Úc báo cáo ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người là 1 đứa trẻ

22/05/2024 - 16:06

PNO - Ngày 22/5, Úc đã báo cáo trường hợp nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người là một một đứa trẻ nhưng đã hồi phục hoàn toàn.

Chủng cúm gia cầm H5N1 đã càn quét toàn cầu trong những năm gần đây. ẢNH: REUTERS
Chủng cúm gia cầm H5N1 đã càn quét toàn cầu trong những năm gần đây - Ảnh: Reuters

Theo quan chức y tế Úc, một chủng virus có khả năng lây lan cao khác cũng được tìm thấy tại một trang trại trứng gần Melbourne ở bang Victoria phía đông nam Úc.

Chủng cúm gia cầm H5N1 đã càn quét toàn cầu trong những năm gần đây, giết chết hàng tỷ con chim hoang đồng thời lây lan sang hàng chục loài động vật có vú.

Cơ quan y tế ở Victoria cho biết việc truy tìm dấu vết tiếp xúc chưa xác định được thêm trường hợp nào nữa và khả năng người khác bị nhiễm bệnh là rất thấp vì cúm không dễ lây lan giữa người với người.

Tiến sĩ Claire Looker, giám đốc y tế của bang, cho biết trong một tuyên bố: “Đây là trường hợp nhiễm cúm gia cầm có độc lực cao ở người đầu tiên được xác nhận ở Australia”.

Bà cho biết thêm đây là trường hợp đầu tiên phát hiện chủng H5N1 ở người hoặc động vật tại nước này. “Người nhiễm là một đứa trẻ bị nhiễm trùng nặng nhưng đã hồi phục hoàn toàn".

Tiến sĩ Looker cho biết ca bệnh ở Victoria liên quan đến vi-rút H5N1, nhưng chủng này không giống với những vi-rút gây ra các đợt bùng phát ở Mỹ.

Trước đó, một công nhân nông trại ở Texas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với loại vi rút này vào đầu năm 2024 khi nó lây lan khắp đàn gia súc của Mỹ.

Úc là lục địa duy nhất cho đến nay động vật không nhiễm virus cúm gia cầm H5N1, nhưng chính quyền cho biết một chủng cúm gia cầm có độc lực cao khác đã được phát hiện tại một trang trại trứng gần Melbourne.

Graeme Cooke, giám đốc thú y của Victoria, cho biết các xét nghiệm đầu tiên trong phòng thí nghiệm cho thấy virus này là một chủng H7 chưa được xác định, có thể đến từ quần thể chim hoang dã và đã từng được phát hiện ở Úc trước đây.

Ông nói thêm rằng các lệnh hạn chế được áp dụng đối với việc di chuyển xung quanh trang trại và những con chim sẽ bị tiêu hủy.

Tiến sĩ Cooke nói với đài phát thanh Australian Broadcasting Corporation (ABC): “Khu vực này có mật độ kinh doanh gia cầm cao, cả trứng và thịt gia cầm. Ở giai đoạn này, chúng tôi không thể nói liệu có sự lây lan sang các loài khác hay không. Chúng tôi hiện đang thực hiện các biện pháp cần thiết để dập tắt nó nhằm loại bỏ mọi sự lây lan tiếp theo”.

Ông Cooke cũng nhấn mạnh rằng đợt bùng phát này không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Giám đốc điều hành của cơ quan công nghiệp Trứng Úc Rowan McMonnies cho biết chỉ một phần nhỏ của ngành bị ảnh hưởng.

Liên đoàn Thịt gia cầm Úc cho biết các công ty đã tăng cường các biện pháp an toàn sinh học như một biện pháp phòng ngừa.

Năm 2020, Victoria là nơi xảy ra đợt bùng phát H7N7, đợt bùng phát gần đây nhất trong số 9 đợt bùng phát Cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao ở Úc kể từ năm 1976.

Chính phủ Úc cho biết tất cả những đợt bùng phát đó đã nhanh chóng được kiềm chế và dập tắt.

Trọng Trí (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI