UBND TPHCM đề nghị quan tâm dự trữ quỹ đất cho quy hoạch đường sắt

24/02/2025 - 19:43

PNO - Trong điều chỉnh quy hoạch đường sắt, UBND thành phố đề nghị cấp bộ quan tâm việc dự trữ quỹ đất trong tình hình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh.

UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực đường sắt và đóng góp ý kiến phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Theo “Quy hoạch TPHCM” và “Quy hoạch chung TPHCM”, thành phố sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài khoảng 510km theo Đồ án Đường sắt đô thị, 1 tuyến đường sắt tiềm năng kết nối đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ và 1 tuyến tramway/LRT (light rail transit) ven hành lang sông Sài Gòn cùng các tuyến kênh chính.

Sắp tới, khi Quy hoạch chung TPHCM được Thủ tướng phê duyệt, UBND thành phố sẽ tiếp tục tổ chức lập một số đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, Đồ án quy hoạch chuyên ngành giao thông đô thị sẽ nêu chi tiết các tuyến trục chính đô thị, cao tốc đô thị, đường trên cao, đường hướng tâm, các tuyến metro và đường sắt đô thị loại hình khác như tramway/LRV (light rail vehicle)...

Ngoài ra, theo Quy hoạch đường sắt quốc gia, có đến 8 tuyến trên địa bàn Vùng TPHCM, gồm cả tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM hiện hữu, sẽ được nâng cấp. Trong đó, có 6 tuyến đi qua địa bàn thành phố.

Tình hình quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt, đối với Đường sắt quốc gia từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn (Hòa Hưng), đoạn tuyến đi qua địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 14 km. Đây là đường ray đơn, khổ hẹp 1m, chưa được điện hóa sức kéo và tự động hóa ở mức cao.

Tuyến giao cắt với đường bộ tại 24 vị trí, gồm 21 đường ngang có nhân viên đường sắt trực gác, 3 đường ngang tổ chức phòng vệ theo hình thức cần chắn tự động. Nhiều vị trí giao cắt thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ khi “đóng” đường bộ vào các giờ cao điểm.

Từ năm 2016, theo sau Quy hoạch 1556, Cục Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với chính quyền cấp quận trên địa bàn tổ chức cắm mốc giới quy hoạch cho tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng. Việc này đến nay chỉ để quản lý quỹ đất, chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch.

Theo quy hoạch của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đều có hoạch định các tuyến đường sắt đô thị thuộc các thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), Tân An (Long An), Thủ Dầu Một (Bình Dương) kết nối với các tuyến metro số 1, số 3, số 4 và số 5 trong Quy hoạch chung TPHCM.

Hiện nay, UBND thành phố đang phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nghiên cứu triển khai nối dài tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên sang địa bàn các tỉnh này.

Một số tuyến đường sắt quốc gia trên địa bàn TPHCM đã được quy hoạch (Quy hoạch 1556) trong thời gian dài nhưng chưa được triển khai đầu tư xây dựng. Do đó, trong việc điều chỉnh các Quy hoạch 1769 và Quy hoạch 1556, UBND TPHCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các quy hoạch trên, đảm bảo tính khả thi, khả dụng trong việc dự trữ quỹ đất đô thị (trong tình hình đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng ở TPHCM) và trong tổ chức thực hiện, nhất là đối với nội dung định hướng “chuyển đoạn Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) thành đường sắt đô thị sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI