thịt bò). Họ tự tin rằng có thể tìm kiếm được thị trường mới cho sản phẩm trong thời gian ngắn” - người phát ngôn của AMIEU Matt Journeaux chia sẻ.

Journeaux cho biết thêm, việc cắt giảm giờ làm và mất việc không thể xảy ra ngay lập tức sau lệnh cấm của Trung Quốc, nhưng nếu sự việc kéo dài mà chưa có giải pháp thay thế ít nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Úc. Hầu hết nhân viên làm việc tại các nhà máy chế biến thịt bò hy vọng chính phủ sẽ sớm giải quyết những vấn đề tồn đọng đằng sau lệnh ngừng nhập khẩu từ Bắc Kinh.

Bà Georgie Somerset, Tổng giám đốc AgForce - tổ chức chuyên vận động hành lang về nông nghiệp lớn nhất của bang Queensland - cho biết, ngành công nghiệp thịt bò Úc đang tích cực giải quyết các vấn đề về nhãn mác và chứng chỉ y tế mà phía Trung Quốc đề cập. Bên cạnh đó, bà Somerset cũng tự tin vào sự đa dạng, chất lượng thịt bò của nước này sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tìm thấy đối tác thu mua thích hợp.

Bên cạnh tìm kiếm nơi tiêu thụ mới, chính phủ Úc vẫn đang tiến hành các bước đàm phán với Trung Quốc nhằm tránh cuộc chiến thương mại toàn diện, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến xuất khẩu, việc làm và sinh kế của người dân. 

Chung Thu Hương (theo Asia Times và ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI