Úc cấp thị thực nông nghiệp để thu hút lao động nhập cư châu Á

30/08/2021 - 13:27

PNO - Để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ Úc vừa ban hành chương trình cấp thị thực nông nghiệp để thu hút lao động nhập cư từ các nước châu Á. Tuy nhiên, các nhà hoạt động bảo về quyền lợi của người lao động nhập cư cũng cảnh báo về tình trạng các nông trại ở Úc đang lạm dụng đối tượng này.

Ba năm trước, Audi Melsom đã từ bỏ công việc thiết kế của mình tại MetroTV - một trong những đài truyền hình lớn nhất của Indonesia - để đến Lãnh thổ phía Bắc ở Úc để làm những công việc lặt vặt, đồng thời khám phá đất nước này.

Audi Melsom người Indonesia) đã ghi lại kinh nghiệm làm việc tại các trang trại ở Úc trên YouTube
Audi Melsom đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại các trang trại ở Úc trên YouTube

Như hầu hết những người Indonesia có thị thực du lịch kết hợp làm việc (Working Holiday Maker - WHM) của Úc - một chương trình cho phép tối đa 5.000 người Indonesia dưới 30 tuổi đến Úc mỗi năm và có thể ở lại đây trong 3 năm để làm việc và nghỉ ngơi, du lịch - Audi đã làm công nhân ở các nông trại.

Audi từng đi hái xoài, thu hoạch dưa hấu và bí ngô ở Lãnh thổ phía Bắc, phúc bồn tử và cà chua ở Queensland, nho và sung ở Victoria, kiếm được từ 20 đô la Úc (AUD) đến 35 AUD mỗi giờ. Cũng có khi, Audi được trả lương theo khối lượng sản phẩm thu hoạch được thay vì lương cố định theo giờ.

Hiện, Úc đang ban hành một loại thị thực mới - thị thực nông nghiệp - nhằm thu hút người lao động nước ngoài, chủ yếu từ các nước châu Á, đến làm việc tại các nông trại ở nước này. Theo David Littleproud - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Úc, mục tiêu của chính phủ Úc là “các quốc gia mà Úc đã ký các thỏa thuận song phương lâu dài”, trong đó có Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc. Một số quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia cũng có khả năng nằm trong danh sách này.

Thị thực nông nghiệp được chính phủ Úc xem như một giải pháp dài hạn cho tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực này, vốn đang đóng góp khoảng 3% GDP của đất nước.

Loại thị thực này cho phép người lao động nông nghiệp nhập cư làm việc tại Úc trong 3 năm, với điều kiện mỗi năm phải trở về nước trong 3 tháng. Điểm khác với thị thực WHM là nếu người lao động nhập cư đồng ý làm việc trong các ngành được chấp thuận sau 3 năm, họ cũng có thể nộp đơn xin thường trú dài hạn.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư cho rằng thị thực nông nghiệp có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột nhân viên tại các nông trại của Úc, với các hình thức phổ biến là chẳng hạn như trả lương thấp, thu phí sinh hoạt cao. Thêm vào đó, nhiều người lao động phải trả nhiều chi phí cho các công ty môi giới tuyển dụng.

Các nhóm vận động cảnh báo thị thực nông nghiệp mới của Úc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột
Các nhóm vận động cảnh báo thị thực nông nghiệp mới của Úc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột ở các nông trại

Liên đoàn công nhân Úc cũng cảnh báo rằng thị thực nông nghiệp sẽ “làm tình trạng lạm dụng và bóc lột vốn đã tràn lan” trong lĩnh vực này sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Theo một báo cáo do các công đoàn và Trung tâm Lao động di cư thực hiện năm 2020, 80% công nhân tham gia khảo sát đã bị trả lương thấp. Một cuộc điều tra khác, do Cơ quan Thanh tra về sự công bằng trong việc làm của Úc tiến hành năm 2018, cũng cho thấy một nửa số doanh nghiệp bị điều tra đã vi phạm luật nơi làm việc, trong đó có việc trả lương thấp dưới mức quy định hoặc không trả lương cho thời gian được tính công.

Chỗ ở không đạt tiêu chuẩn là một vấn đề khác mà người lao động nhập cư ở Úc thường phải đối mặt. Audi cho biết đôi khi phải trả tới 150 AUD một tuần cho một chỗ ở gần nông trại, nhưng chỉ được ở trong những khu chuồng trại bẩn thỉu, có đầy côn trùng với những lỗ thủng trên sàn.

“Thêm vào đó, nhiều quản công ở các nông trại cũng không khoan dung đối với những công nhân mới, thiếu kinh nghiệm. Nhiều người đã bị sa thải chỉ sau một ngày. Chúng tôi còn phải làm việc dưới cái nắng nóng 40 độ C. Có lúc, tôi đã bị chảy máu mũi. Nhưng tôi vẫn phải tiếp tục làm việc vì cũng sợ bị sa thải”, Audi chia sẻ.

Abul Rizvi - cựu Thứ trưởng Bộ Di trú Úc và hiện là nhà tư vấn chính sách ở Canberra - cho rằng các công đoàn và cơ quan chính phủ nên tham gia vào việc giải quyết các khiếu nại và được trao quyền truy tố người sử dụng lao động và các công ty cho thuê lao động vi phạm pháp luật lao động.

Trong khi đó, chính phủ Úc cho rằng chương trình thị thực nông nghiệp sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán song phương với các quốc gia đối tác, vì vậy chính phủ của các quốc gia này cũng có thể đề xuất các biện pháp bảo vệ người lao động của nước mình thông qua các cuộc đàm phán này.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI