UBND TP.HCM yêu cầu báo cáo vụ WB dừng tài trợ 350 tỷ đồng

13/08/2018 - 06:00

PNO - Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan sắp xếp cuộc làm việc với WB (Ngân hàng Thế giới) để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc đơn vị này dừng tài trợ hai gói thầu nói trên.

Liên quan đến bài viết Vì sao WB dừng tài trợ 350 tỷ đồng cho dự án môi trường TP.HCM? đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 9/7, UBND TP.HCM vừa có công văn yêu cầu Sở Giao thông Vận tải TP.HCM làm việc với Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường (VSMT) và có báo cáo chính thức về các vấn đề liên quan đến gói thầu XL-04 và XL-06 của dự án này, đồng thời rà soát, kiểm tra lại quy trình đấu thầu của tất cả các gói thầu thuộc dự án VSMT và báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM.

UBND TP.HCM yeu cau bao cao vu WB dung tai tro 350 ty dong
Gói thầu số 4 của dự án vệ sinh môi trường dừng thi công sau khi Ngân hàng Thế giới không chấp nhận kết quả chọn thầu - Ảnh: H.N.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị liên quan sắp xếp cuộc làm việc với WB (Ngân hàng Thế giới) để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc đơn vị này dừng tài trợ hai gói thầu nói trên.

Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nêu, do phát hiện quá trình đấu thầu hai gói thầu của dự án VSMT có dấu hiệu không hợp lệ, nguy cơ phát sinh tiêu cực nên WB đã quyết định tạm dừng tài trợ hai gói thầu này.

Cụ thể, đơn vị trúng thầu gói XL-04 là Công ty cổ phần Công trình giao thông công chánh (viết tắt CPW), còn đơn vị trúng thầu gói XL-06 là liên danh giữa CPW với một công ty dầu khí mà WB nghi ngờ có nguy cơ bị chi phối. Theo WB, do CPW có đến 25% vốn nhà nước (Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nắm giữ), trong khi Sawaco là đơn vị hoàn toàn thuộc sở hữu của UBND TP.HCM.

Căn cứ vào quy định của WB, UBND TP.HCM chính là “bên vay” của dự án, do đó đơn vị trúng thầu cũng có khả năng bị chi phối. Theo lập luận của WB, bên vay cũng có quyền hạn và khả năng để thực hiện ảnh hưởng, chi phối và kiểm soát CPW (công ty trúng thầu) thông qua Sawaco.

Ngoài phát hiện của WB, một số công ty từng tham gia đấu thầu dự án VSMT cũng bày tỏ sự thất vọng, bất bình, không hiểu vì sao những đơn vị có năng lực, bỏ giá thấp thì không trúng thầu, còn đơn vị bỏ giá cao hơn lại trúng.

Một đơn vị tham gia đấu thầu còn trưng ra bằng chứng cho thấy, số tiền trong hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu chênh lệch khá lớn so với số tiền trong biên bản mở thầu và đặt nghi vấn về dấu hiệu tiêu cực trong quá trình đấu thầu (có gói thầu chênh lệch hơn 13 tỷ đồng). Theo một nhà đầu tư, khoản chênh lệch này rõ ràng là không bình thường, cần có sự vào cuộc điều tra của cơ quan công an. 

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI