Ðứa con xa lạ

18/02/2017 - 06:30

PNO - Ðiều đáng sợ nhất là con bé bắt đầu lơ là chuyện học. Ðầu óc nó như để đâu đâu, nghe giảng xong là quên ngay.

Tôi cầm cái điện thoại màn hình trắng đen của con lên, bấm thử. Ở hộp thư đến có một tin nhắn sót lại. Nội dung tin là xác nhận của một nhà bán lẻ trực tuyến về đơn hàng nào đấy. Kiểu như con sợ quên nên chưa dám xóa. 

Ðua con xa la
 

Tôi không kềm được, nên ngay tối ấy hỏi bé Xíu: “Con đặt mua gì trên mạng đấy?”. Con bé khựng lại vài giây, rồi bình thản trả lời: “Con quên rồi mẹ”. Nếu là bạn, bạn có bị sốc không, và sẽ xử lý tiếp theo như thế nào? Chứ cảm giác của tôi ngay lúc ấy là muốn nổi khùng lên. Tôi quát: “Quên là thế nào? Tại sao con giấu mẹ? Mới nứt mắt chừng ấy tuổi mà con đã quá đáng vậy à?…”.

Lời lẽ cứ thế tuôn ra, không sao kiểm soát. Những hậm hực khi nghe bà giúp việc xì xầm “hình như bé Xíu có bồ đấy cô à” được dịp bùng nổ. Tất nhiên, tôi cũng đủ khôn ngoan để không tỏ ý rằng mình đã biết cái thông tin động trời ấy.

Xíu vừa lên cấp II, mới mười một tuổi. Còn chưa thật sự trổ mã dậy thì, dù cơ thể đã có vài đường nét của người lớn. Da mượt, dáng thon hơn, thấp thoáng chút đường cong. Lòng người làm mẹ gợn nỗi lo âu khi thấy con bắt đầu quan tâm tới đẹp xấu và giới tính, thích đọc tạp chí có người mẫu thời trang ăn diện. Những câu hỏi và bận tâm của con không còn xoay quanh đồ chơi hay truyện tranh nữa, mà là… khi nào người ta lấy chồng, lấy ai cũng được hả mẹ, sao lại phải lấy chồng… Khó để trả lời ngọn ngành cho một bé gái mới hôm qua còn hồn nhiên ở trần bốc đồ ăn về những đề tài khó nhằn ấy. Dù đã bấm bụng dặn bé Xíu vài vấn đề chẳng thể không nói, như ai mới được phép đụng vào cơ thể con, không theo người khác phái đi bất cứ nơi nào, trên người con vị trí nào là “cấm địa”... Con bé gật gù ra điều thông hiểu, nhưng tôi vẫn không khỏi lo âu.

Nghe bà giúp việc kể, ở nhà con gái tôi thậm thụt ôm điện thoại suốt. Trong mấy cuộc “tám” với bạn bè có cả “thất tình” và “bồ của bà thế nào”. Tôi phát hoảng. Sực nhớ ra, gần đây con ít trò chuyện với mẹ, lại thích đi học hoặc dự sinh nhật bạn, chủ động vặn báo thức và dậy ngay không đợi dỗ dành, kêu réo như xưa. Con tắm gội lâu hơn, riêng tư hẳn, cũng không đòi qua ngủ với mẹ như trước…

Buổi tối, tôi muốn tỉ tê thêm với Xíu, nhưng con bé lảng tránh, đi ngủ sớm. Không biết nên mở lời thế nào, tôi đành… lật bài, hỏi thẳng: “Xíu có gì phải giấu mẹ à?”. Con bé lắc đầu, rồi leo lên giường nằm, kéo chăn trùm kín mặt. Thái độ không hợp tác thấy rõ. Tôi hậm hực đứng ngó, cuối cùng đành chịu thua…

Giờ thì tôi đã hiểu cảm giác bất lực của các bậc cha mẹ khi con tới cái tuổi dở dở ương ương. Lo lắm. Khuyên nhủ con mà như đang tự nói với chính mình. Những lời răn dạy đôi khi cũng nhận lại được chữ “dạ” nhẹ nhàng, nhưng rồi đâu lại vào đó. Thay đổi theo ý mình muốn ư, quả là chuyện không tưởng. Tôi chẳng biết phải làm sao. La mắng con thì không phải cách, nhưng đối diện với vẻ mặt khép kín của đứa trẻ mới ngày nào còn bám mẹ như sam, thật không sao giữ được sự kiên nhẫn và bình tĩnh.

Ðiều đáng sợ nhất là con bé bắt đầu lơ là chuyện học. Ðầu óc nó như để đâu đâu, nghe giảng xong là quên ngay. Ngồi kèm con học mà tức anh ách. Bà mẹ “nóng tính võ công cao” nhanh chóng nổi giận phừng phừng. Bé Xíu bữa nào cũng mếu máo khóc trước cơn thịnh nộ của mẹ, rồi điểm số vẫn cứ quẩn quanh ở mức trên dưới trung bình… Phải chi con bé vốn ngốc nghếch hoặc không có khả năng tiếp thu thì đành chịu, đằng này căn nguyên là sự lười biếng chán sách vở. Hỏi có bậc phụ huynh nào chẳng tuyệt vọng!

Bài toán được giải sau khi tôi đã nghĩ suy rất nhiều là phải nói chuyện với con, như hai người lớn thật sự. Rằng mẹ sai vì hay rủa xả con, dù mỗi lần như thế mẹ đều rất đau lòng. Mẹ buồn lắm khi con xa lạ thế này... Nước mắt của mẹ khiến con gái hối hận, cũng bật khóc. Chúng tôi hôm ấy đã tâm sự cùng nhau rất lâu, thổ lộ nhiều điều mà bấy lâu không để mắt tới. Ví như con tôi cảm thấy tủi thân và tổn thương đau lòng khi bị mẹ nặng lời, điều mà tôi đã quên mỗi lần “lên đồng” mắng mỏ. Con thấy thế nào khi mẹ buộc phải áp đặt? Con có biết mẹ chẳng vui sướng gì khi phải phạt con không? Ðại khái thế…

Tôi không lạc quan đến mức cho rằng, chỉ cần một lần mẹ con trò chuyện là sẽ xử lý xong “mâu thuẫn” giữa đứa con gái chuẩn bị lớn với một bà mẹ bận rộn cộc tính và không thích lằng nhằng. Nhưng có khởi đầu vẫn tốt hơn là không bao giờ gần gũi và dành thời gian lẫn tâm trí cho con. Quan trọng là con tôi đã chịu lắng nghe. Và tôi đã biết đặt mình vào vị trí của con để có thể thấu hiểu ít nhiều...

Hạ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI