Uber, Grab không còn 'ngon ăn'?

17/01/2018 - 10:50

PNO - Uber vừa tăng mức chiết khấu lên 29,5%, còn Grab tăng lên 28,36%. Điều này có nghĩa nếu có doanh thu 1 triệu đồng, tài xế phải nộp cho hãng 280.000 - 290.000 đồng. Nhiều tài xế bất bình trước quy định tăng chiết khấu này.

Trước đó, các hãng taxi truyền thống liên tục kiến nghị cơ quan nhà nước chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của Uber, Grab theo hướng xem loại hình hoạt động taxi của hai hãng này là vận tải chứ không phải cung ứng phần mềm. Nếu được xem là doanh nghiệp vận tải, giá cước Uber và Grab khó giữ được mức rẻ như hiện nay do sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí trong quá trình hoạt động như các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, các kiến nghị này vẫn đang trong quá trình xem xét.

Uber, Grab khong con 'ngon an'?
 

Ban đầu, Grab, Uber xuất hiện và hoạt động như loại hình kinh tế chia sẻ, đi nhờ xe. Mức chiết khẩu chỉ khoảng 15%. Rất nhiều người từ chỗ lái xe thuê đã vay mượn tiền để mua xe chạy dịch vụ như một tài xế chuyên nghiệp, coi đó là nghề kiếm sống. Nhưng qua một vài lần điều chỉnh mức chiết khấu, việc trở thành tài xế cho hai hãng “taxi công nghệ” này đang dần kém hấp dẫn đối với cánh lái xe. 

Hồng - một tài xế Uber tại TP.HCM - nêu bài toán đơn giản: nhiều người chạy “taxi công nghệ” hiện nay là dân thuê xe theo ngày. Một chiếc xe 4 chỗ giá thuê bình quân cũng 320.000 - 350.000 đồng/ngày, nếu doanh thu được 1 triệu đồng sau khi trừ phí thuê xe, sẽ phải trừ phía thuế thuê ứng dụng (app) khoảng 280.000 - 290.000 đồng (tính theo mức chiết khẩu mới), thêm chi phí xăng dầu khoảng  300.000 đồng… thì gần như đi làm thuê không công.

Những người có xe riêng hay vay tiền mua xe để chạy “taxi công nghệ” cũng không khá hơn vì dù không mất phí thuê xe nhưng phải chịu những chi phí khác như khấu hao xe, lãi ngân hàng. Tuy nhiên, anh Hồng và nhiều tài xế “taxi công nghệ” khác có chung ý kiến, việc tăng mức chiết khấu chỉ tác động đến “nồi cơm” của tài xế chứ không ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng.

Anh T.V. Quốc - tài xế taxi Grab - cho rằng, các hãng “taxi công nghệ” có định mức số chuyến tối thiểu trong tuần hoặc trong tháng cho tài xế không nhiều nhưng luôn có những chính sách rất khôn khéo nhằm khuyến khích tài xế chạy nhiều hơn.

Chẳng hạn tặng doanh số, tặng điểm… nên nhiều tài xế dành tới 14-16 giờ chạy xe mỗi ngày để đạt thưởng. “Với mức chiết khấu mới, nếu các hãng taxi công nghệ có đẩy mạnh  hình thức thưởng, cũng chỉ có hãng hưởng lợi nhiều chứ tài xế chẳng được bao nhiêu” - anh Quốc nói.

Với mỗi đợt điều chỉnh tăng chiết khấu của các hãng “taxi công nghệ”, cánh tài xế của các hãng này đều phản ứng dữ dội. Tại TP.HCM và Hà Nội, đã nhiều lần, tài xế đồng loạt kêu gọi nhau tắt ứng dụng, kéo lên trụ sở các hãng phản đối việc tăng chiết khấu. Kết quả, các hãng này buộc phải tạm hoãn việc tăng chiết khấu, hoặc chỉ tăng với những tài xế mới tham gia… 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, với đợt tăng chiết khấu mới này, các tài xế cũng có những “chiêu” đối phó mới, như: chỉ chạy đủ định mức số chuyến theo cam kết; với những chuyến có lộ trình dài, cước phí cao, tài xế thường thương lượng giá trực tiếp với khách, hoặc nhờ khách hủy chuyến trên ứng dụng để tránh phải chia phần trăm với hãng.

Điều này có thể mang đến những rủi ro nhất định cho khách hàng, vì khi đó, thỏa thuận giữa khách hàng và tài xế là thỏa thuận cá nhân, không liên quan gì đến hãng. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI