Cảnh tượng tã giấy bẩn bị vứt ngoài trời và tiếng khóc của trẻ sơ sinh được nhóm nhân viên thuộc tổ chức từ thiện Mission Australia tình cờ phát hiện sau một bụi rậm ở ngoại ô thành phố biển Cairns (bang Queensland, Đông bắc nước Úc). Vùng ngoại ô Manunda khá tĩnh lặng, bao gồm khu đầm lầy dày đặc nhất tại Cairns. Thảm thực vật phong phú phủ xanh nhiều nơi giúp che giấu hàng loạt địa điểm cắm trại dành cho những mảnh đời sống ngoài rìa xã hội.
Đã tiến hành chiến dịch tiếp cận - hỗ trợ người vô gia cư hơn 10 năm quanh khu vực Manunda, thế nhưng đây là lần đầu đội ngũ nhân viên của Mission Australia thấy ngỡ ngàng khi phải chứng kiến một trường hợp đặc biệt đau lòng.
Tiếng khóc cầu cứu
Ngày 11/8 vừa qua, lần theo tiếng khóc của trẻ nhỏ - điều vô cùng hiếm thấy ở các bãi cắm trại vô gia cư, nhóm nhân viên xã hội phát hiện một người mẹ 16 tuổi, người bố 18 tuổi và đứa con mới 1 năm tuổi của họ bên trong một căn lều tạm bợ.
Đáng buồn hơn, đây không phải trường hợp duy nhất.
Ngay hôm sau, Mission Australia được thông báo về một bà mẹ trẻ khác đang trải qua cảnh sống lang thang tương tự ở bãi trắm trại cùng đứa con 3 tuổi.
|
Điều kiện sống thiếu thốn ở các bãi cắm trại vô gia cư đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ và trẻ nhỏ |
Quản lý Mission Australia tại khu vực Cairns, Mark Jentz, tiết lộ nhóm của anh hiếm khi bắt gặp trẻ em trong bãi cắm trại cho người vô gia cư. Hai trường hợp kể trên là “lời cảnh báo” mới nhất về cuộc khủng hoảng xã hội cũng như hiện trạng bất cập giá nhà ở Úc.
Jentz chia sẻ: “Thông thường, những người ngủ tạm trong lều cắm trại là nam giới đơn thân hoặc người trưởng thành nói chung. Phần lớn gia đình có trẻ nhỏ chúng tôi tiếp xúc và giúp đỡ, dẫu chưa ổn định nơi ăn chốn ở, vẫn có thể ngủ nhờ tại nhà người thân, bạn bè”.
Người vô gia cư chọn đến bãi cắm trại như giải pháp cuối cùng. Sự bất tiện, nguy hiểm còn tăng lên gấp bội đối với phụ nữ và trẻ em. Điều kiện vệ sinh thiếu thốn, hành vi bạo lực, sử dụng chất cấm là những nỗi lo thường trực.
“Không ít đối tượng chúng tôi tìm thấy trong các khu lều tạm là người nghiện rượu, chất cấm. Nơi này không hề phù hợp để trú ngụ với bất kì ai”, Jentz nhấn mạnh.
Tổ chức từ thiện lâu đời ở Úc nhanh chóng bố trí nơi tạm trú an toàn tại một khách sạn cho cặp bố mẹ vị thành niên. Kế hoạch lâu dài của Mission Australia là tích cực hỗ trợ người vô gia cư vượt qua cơn khủng hoảng giá nhà. Jentz nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp hai bạn trẻ học nghề và tìm việc làm, để họ thật sự thoát khỏi cảnh sống lang thang”.
Người mẹ đơn thân còn lại thuộc một cộng đồng dân tộc bản địa phương xa. Sự cố bất ngờ lẫn khó khăn trong việc thu xếp chỗ ở khiến cô và con nhỏ bị mắc kẹt tại Cairns từ giữa tháng 7. Sau khi cầu cứu Mission Australia, cô được hỗ trợ vé máy bay, chi phí đi lại để sớm về đoàn tụ cùng gia đình.
|
Bãi cắm trại vô gia cư dưới một căn nhà bỏ hoang ở ngoại ô Cairns |
Ngay lúc này, trăn trở hàng đầu của những nhà hoạt động xã hội như Jentz liên quan đến thị trường nhà đất đang biến động mạnh tại Úc. Anh bày tỏ: “Chúng tôi vẫn không ngừng cố gắng thực hiện chiến dịch tiếp cận, giúp đỡ người vô gia cư tái hòa nhập xã hội và xóa dần hình thái cắm trại này. Thế nhưng sức ép hiện thời từ thị trường nhà ở khiến người vô gia cư xuất hiện nhiều hơn,.. kéo theo các điểm cắm trại mới”. “Làm công tác xã hội gần 15 năm nay, đây là viễn cảnh tệ nhất tôi từng thấy”.
Đứng trước nghịch cảnh và khủng hoảng
Phía đầu kia của quốc gia lớn nhất châu Đại Dương, tại tiểu bang Tây Úc, nạn vô gia cư và bạo hành gia đình đang đồng loạt tấn công phụ nữ.
Một nghiên cứu vừa công bố chỉ ra con số thống kê gây lo ngại: 86% phụ nữ vô gia cư ở Tây Úc đã hoặc đang là nạn nhân bị bạo hành. Dữ liệu được Trung tâm nghiên cứu Ảnh hưởng Xã hội trực thuộc Đại học Tây Úc tổng kết từ các cuộc khảo sát và tài liệu xã hội học trong vòng 10 năm qua. Giám đốc trung tâm, giáo sư Paul Flatau, nhận định: “Hai năm trở lại đây, nạn bạo hành phụ nữ có dấu hiệu tăng vọt. Nhất là khi trở thành người vô gia cư, phụ nữ liên tục chịu đựng nguy cơ bị tổn hại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần”.
|
Sharne Pieterson (trái) và bạn cùng nhà Johann Brown đều từng trải qua cuộc sống vô gia cư bấp bênh |
Bạo lực gia đình đã buộc Sharne Pieterson, hiện cư trú tại thành phố nhỏ Kalgoorlie, Tây Úc, phải chọn lối sống cơ nhỡ nhiều năm liền. Người phụ nữ trung niên bày tỏ: “Trải nghiệm bị bạo hành và đổ vỡ hôn nhân từng khiến tôi lạc lối một thời gian dài”. Cảnh đời bấp bênh của Pieterson may mắn kết thúc khi cô được hỗ trợ và về sau, làm việc tại trung tâm bảo trợ phụ nữ ở Kalgoorlie - nơi đang cung cấp dịch vụ tư vấn, giúp đỡ nhiều trường hợp tương tự.
Trở ngại luôn ám ảnh Pieterson và vô số phụ nữ vô gia cư khác trong nỗ lực làm lại cuộc đời, chính là việc tìm chỗ ở ổn định dài lâu. “Tôi hiện sống cùng một người bạn cũng là nhân viên thuộc trung tâm Kalgoorlie. Hai chúng tôi phải trả phí thuê nhà 500 AUD* (gần 8 triệu VND) mỗi tuần. Trong thành phố, vô cùng khó kiếm một căn hộ rẻ hơn thế này”, cô nói.
Theo Pieterson, khủng hoảng giá nhà đang gia tăng sức ép lên nỗ lực đấu tranh vì người vô gia cư. “Ở trung tâm bảo trợ phụ nữ, chúng tôi đã chứng kiến không ít trường hợp thương tâm. Một người mẹ với 4 đứa con sống lang thang vì không còn nơi nào để nương tựa”.
Gloria Moyle, Giám đốc điều hành Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Phụ nữ Goldfields, thành phố Kalgoorlie, cho biết: “Từ khi đại dịch bùng phát, bạo lực gia đình càng được xem như nguyên nhân chính đẩy nhiều phụ nữ vào cảnh không nhà. Để trốn chạy khỏi tình trạng bạo hành, họ buộc phải sống tạm bợ nơi nhà người thân hay ngoài đường phố, thường là cùng với con nhỏ. Tôi e ngại hơn cả trước việc thiếu hụt hỗ trợ thiết thực từ các dịch vụ xã hội hiện nay. Những trung tâm bảo trợ phụ nữ trong khu vực đều đã ở mức quá tải”.
“Chúng ta đang rất cần hành động ngay bây giờ. Một kế hoạch chi tiết hỗ trợ người vô gia cư và bình ổn giá nhà trên toàn nước Úc là điều cần hoàn thiện”, Mark Jentz chia sẻ.
Như Ý (theo ABC)