"Uất ức" nhìn mẹ chồng tắm cho cháu kiểu... truyền thống

19/05/2016 - 15:48

PNO - Mỗi lần bà nội xăng xái bế thốc cháu lên để tắm, tôi lại thấy lửa đốt trong lòng.

Vốn sức khỏe không được tốt nên trong suốt thời gian mang thai, tôi thường xuyên bị mệt mỏi, ốm yếu, luôn phải có người chăm sóc. Tôi ốm nghén kinh khủng nên không thể ăn uống hay tẩm bổ được nhiều, bởi vậy em bé sinh ra chỉ được 2,3kg. Con nhỏ, lại không được khỏe mạnh nên tôi rất thương, xót con, chỉ muốn dành cho con mọi thứ tốt nhất.

Chồng tôi làm trưởng phòng kinh doanh của công ty nước ngoài, còn tôi chuyên dịch thuật tiếng Nhật, thu nhập của vợ chồng tôi thuộc hàng khá giả, bởi vậy tôi chẳng tiếc gì mà mạnh dạn “đầu tư” cho con. Tôi luôn tâm niệm rằng con cái cần có điểm khởi đầu tốt thì mới có thể phát triển tốt được.

Mẹ chồng tôi tắm cho cháu với đủ thứ lá có tên lạ hoắc, mẹ bảo đó là lá của dân gian (ảnh minh họa)

Chồng tôi tuy làm việc với người nước ngoài, song lại có suy nghĩ rất cổ hủ và gia trưởng. Anh nhất định vời mẹ ở dưới quê lên để chăm cháu và chăm con dâu, dù tôi đã sắp xếp thuê người giúp việc ổn thỏa.

Nể chồng, nể mẹ chồng, tôi đành im lặng làm theo ý anh, nhưng trong lòng không hề cảm thấy thoải mái. Mẹ chồng tôi không hề có kiến thức chăm sóc phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh theo khoa học hiện đại. Tất cả những gì bà biết chỉ là kinh nghiệm dân gian, có điều đúng, có điều lại cực kì sai lầm, thế nhưng bà lại một mực áp dụng đối với con dâu và cháu nội mình.

Sinh con xong, dù rất yếu và mệt mỏi, nhưng tôi vẫn cố gắng tự mình chăm sóc con vì sợ bà nội đụng vào cháu. Những việc cho ăn hay vệ sinh cho con, tôi đều giành làm hết, chỉ có việc tắm cho bé là tôi chưa thể tự làm được, bởi tôi còn quá yếu.

Bởi vậy, tôi đã cẩn thận thuê một cô hộ lý ở bệnh viện về tắm cho con với mức giá khá đắt (200.000đ/buổi). Bé chưa rụng rốn và còn quá non nớt, để các cô hộ lý tắm cho bé theo đúng phương pháp khoa học mới khiến tôi yên tâm. Thế nhưng mẹ chồng tôi lại xót tiền nên một mực đòi tự tay tắm cho cháu. Nể mẹ chồng, tôi đã nhiều lần phải nhượng bộ.

Thà tốn vài đồng thuê người tắm cho bé còn hơn giaoc háu vào tay mẹ chồng (ảnh minh họa)

Nhưng mỗi lần bà tắm cho cháu, thay vì massage nhẹ nhàng, bà lại phát thật mạnh vào mông, khiến bé khóc thét lên đau đớn. Bà bảo làm như vậy nó mới “nở phổi”. Người mẹ như tôi nhìn cảnh ấy mà chết điếng.

Đó là còn chưa kể tới việc bà nhất định vắt chanh vào người bé để tắm cho hết rôm sảy, để cho bé khóc ngằn ngặt vì xót. Bà nhất định không chịu dùng sữa tắm mà lại đun các loại lá để tắm cho bé. Trong khi những loại lá đó hoàn toàn có thể gây dị ứng cho con.

Và quả thật, con tôi đã nổi mụn sau khi được bà tắm bằng nước lá mùi. Tôi lại vất vả đưa con đi khám, rồi lo thuốc men, chạy chữa.

Nhưng bà vẫn không vì thế mà rút kinh nghiệm. Khi tắm, bà còn một mực cho rằng không thể để nước vào rốn con vì con chưa rụng rốn, nên bà không hề vệ sinh vết thương cho con, khiến nó mưng mủ, nhiễm trùng. May có cô hộ lý đến thăm bé phát hiện ra và sát trùng cho bé, nếu không, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa.

Những việc mẹ chồng làm khiến cho tôi không thể yên tâm giao bé cho bà. Tôi phải lấy hết cớ này đến cớ khác để thoái thác. Nhiều lần như vậy, mẹ chồng tôi tự ái, bà quày quả bỏ về quê mà không từ biệt tôi lời nào.

Không những vậy, bà còn nói với chồng tôi rằng tôi đã không tôn trọng bà, khiến cho vợ chồng tôi xảy ra xích mích. Mẹ chồng tôi chỉ tắm cho cháu vài buổi, nhưng hậu quả sau đó, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của, công sức và thời gian mới khắc phục nổi.  

Phạm Thị Thanh Thảo (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI